Chán việc công sở, Kadakia tìm ý tưởng kinh doanh và tạo ra công ty kết nối phòng tập trị giá 470 triệu USD.

Năm 27 tuổi, Payal Kadakia muốn thoát đời sống công sở và bắt đầu tìm kiếm hành trình riêng. Cô nảy ý định bỏ việc tại một hãng thu âm lớn ở New York, sau khi tiếp xúc những nhà khởi nghiệp trong kỳ nghỉ tới San Francisco, bang California (Mỹ).

“Tôi nghĩ, nếu mình cũng có một ý tưởng thì sao? Thế nên tôi cho bản thân hai tuần”, Kadakia, hiện 35 tuổi, nhớ lại.

Chỉ trong 36 giờ của thử thách tự đặt ra, ý tưởng lóe lên trong đầu cô. Mê nhảy và tập thể dục, Kadakia nhận ra từng gặp khó thế nào hồi đi tìm chỗ học ballet. “Tôi ghé 6 website khác nhau vẫn không thể biết lớp nào phù hợp với mình”, cô kể. “Một tiếng trôi qua, tôi chưa đặt gì”. Tệ hơn, nó khiến cô sau cùng không đi tập.

Kadakia nghĩ sẽ tạo ra một trang web đối chiếu lớp nhảy và phòng tập khắp cả nước, đồng thời người dùng đặt tại chỗ. Với mỗi đơn thành công, nhà cung cấp dịch vụ trích hoa hồng cho nền tảng.

Cô nghiên cứu mô hình trong 6 tháng, trước khi thôi việc công ty tháng 1/2011, để sáng lập phiên bản nguyên thủy của ClassPass. Đây là công ty có trụ sở New York, ngày nay giá trị 470 triệu USD, phủ sóng khắp Mỹ và 9 nước nữa gồm Anh, Canada, Australia. Một số quốc gia khác đã phát triển mô hình kết nối phòng tập tương tự.

Forbes ước tính Kadakia, con gái một gia đình Ấn Độ nhập cư, có hơn 50 triệu USD tài sản năm 2016. Nhưng để thành công, cô phải trải qua nhiều lần thử sai với mô hình.

Trở lại năm 2011, Payal thôi việc, tiền tiết kiệm đủ sống trong hai năm. Đó cũng là thời hạn buộc thành công với ClassPass, ban đầu có tên Classtivity.

Gọi được vốn 500.000 USD từ gia đình và bạn bè, nữ sáng lập ra mắt Classtivity năm 2012. Công ty mới đầu là một quả “bom xịt”. Kadakia cho biết dù cú chào sân đạt hiệu quả truyền thông tốt, nó không chuyển đổi thành đủ doanh số. “Chúng tôi phải nhìn nhận nghiêm túc lại cách kinh doanh”, cô kể.

Năm 2014, Kadakia quyết định nền tảng sẽ không là nơi đặt chỗ đơn lẻ, bột phát mỗi lớp học. ClassPass chuyển đổi sang mô hình kinh doanh gói. Ban đầu, nó đưa ra lựa chọn gói 20 buổi mỗi tháng, tính một khoản phí. Nhưng rồi lại giảm xuống 10 buổi mỗi tháng, do hầu hết mọi người không có thời gian.

Đến nay, ClassPass lại bán thuê bao cho người dùng dưới dạng credit (điểm thành viên), với 25-100 credit. Lớp càng đắt hoặc “hot” càng yêu cầu nhiều credit phải trả để tham gia. Chẳng hạn, một buổi yoga gần kín chỗ đòi 9 credit, trong khi lớp boxing còn trống nhiều chỉ tính 4 credit.

Cách vận hành thay đổi nhiều lần khiến ClassPass vấp phải chỉ trích. Nhưng Kadakia nhìn nhận những thay đổi là cần thiết trong quá trình tối ưu hóa mô hình về mặt tài chính. “Chúng tôi chưa từng muốn đảo lộn”, cô nói. “Nhưng không làm, chúng tôi không thể ở đây”.

Thiếu nhất quán, nhưng ClassPass là ứng dụng tăng phổ biến chóng mặt những năm gần đây. Công ty cho hay tới nay 60 triệu đơn đặt lớp học qua web và ứng dụng di động của họ đã được xử lý, giúp kết nối 14.000 phòng gym, lớp dạy nhảy và những không gian khác trong catalog. Doanh thu không được tiết lộ do ClassPass không niêm yết đại chúng, nhưng họ đón nhận 173 triệu USD đầu tư trực tiếp từ các đơn vị, gồm Google.

Zameira Hersi, nhà nghiên cứu hoạt động lúc rảnh rỗi của con người của tổ chức Mintel, đánh giá mấu chốt thành công của ClassPass nằm ở sự tiện lợi tạo ra. “Bằng cách biến công cuộc tìm kiếm, đặt chỗ, thanh toán cho các lớp học trở nên dễ dàng hơn, ClassPass giúp gỡ bỏ phần nào rào cản vận động của con người”, cô nói.

Tuy nhiên, Hersi cũng cho rằng mức giá ClassPass đưa ra là nhược điểm giới hạn tăng trưởng, vì nhiều người cảm thấy với số tiền đó, họ đổi lại được nhiều thứ hơn từ phòng tập đang sử dụng.

Để mở rộng, ClassPass đã kết nối và giới thiệu thêm các dịch vụ chăm sóc da mặt, châm cứu và massage. Với một khoản phí thành viên đóng hàng tháng, người dùng ClassPass có ưu thế được đi học đa dạng loại hình vận động như thể dục giảm cân, boxing, đạp xe dưới nước, yoga trên không, huấn luyện trại lính và múa cột. Kadakia thậm chí hướng tới bổ sung thêm lớp nhiếp ảnh, hội họa, thủ công và nấu ăn. Kế hoạch của cô là tạo ra một nơi kết nối con người với những trải nghiệm cuộc đời.

“Mọi người đến với ứng dụng của chúng tôi đặt hàng những giờ sống của họ”, cô nói.

Thanh Tùng – Ngoisao.net

Bài gốc