Trong những năm gần đây, do chi phí chăm sóc trẻ ngày càng cao, sự kém linh động của môi trường công sở và ước muốn dành nhiều thời gian hơn cho con đã tạo ra một xu hướng mới với các bậc cha mẹ – đặc biệt là những người mẹ – muốn thành lập doanh nghiệp riêng. Đồng thời nền kinh tế chia sẻ và công nghệ đang phát triển nhanh cũng giúp cho việc khởi tạo dự án kinh doanh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

“Mumpreneur” là một từ mới do nữ doanh nhân Antonia Chitty tạo ra để chỉ những người phụ nữ sáng lập và điều hành doanh nghiệp riêng đồng thời đang chăm sóc con nhỏ. Dù vẫn liên tục tung hứng với đủ thứ việc linh tinh và chăm lo cho con nhưng họ đang thách thức các nhà khởi nghiệp có được nhiều hậu thuẫn, có nhiều thuận lợi hơn, và họ đã tạo dựng những thành quả đáng nể trọng.

Trở lại với công việc sau khi sinh là thời điểm thách thức đối với các bà mẹ và họ thường cảm thấy giống như mình đang làm thất vọng “cả hai phía” gia đình và đồng nghiệp. Họ phải cố “múa rối” giữa việc làm mẹ và sự nghiệp. Khởi tạo doanh nghiệp riêng giúp nhiều bà mẹ được làm công việc mà họ đam mê với sự linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc.

Thật ra, chính lúc nghỉ sinh là thời gian mà động lực lớn nhất đến với các bà mẹ. Dù công việc hằng ngày của người mẹ có con nhỏ là không ít nhưng đây là giai đoạn mà một số phụ nữ vẫn muốn tìm những phương cách mới để “luôn bận rộn”. Nhiều bà mẹ đã có những “khoảnh khắc bừng sáng”, giúp họ tiếp tục tiến lên nếu kiên trì và có một sứ mệnh rõ ràng.

Hơn nữa, “được độc lập” là một sự cám dỗ đối với họ. Rất nhiều dự án khởi nghiệp của các bà mẹ đã ra đời trên khắp thế giới từ thực phẩm bổ dưỡng, thời trang, viết blog, mở công ty quảng cáo cho đến phát triển ứng dụng.

Sau đây là một vài lời khuyên dành cho những người mẹ giàu khát vọng đang khởi sự dự án kinh doanh của họ:

Tất cả bắt đầu với một sứ mệnh

Dù có lẽ bạn đã nghe điều này nhiều lần nhưng vẫn cần lặp lại: Một tuyên bố sứ mệnh rõ ràng chính là điểm khởi đầu. Kiếm tiền không thể tự nó là một sứ mệnh. Đến một lúc nào đó mọi thứ không suôn sẻ như dự định và đó là điều hiển nhiên của bất cứ dự án kinh doanh non trẻ nào.

Nhưng nếu sứ mệnh được khởi động từ nguồn cảm hứng – sự thôi thúc đến từ một vấn đề chưa được giải quyết hoặc một trải nghiệm buồn hay mong muốn tạo dựng điều gì đó để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn thì khi đó, tầm nhìn này sẽ soi sáng con đường khởi nghiệp vẫn thường xuyên gập ghềnh. Vậy hãy tự hỏi rằng tại sao tôi lại làm điều này?

Lên kế hoạch cho thật tốt

Đối với các “mumpreneur”, việc lập kế hoạch là cực kỳ quan trọng. Khảo sát, nghiên cứu về sản phẩm, lập kế hoạch và tiến lên. Và quan trọng nhất là cần bám sát theo kế hoạch.

Tổ chức một “trung tâm điều hành”

Đây có lẽ là cách tốt nhất để cùng lúc tổ chức ngôi nhà, doanh nghiệp và cả bản thân người chủ. Dành riêng một khu vực trong nhà để làm “trung tâm điều hành”: đó là nơi bạn có thể tiếp cận mọi thứ cần thiết. Lên lịch cho mọi thứ quan trọng từ họp khách hàng, giao dịch cho đến họp phụ huynh.

Với những người cảm thấy khó tập trung khi làm việc ở nhà do có quá nhiều thứ gây phân tâm, hãy thử tìm một không gian làm việc chung. Gặp gỡ những người cùng suy nghĩ cũng sẽ khuyến khích bạn nhiều hơn trong vai trò của một nhà khởi nghiệp.

Quản lý thời gian

Thật không dễ dàng gì khi mà con trẻ đang cần bạn thế mà bạn lại bận rộn phải giải quyết công việc. Nhưng cân bằng thời gian cho gia đình và việc kinh doanh là rất quan trọng. Sao bạn không dành vài phút để dạy trẻ cách trở thành nhà khởi nghiệp? Bằng cách này, trẻ có thể học được bài học cuộc sống từ người mẹ trong lúc mẹ đang làm công việc kinh doanh.

“Mumpreneur” cần có kiến thức công nghệ

Có kiến thức công nghệ không phải là một sự chọn lựa mà là điều tối cần thiết đối với một “mumpreneur”. Bạn không cần phải sành sỏi về công nghệ, nhưng bắt buộc phải có kiến thức hữu dụng về sự bùng nổ “dot-com” và mạng xã hội.

Các cộng tác viên làm việc tự do (freelancer) có thể giúp ích cho bạn với chi phí phải chăng nhưng bạn phải kiểm soát mọi thứ. Có nhiều trang web sẽ giúp bạn tìm được cộng tác viên cho những thứ cần thiết.

Tìm một huấn luyện viên

Tương tự như trong thể thao, các vận động viên cần người huấn luyện giúp họ đạt được mục tiêu; trong môi trường khởi nghiệp, một người huấn luyện hoặc cố vấn (mentor) có thể đóng vai trò tạo nên sự chuyển đổi và là một “hoa tiêu” trong hành trình của bạn. Các mentor cũng giúp bạn tìm thấy những điểm mù. Ngay cả Oprah Winfrey cũng cần có người giúp để tiến đến đỉnh cao thì tại sao bạn lại không cần cố vấn?

Chăm sóc bản thân

Và quan trọng nhất, không gì có thể khiến bạn xem nhẹ bản thân mình. Dù có bận bịu thế nào với cuộc sống và việc kinh doanh thì cũng đừng quên tự chăm sóc bản thân. Đừng làm việc quá sức, để rồi đến mức kiệt sức.

Ăn uống đều đặn, uống nhiều nước, tập thể dục. Hãy làm mọi thứ giúp bạn giữ được đầu óc lành mạnh, tỉnh táo. Thi thoảng, hãy tự thết đãi bản thân. Bạn cần xem trọng và yêu thương chính mình. Nếu bạn giữ được tâm trí tích cực thì mọi việc sẽ ổn thôi!

Long Hồ – Doanhnhanplus

Bài gốc