Khi nhắc đến những vị tướng tài giỏi và vĩ đại trong lịch sử thế giới, chắc chắn không thể thiếu Thành Cát Tư Hãn. Ông là con trai của một vị thủ lĩnh bộ lạc nhỏ bé, yếu đuối, luôn bị các bộ tộc khác tấn công, cướp bóc.

Tuy nhiên, đến tuổi trưởng thành, Thiết Mộc Chân, sau này chính là Thành Cát Tư Hãn, là cái tên vang dội khắp vùng thảo nguyên du mục. Ông lãnh đạo, thống nhất tất cả các bộ tộc du mục trên thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn bằng cả ngoại giao và quân sự. Các bộ tộc vốn như nắm cát rời rạc trên sa mạc giờ thống thất thành một đế quốc Mông Cổ hùng mạnh.

Thiết kỵ Mông Cổ là ác mộng cho bất kì quốc gia nào. Nơi nào vó ngựa đi qua chỉ còn lại thành lũy tiêu điều, cỏ không mọc nổi. Cứ như vậy, Đế quốc Mông Cổ càn lướt, chiếm hơn một nửa lãnh thổ châu Á và châu Âu.

Trong một thời gian ngắn có thể chinh phục được một vùng lãnh thổ rộng lớn đã khó, việc quản lý, đảm bảo trật tự cho khu vực còn phức tạp và khó khăn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, chiến lược và cách thức quản lý độc đáo của Thành Cát Tư Hãn đã tạo ra một hệ thống nền móng vững chắc cho sự phát triển thần tốc của đế quốc Mông Cổ.

Khi tấn công một thành trì, tướng lĩnh Mông Cổ luôn cố gắng tìm các thế lực chống đối chính quyền sở tại để làm nội gián, với lời hứa để cho các thế lực này quản lý chính quyền sau khi lật đổ thành công.

Không những thế, các tướng lĩnh Mông Cổ còn đưa ra thỏa thuận rất hấp dẫn về quyền lợi: quân Mông Cổ sẽ lấy 5 phần lợi ích, kẻ quản lý sẽ được 3 phần, những người ủng hộ, giúp sức sẽ được 2 phần.

Đây chính là công thức vàng 5-3-2 giúp cho hệ thống quản lý luôn làm việc hết mình để phụng sự cho đế quốc Mông Cổ. Vậy tại sao không phải tỷ lệ khác?

Tỷ lệ 6-3-1 hoặc 7-2-1: Với tỷ lệ này thì người quản lý sẽ không phục khi nhà đầu tư ban đầu (đế quốc Mông Cổ) đòi hỏi quá nhiều lợi nhuận, gấp đôi người quản lý. Đặc biệt, càng về lâu dài, người quản lý sẽ có suy nghĩ chống đối khi họ chỉ bỏ chút công sức ban đầu mà lại được nhiều lợi ích nhất, trong khi mình vất vả quản lý điều hành trực tiếp mỗi ngày lại được quá ít.

Tâm lý này sẽ dẫn tới việc ngấm ngầm chống đối tổ chức, cắt xén, tham ô bên dưới để gia tăng lợi ích của mình. Những người thực sự làm việc tay chân bên dưới càng không phục khi nghĩ quản lý làm ít mà ăn nhiều, giờ lại còn thêm bòn rút, cắt xén lợi ích của người lao động.

Tỷ lệ 4-4-2 hoặc 4-5-1: Mặc dù đế quốc rất cần một người địa phương quản lý lãnh thổ vì các yếu tố thấu hiểu môi trường, văn hóa và nền tảng quan hệ sẵn có, nhà đầu tư (đế quốc Mông Cổ) sẽ không chấp nhận tỷ lệ lợi nhuận thấp vì toàn bộ công sức bỏ ra là rất lớn, chưa kể đến thiệt hại, rủi ro giai đoạn ban đầu.

Nhà quản lý được tận hưởng một hệ thống được thiết lập sẵn, chỉ vận hành nên không đáng được lợi ích lớn đến vậy. Hơn nữa, hệ thống muốn vận hành thì ngoài người quản lý thì cũng cần nhân viên làm việc chân tay ở các cấp. Những nhân viên này sẽ có tư tưởng chống đối nếu họ thấy lợi ích nhận được quá ít so với các cấp quản lý.

Vậy nên, để đảm bảo hệ thống được vận hành trơn tru, cùng đạt mục đích chung, các cá nhân, quản lý, lãnh đạo đều cùng phải nhận được lợi ích tương xứng với công sức lao động họ bỏ ra. Cựu thủ tướng nước Anh Winston Churchill đã từng nói: “Trên thế giới này không có đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích mới là vĩnh viễn”. Việc đảm bảo công bằng lợi ích các bên chính là bí quyết của sự hợp tác thành công dài lâu.

Vũ Minh Trường – NCS Tiến sĩ Lãnh Đạo Chiến Lược, ĐH James Madison

Bài gốc