Trung Quốc đang có những bước đi thần tốc trong ngành start-up và đầu tư mạo hiểm. Năm 2014, chỉ có 2 trong số 20 công ty internet hàng đầu thế giới là của Trung Quốc. Nhưng ở thời điểm hiện tại, con số này đã nhảy vọt lên đến 9. Phần còn lại thuộc về Hoa Kỳ. Và Châu Âu chẳng có nổi một cái tên nào trong top này.

Trong khi những công ty internet ở Mỹ hoạt động trên phạm vi toàn cầu, thì những công ty internet Trung Quốc vẫn chỉ hoạt động chủ yếu trong phạm vi nước này. Trong thập kỷ rới, có lẽ họ sẽ theo con đường tơ lụa mới để tấn công thị trường Đông Nam Á. Và sự thống trị của những công ty internet Trung Quốc sẽ còn tăng cao hơn.

Trong khi đó, Châu Âu sau khi bị Mỹ ‘đè bẹp’ trong hơn 3 thập kỷ, nay lại phải ‘nếm trái đắng’ khi tiếp tục xếp sau Trung Quốc trong danh sách những khu vực quan trọng nhất cho sự phát triển của lĩnh vực internet trong tương lai.

Sự phát triển của Trung Quốc thực sự là bài học để Châu Âu rút ra những kinh nghiệm. Nếu không, Châu Âu sẽ bỏ lỡ những ngành công nghiệp trọng điểm của hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Chính vì vậy, trong bài viết này, tôi đề xuất 3 điều mà Châu Âu nên học tập từ sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế start-up tại Trung Quốc. Để đơn giản vấn đề, tôi sẽ đề cập đến Châu Âu như một khối chung, không đi sâu chi tiết vào từng nước cụ thể. Dĩ nhiên bài học vẫn đúng với từng nước đơn lẻ trong khối này.

 

Châu Âu cần hỗ trợ tài chính đúng đắn cho nền kinh tế start-up

 

Năm 2017, Hoa Kỳ gọi được 84 tỷ đô tiền vốn đầu tư mạo hiểm, Trung Quốc gọi được 59 tỷ đô, thì Châu Âu chỉ khiêm tốn với con số 17 tỷ (mặc dù vậy, vẫn tăng so với 13 tỷ đô năm 2016). GDP của Châu Âu xấp xỉ Hoa Kỳ (17 nghìn tỷ đô và 19 nghìn tỷ đô), thế nhưng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm lại chưa bằng một phần tư. Rõ ràng, Châu Âu nên học tập Trung Quốc về mảng này.

Nền kinh tế start-up của Trung Quốc phát triển từ sự cạnh tranh. Chính phủ địa phương đăng ký cạnh tranh start-up, từ cấp trung ương đến địa phương. Chẳng hạn, ở Thượng Hải, những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại quận Jingan sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp quận Yangpu. Ở cấp độ lớn hơn, khu vực Tam giác sông Trường Giang (gồm Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu) sẽ cạnh tranh với khu vực Vịnh mới ở phía Nam (gồm Thẩm Quyến, Quảng Châu, Châu Hải,…)

Chính sách tương tự cũng áp dụng vào bằng sáng chế công nghệ và nguồn thuế từ những start-up công nghệ. Không chỉ vậy, chính quyền địa phương xây dựng những trung tâm doanh nghiệp để hỗ trợ tài chính cho các hãng vốn đầu tư mạo hiểm và các start-up.

Theo đó, nguồn hỗ trợ từ chính quyền địa phương cho các quỹ vốn đầu tư mạo hiểm có thể lên đến 20%. Đồng thời, chính quyền cũng có những chính sách ưu đãi thuế để những nhà đầu tư cá nhân có thể đầu tư vào start-up.

Sự cạnh tranh mạnh mẽ này, bao gồm việc phát triển những chính sách ưu đãi rõ ràng cho các quỹ tư nhân và tập đoàn để đầu tư vào start-up, không hề tồn tại ở Châu Âu. Chính quyền Châu Âu thiếu đi sự cạnh tranh nội bộ và các nguồn quỹ cho start-up, cũng như những điều luật thuế minh bạch, khiến cho các cá nhân và tập đoàn e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Châu Âu cần tạo nên những công ty lớn để hỗ trợ hệ thống start-up trong khối

 

Trong khi Hoa Kỳ có Facebook, Amazon, Netflix và Google, thì Trung Quốc có Baidu, Alibaba và Tencent (được gọi chung là BAT). Bộ ba BAT này đầu tư cho 30% start-up hàng đầu Trung Quốc. BAT giúp đỡ những doanh nghiệp này phát triển, bằng cả việc hợp lực lẫn gây nguồn vốn. Làn sóng tiếp theo của những start-up hàng đầu Trung Quốc, bao gồm Meituan (giao đồ ăn) và Didi Chuxing (giao thông), đều được phát triển một phần nhờ bộ ba BAT này.

