Người ta hay nói về khái niệm “hệ sinh thái khởi nghiệp”, nhưng ít có ai xách giỏ đi hỏi các nhà sinh vật học, môi trường học hay nông nghiệp học về bản chất thực sự của khái niệm này.

Một chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chia sẻ rằng:

“Hệ sinh thái là các mối liên hệ chằng chịt giữa các thành tố với nhau, chứ không phải là đếm cây, đếm con như cách thông thường. Chẳng hạn, khu Tràm Chim ở Tam Nông (Đồng Tháp) vào mùa khô chỉ là một vùng trơ ra những lau sậy héo úa, nhìn chán đời và không có chút năng lượng hay giá trị gì để quan tâm.

Nhưng cái mảnh hoang vu này chỉ thực sự thức giấc và tỏa sáng khi đàn sếu đầu đỏ quý giá của thiên nhiên bay về để tạo nên nét vẽ cuối của bức tranh tưởng chừng ảm đạm của cái hệ sinh thái kỳ lạ này, thì thế giới mới vô cùng kinh ngạc”.

Chuyện của xóm

Bởi vậy nên cái không gian làm việc chung đầu tiên của Đà Nẵng, vốn là trụ sở cũ đã “hết hạn sử dụng” của Ban tiếp công dân trực thuộc UBND thành phố, được Vườn ươm thuê lại, gom góp từng đồng tiền để sửa chữa, tân trang cho ra chút hình dáng của một co-working space – mảnh ghép quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Đà Nẵng chưa có một chỗ đẹp lung linh như hai đầu Hà Nội và Sài Gòn, nhưng nhà số 31 Trần Phú này lại là nơi hình thành nên một cái “xóm” khởi nghiệp kỳ lạ:

nơi những người trẻ muốn có văn phòng công ty với ít kinh phí nhất, nơi những gã “du mục kỹ thuật số” – digital nomads – nương náu.

Nói thêm một chút thì digital nomads là những chuyên gia về công nghệ thông tin chuyên làm dự án trực tuyến không phụ thuộc vào không gian làm việc, đi khắp nơi trên thế giới để tìm cảm hứng mà vẫn hoàn tất công việc gửi về Mỹ, Đức hay bất kỳ nơi nào đang trả tiền cho họ.

Mỗi cuối tuần nhiều hoạt động của khu làm việc chung này có một nhiệm vụ duy nhất: phá băng các mối quan hệ của gần 200 con người đang làm việc mỗi ngày tại đây, để họ biết nhau, thân nhau, và một cộng đồng nhỏ ra đời, theo đúng kiểu “tình làng nghĩa xóm” mà những người tổ chức trông đợi.

Từ từ, trảng cỏ khô này sẽ có đàn sếu đầu đỏ, hay thậm chí sẽ có cả đàn phượng hoàng bay về…

“Mùa hè chiều thẳng đứng”

Tất nhiên là chúng ta không nói về bộ phim lừng danh thế giới của đạo diễn Trần Anh Hùng ở đây, dù rằng cái tựa phim này rất sát với cách mà các không gian làm việc chung bên biển của Đà Nẵng – và xa hơn chút là Hội An đang thực hiện.

Không gian làm việc chung, đơn giản là bắt đầu với việc các cá nhân hay nhóm nhỏ, công ty mới hình thành muốn tìm một chỗ để xử lý công việc mà không phải nằm trên giường ở nhà.

Ban đầu, đó là các quán cà phê. Nhưng sau thì quá bất tiện, vì họ cần không gian, cần các dịch vụ hỗ trợ như địa chỉ giao nhận thư tín, tiếp khách, phòng họp, hay in ấn… và quan trọng nhất là môi trường làm việc.

Không gian làm việc chung ra đời để đáp ứng nhu cầu này và được đón nhận nồng nhiệt. Từ đó lại phát sinh thêm các nhu cầu khác, không phải là việc mở rộng diện tích, mà phát triển thêm các tiện ích khác theo chiều… thẳng đứng (vertical – chiều đứng trong đồ thị).

Đó là ngoài việc làm chung, người ta còn có nhu cầu… ăn chung, chơi chung và… nghỉ ngơi chung, tất cả đều theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Hoi An Hub chính là một mô hình như vậy. Hai bạn trẻ người Đức đến Hội An, tìm được một ngôi nhà có “mặt tiền ruộng lúa”, bèn sửa sang lại thành một “thiên đường” của dân du mục kỹ thuật số.

Ở đó, họ có thể làm việc trong văn phòng, làm việc ngoài vườn hoặc xách ghế ra giữa ruộng lúa để tìm cảm hứng sáng tạo. Ở đó, họ có thể cùng nhau ăn một bữa trưa định kỳ để mỗi người kể một câu chuyện của mình và tìm các mảnh ghép còn thiếu trong dự án, công ty.

Ở đó, họ gặp nhau trong những buổi tập yoga, những cuộc trò chuyện về văn hóa hay âm nhạc.

“Đất lành thì chim đậu”, bà con tụ tập về vùng biển ngày càng đông. Ông chủ của Toa Tàu, nhóm sáng lập của Triip.me, nhà điều hành của Topica Edu Group hay các nhà đầu tư khởi nghiệp bắt đầu muốn về Đà Nẵng.

Thấy vậy nên chị Vy, giám đốc Công ty công nghệ Funkoi, bèn đưa một nửa văn phòng bên bờ sông Hàn của mình cho anh Nam Trung để làm khu làm việc chung.

Rồi Công ty Enouvo sắp xếp lại không gian cách bờ biển có 800 bước chân của mình, dành ba tầng lầu cho khu công cộng, hay Công ty thực phẩm Danang Food biến tòa nhà dự định làm văn phòng của mình trở thành chốn mọi người có thể lui tới.

Xin kết thúc câu chuyện bằng một buổi tối trăng sáng, ngồi ăn cá nướng ở một quán vỉa hè Đà Nẵng, tán dóc cùng một hội… liên hiệp quốc: cô Saori vừa rời Tổ chức hỗ trợ JICA của Nhật, dọn về biển để làm một cái dự án hỗ trợ pháp lý khởi nghiệp;

anh Sungho thôi làm điều hành khách sạn 5 sao, quay sang làm nhà đầu tư thiên thần; chị Simone từ Đức về bắt tay vô thực hiện giấc mơ ẩm thực Việt của mình ở dưới chân núi Sơn Trà;

chàng trai Merino lập một hội trên Facebook mang tên “Những gã du mục kỹ thuật số ở Đà Nẵng”.

Vậy đó, một xóm nhỏ ven biển làm khởi nghiệp cứ xôn xao và yêu thương nhau đang lớn từ từ lên.

Trần Nguyên – Tuổi trẻ