Điểm khác biệt của ‘lớp học’ này là một người có thể vừa đưa ra câu hỏi, vừa giúp đỡ người khác giải bài tập nếu làm được, tạo thành mạng lưới kết nối học tập.

Mô hình chia sẻ kiến thức này mang tên SHub Classroom do một nhóm sinh viên đam mê khởi nghiệp từ ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện.

Vũ Ái Nhi (trưởng nhóm) nhớ lại, quãng thời gian khi là học sinh cấp 3, phải học tập kiến thức mới mỗi ngày và dành rất nhiều thời gian để làm bài tập về nhà. Giờ đã là sinh viên, Nhi mới nghiệm ra việc học tạo ra một áp lực rất lớn với học sinh.

Ái Nhi (thứ 2 từ trái sang) và các thành viên nhóm tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp (CiC) do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vừa qua.

Tuy nhiên các em chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng khi gặp những vấn đề trong học tập. Chính vì vậy nhóm đã nghĩ lên ý tưởng kết nối các bạn học sinh với những giáo viên, học sinh, sinh viên giỏi hơn, giúp việc học của các bạn trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết.

Ứng dụng Shub ra đời từ đó. Mô hình này hoạt động tương tự như các ứng dụng gọi xe ôm công nghệ hiện nay.

Nguyễn Hoàng Kha, thành viên nhóm chia sẻ, khi có vấn đề hoặc bài tập nào khó, các bạn học sinh sẽ đăng câu hỏi hoặc chụp hình lại. Hệ thống sẽ tự động tìm người hỗ trợ phù hợp. Trước đó, người dùng cần đăng ký thông tin về điểm mạnh, điểm yếu của mình ở môn học nào để hệ thống có căn cứ kết nối. Điểm khác biệt của SHub Classroom là một người có thể vừa đăng câu hỏi, vừa giúp đỡ người khác giải bài tập nếu làm được.

Đối tượng mà SHub hướng tới là giáo viên và học sinh trung học. SHub Classroom ở giai đoạn đầu là công cụ giúp giáo viên quản lí bài tập về nhà của học sinh. Nhi và các thành viên trong nhóm đã hoàn thiện giai đoạn này với hơn 70.000 người dùng là học sinh và giáo viên.

Ở giai đoạn hiên tại, SHub đã hình thành kênh hỏi đáp miễn phí giúp học sinh có thể hỏi đáp trao đổi lẫn nhau với một thao tác đơn giản, về những bài tập khó mà các bạn chưa giải quyết được. SHub sẽ giúp các bạn liên kết với các bạn học sinh, sinh viên trên cả nước.

“Với sự đơn giản như vậy, các em sẽ dần dần trở nên chủ động hơn trong việc học và nâng cao khả năng tự học của mình. SHub hỗ trợ đa nền tảng, có phiên bản web (shub.edu.vn) và phiên bản android, IOS trên điện thoại với tên SHub classroom”- Nhi chia sẻ.

Giao diện của ứng dụng và số lượng người dùng đáng nể mà nhóm đã xây dựng được trong thời gian qua.

Hiện tại, dự án Shub đã đưa vào hoạt động được 5 tháng. Huỳnh Quốc Tuấn, thành viên nhóm chia sẻ, khi triển khai sản phẩm thì SHub Classroom cũng đón nhận rất nhiều sự quan tâm từ phía thầy cô và các bạn học sinh, có những thầy cô liên hệ trực tiếp với nhóm bày tỏ sự mong mỏi muốn nâng cấp sản phẩm hơn nữa. “Đó chính là nguồn động lực to lớn giúp duy trì sự đam mê của các thành viên trong nhóm”- Tuấn hào hứng nói.

Vì là sản phẩm về công nghệ, nên bắt buộc người dùng phải có smartphone hoặc máy tính. Khi chăm sóc người dùng, có rất nhiều thầy cô than với nhóm rằng rất muốn sử dụng ứng dụng nhưng học sinh của họ ở vùng sâu không có đủ phương tiện để dùng. Đây là điều mà cả nhóm rất tiếc.

“Em hi vọng trong tương lai SHub Classroom sẽ trở nên phổ biến hơn và lan tỏa nhiều kiến thức đến với các bạn học sinh ở những vùng xa nhất của tổ quốc”- Tuấn chia sẻ.

Mới đây, dự án Shub Classrooom đã nhận giải thưởng từ chương trình”Tri thức trẻ vì giáo dục” với số tiền thưởng 100 triệu đồng. Các thành viên nhóm chia sẻ, sẽ dùng tiền thưởng để tái đầu tư chi trả tiền thuê máy chủ và các nền tảng công nghệ cho ứng dụng trong hai tháng tới. Tất cả thành viên nhóm đều quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án để có thể mang SHub Classroom đi gọi vốn từ một số nhà đầu tư lớn.

Vĩnh Hàn