Trong khi đó, đa số các quỹ đầu tư mạo hiểm và start-up ở Châu Âu lại đến từ Hoa Kỳ. Châu Âu chẳng có cái tên nào trong danh sách 20 công ty internet hàng đầu thế giới. Mạng xã hội phổ biến nhất ở Châu Âu là Facebook, công cụ tìm kiếm thông tin thông dụng nhất là Google, và trang web thương mại điện tử được sử dụng nhiều nhất là Amazon.

Điều quan tâm nhất của ba ông lớn này là chiếm lĩnh thị trường, thu thập lợi nhuận và dữ liệu từ người dùng. Những công ty công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ chỉ xem Châu Âu là một thị trường lớn dễ tiếp cận. Cuối cùng thì mọi lợi ích đều quy về Hoa Kỳ. Châu Âu nên học tập Trung Quốc ở điểm này và hãy bắt đầu xây dựng những công ty lớn để có thể cạnh tranh với những nền kinh tế còn lại.

 

Phát triển chính sách công nghiệp rõ ràng cho ngành số hóa

 

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 năm 2016, Trung Quốc đặt việc nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo ở vị trí thứ sáu trong chương trình nghị sự chiến lược quốc gia. Gần đây, Trung Quốc cũng đang cạnh tranh cho vị trí dẫn đầu trong việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và các công ty về trí tuệ nhân tạo. Chính phủ nước này cũng có những quyết định nhằm hạn chế sự xâm nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường internet nội địa. Kết quả là Trung Quốc tự xây dựng được nền kinh tế riêng, tạo nên những công cụ internet riêng biệt và cải tiến start-up.

Châu Âu cũng có những chính sách hạn chế thị trường. Chẳng hạn Airbus và Boeing vẫn là những công ty chiếm lĩnh thị trường. Hoặc ngành nông nghiệp của Châu Âu vẫn nhận được nhiều trợ cấp.

Thế nhưng ở lĩnh vực quan trọng nhất – số hóa và internet, lĩnh vực xuyên suốt tất cả ngành công nghiệp – thì chính quyền Châu Âu lại để những công ty Hoa Kỳ tiếp cận và thống lĩnh thị trường. Đường đi của Châu Âu có thể khác Trung Quốc. Nhưng nếu muốn đứng vững trong tương lai, Châu Âu cần phát triển chính sách công nghiệp thống nhất cho ngành số hóa để hỗ trợ các start-up địa phương.

Tôi biết rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có ưu thế về thị trường thống nhất. Châu Âu thiếu điều này vì đây không phải là một quốc gia duy nhất. Tuy nhiên chính vì thế Châu Âu cần tích hợp nhiều hơn, thậm chí linh hoạt hơn và nhanh chóng hơn những quốc gia này, nếu Châu Âu muốn có tiếng nói trong tương lai. Cơ hội của Châu Âu nằm ở chỗ nơi này có nhiều công ty B2B, sản xuất thông minh, Internet of Things, và trí tuệ nhân tạo. Thế nhưng các nền tảng vẫn chưa đủ để đạt được tiềm năng này.

Trong trật tự thế giới đa phương mới, nơi mà Trung Quốc, Châu ÂU và Hoa Kỳ cùng tồn tại dưới cương vị một nền kinh tế phát triển với những điểm mạnh riêng, Châu Âu nên hiểu rõ và hợp tác với Trung Quốc, đồng thời áp dụng những điều rút ra được từ Trung Quốc lên chính nền kinh tế của mình. Doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, và chính quyền từ cả Trung Quốc lẫn Châu Âu sẽ thu lại nhiều lợi ích hơn nếu biết hợp tác sâu rộng.

Fabian von Heimburg (Sáng lập và điều hành công ty Hotnest, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2018)

Hải Vy (Theo Weforum)