Lãnh đạo nhà trường có vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo ra sự thay đổi cũng như xây dựng cơ chế thu hút và phát triển nguồn lực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần và duy trì sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Thông tin được nhiều đại biểu đồng tình tại hội thảo “Vai trò của lãnh đạo nhà trường trong xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp” do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Công ty CP Tập đoàn Green+ tổ chức ngày 12/5/2023.

Theo bà Phan Thị Quý Trúc (Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), so với năm 2017, số doanh nghiệp khởi nghiệp của TP.HCM đến nay đã tăng gấp 5 lần (hiện có gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp). Thành phố cũng có gần 200 quỹ đầu tư khởi nghiệp, 45 cơ sở ươm tạo, gần 90 trường đại học, cao đẳng có hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trước năm 2017 có khoảng 5-10 cuộc thi về khởi nghiệp, 30 – 40 sự kiện đổi mới sáng tạo mỗi năm, hiện nay là 80 cuộc thi và gần 800 sự kiện mỗi năm. Con số này thể hiện sự phát triển nhanh chóng của hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Thành phố.

Tuy nhiên, cần định hướng làm sao để có hệ sinh thái bền vững và lợi thế cạnh tranh trong khu vực. Đối với các trường đại học dù số cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhiều nhưng dự án từ sinh viên startup rất ít. Vì vậy, bên cạnh chương trình đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ cũng cần được tập trung, vì đây là một trong những nơi cho ra doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Song song đó, cùng với việc đưa nội dung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo cho sinh viên, các trường đại học cũng cần quan tâm đào tạo nội dung này cho các giảng viên, nghiên cứu viên trong trường. Điều này cho thấy vai trò định hướng của lãnh đạo nhà trường là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở trường đại học.

Phần trình bày các tham luận tại hội thảo

TS. Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ – NATEC) cho rằng, các trường đại học phải luôn cập nhật tiến bộ công nghệ, mô hình kinh doanh mới để tạo ra hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó, lãnh đạo nhà trường là người dám tiên phong thay đổi, hoạch định sự phát triển của nhà trường; tạo cơ chế thu hút và phát triển nguồn lực đổi mới sáng tạo. Đồng thời thúc đẩy tinh thần và duy trì sự phát triển bền vững của mô hình đổi mới sáng tạo trong nhà trường; thúc đẩy sự phát triển của tri thức khoa học kỹ thuật thông qua nghiên cứu khoa học; chuyển giao tri thức khoa học, công nghệ, thúc đẩy thành tựu R&D,… Do đó, lãnh đạo nhà trường cần có tư duy, tầm nhìn về đổi mới sáng tạo, thể hiện được vai trò là nơi hội tụ, thu hút sự hợp tác trong và ngoài trường, gắn kết tinh thần và khuyến khích đội ngũ tiên phong trong đổi mới sáng tạo.

TS. Đàm Quang Thắng (Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – VSMA) cũng cho rằng, lãnh đạo các trường đại học cần có tư duy, tầm nhìn về đổi mới sáng tạo để thích nghi sự thay đổi trong môi trường giáo dục cạnh tranh; tìm ra giải pháp mới, cách tiếp cận mới, sản phẩm mới, phát triển các phương pháp/chương trình mới, có tính thực tiễn cao… nhằm tiết kiệm chi phí, tối ưu nguồn lực, đáp ứng nhu cầu của sinh viên, doanh nghiệp, xã hội.

Về quản trị đổi mới sáng tạo trong nhà trường, theo TS. Đàm Quang Thắng, các trường nên tạo ra môi trường sáng tạo (khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, đón nhận và khuyến khích các ý tưởng mới); thúc đẩy tư duy sáng tạo (tổ chức các hoạt động đào tạo, tọa đàm, các hoạt động đổi mới sáng tạo cho giảng viên và sinh viên); quản lý các dự án đổi mới sáng tạo (thúc đẩy nghiên  cứu các dự án đổi mới sáng tạo theo hướng thị trường, xây dựng các mô hình thương mại hóa công nghệ, các doanh nghiệp khởi nguồn); tạo ra liên kết đổi mới sáng tạo (tăng cường liên kết với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các cấu phần trong hệ sinh thái như doanh nghiệp, nhà đầu tư, các mạng lưới trong và ngoài nước nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm); đánh giá và quản lý đổi mới sáng tạo (đánh giá và đo lường các hoạt động đổi mới sáng tạo, đo lường hiệu quả và thành công của các hoạt động, dự án đổi mới sáng tạo).

TS. Trần Ái Cầm (Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Trần Ái Cầm (Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) nhấn mạnh, định hướng của trường đại học là vô cùng quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở phạm vi nhà trường. Mô hình đại học khởi nghiệp/đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang là xu hướng chính của giáo dục đào tạo trong những năm gần đây. Trường đại học có các hoạt động để thực hiện sứ mệnh gồm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và văn hóa. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không phải thực hiện một cách đơn lẻ, mà là tạo ra sự thay đổi lan tỏa, kiến tạo hệ sinh thái, hình thành và thúc đẩy các giá trị văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để trường đại học đạt được sứ mệnh của mình.

TS. Trần Ái Cầm cho biết, thực tiễn công tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã được nhìn nhận ngày càng sâu rộng hơn tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trên hành trình 24 năm kiến tạo và phát triển. Trên hành trình này, các thế hệ thầy và trò của nhà trường đã hoàn thành vai trò của mình trong việc xây dựng thành công một trường đại học theo định hướng ứng dụng và nghề nghiệp, có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh mà còn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Trong giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hướng đến trở thành đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập cao, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập, cũng như có sức cạnh tranh cao cho thị trường lao động; qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vươn ra tầm khu vực và quốc tế.

Triển lãm giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên – sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

TS. Cầm khẳng định, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nguồn lực quan trọng phát triển quốc gia, tạo điều kiện cho sinh viên, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và kết nối, hợp tác vì một cộng đồng năng động, sáng tạo, thịnh vượng và phát triển. Khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp sáng tạo để tạo nên những giá trị trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững còn khó hơn rất nhiều. Do đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cam kết luôn ưu tiên đầu tư, kiến tạo môi trường thuận lợi để sinh viên tham gia vào nghiên cứu các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động đổi mới sáng tạo và dành nguồn lực tài chính để đầu tư cho các dự án có tính khả thi, hiệu quả.

“Giáo dục để nuôi dưỡng và phát triển tinh thần khởi nghiệp. Môi trường tại trường đại học là những yếu tố quyết định chính đến các ý định và hoạt động kinh doanh của sinh viên. Đây cũng là một trong những sứ mệnh quan trọng mà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã và đang hướng đến”, TS. Cầm nói.

Phần thảo luận mở, trao đổi, đối thoại tại hội thảo

Hội thảo “Vai trò của lãnh đạo nhà trường trong xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp” được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2023. Bên cạnh phần trình bày các tham luận của các diễn giả, tại hội thảo cũng diễn ra phiên thảo luận mở với chủ đề “Vai trò lãnh đạo trường đại học trong xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp” và triển lãm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên – sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Một số sản phẩm tiêu biểu tại triển lãm như: bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn và sản phẩm ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn Fly Bio; sản phẩm tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ sản xuất từ ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước (Q-Green); sơn nước graphene; trà tiêu độc Comtido;…

Lam Vân (CESTI)