Từng bị gọi là ‘điên’ vì bỏ việc tại MCKinsey, cô gái này và người bạn cùng lớp đã gây dựng nên startup 6 tỷ đô, làm thay đổi ngành giao thông Đông Nam Á
Cô gái người Malaysia cùng người đồng sáng lập Anthony Tan đã sáng lập ra Grab, startup về công nghệ lớn bậc nhất ở Đông Nam Á. Cô Ling thuộc thế hệ 8X, người Malaysia, từng học Harvard và làm việc tại tập đoàn MCKinsey Malaysia (MCKinsey là tập đoàn của Mỹ).
Bỏ việc tại một tập đoàn lớn để khởi nghiệp
5 năm trước, tại một quán cà phê ở thủ đô Kuala Lumpur, một phụ nữ trẻ với chiếc điện thoại thông minh trên tay đang nhiệt tình hướng dẫn cho những lái xe taxi ở địa phương cách sử dụng ứng dụng gọi xe.
Đó chính là cách Tan Hooi Ling khởi nghiệp kinh doanh. Hiện tại Tan 34 tuổi và là đồng sáng lập của Grab.
Cha của Ling là một công chức nhà nước, còn mẹ mở một đại lý môi giới. Khoản tiền tiết kiệm của bố mẹ Tan giúp cô được hưởng nền giáo dục từ phương tây khi theo học chuyên ngành kỹ sư tại một trường đại học ở Anh.
“Cho tới lúc đó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mở một doanh nghiệp”, cô Ling cho biết.
Khi Ling đang học tại trường kinh doanh Harvard, gặp người đồng hương với mình là Anthony Tan – người thành lập nên Grab sau này.
Trong một sự kiện cắm trại của trường, họ đã tổ chức một cuộc thi ý tưởng kinh doanh giúp ích cho những người thu nhập thấp. Anthony và Tan đã quyết định trở thành một nhóm và cùng lên ý tưởng cho cuộc thi.
Cả 2 đã dành nhiều ngày để hoàn thiện ý tưởng của mình. “Cô ấy thậm chí làm việc ngay cả khi chúng tôi đi trượt tuyết tại Colorado”, Arum Kang – người bạn cùng lớp với Ling kể lại.
Sau khi tốt nghiệp, Ling được nhận vào làm việc tại văn phòng San Francisco của McKinsey trong 2 năm. Tuy nhiên, cô quyết định trả lại số tiền được tài trợ đi học ở Harvard trước đó và quay trở lại với dự án Grab.
Lúc ấy, Ling càng tin tưởng hơn rằng ý tưởng cùng thực hiện với Anthony có thể thay đổi hoàn toàn xã hội Malaysia bằng việc mang lại lợi ích cho cả hành khách đi taxi và lái xe taxi.
“Chúng tôi tin tưởng cả 2 sẽ bổ sung những điểm mạnh và bù trừ điểm yếu cho nhau”, Anthony, đồng sáng lập Grab, từng nói.
Tại Grab, Anthony đóng vai trò quan trọng, chịu trách nhiệm quan hệ với các nhà đầu tư. Còn Tan vốn là một sinh viên kỹ thuật chuyển sang làm kinh doanh, vì vậy cô đóng vai trò đứng phía sau hậu trường.
Một trong những trải nghiệm cá nhân của Tan khi đi xe taxi tại Malaysia đã ảnh hưởng rất lớn tới dịch vụ của Grab. Ứng dụng này cho phép khách hàng chia sẻ với người thân của họ bằng email thông tin tin xác họ đang ở đâu. Các hành khách có thể đánh giá lái xe và các lái xe có thái độ tồi sẽ bị loại. Cô sử dụng ứng dụng của công ty mỗi ngày để thu thập những phản hồi từ lái xe.
Từng bị gọi là điên suốt 2 năm đầu khởi nghiệp Grab
Tan Hooi Ling đã trả lời chúng tôi một số câu hỏi liên quan đến chuyện khởi nghiệp của Grab khi cô tới TP HCM.
* Chào Tan, Grab khởi nghiệp với chỉ vài nhân sự và hiện có mặt tại 140 thành phố tại 7 quốc gia Đông Nam Á. Vậy cô và người đồng sáng lập của cô đã khởi nghiệp như thế nào?
– Cột mốc quan trọng là những khách hàng đầu tiên. Chúng tôi để chuông reo mỗi lần có khách. Vì không một ai nghĩ dự án này khả thi. Chúng tôi háo hức đến mức đếm từng khách hàng một. Những thành công ban đầu đó đã tiếp thêm động lục cho chúng tôi, giống như mỗi ngày leo dần lên đỉnh núi Everest vậy.
* Từng từ chối một tập đoàn lớn để khởi nghiệp, bố mẹ cô đã phản ứng như thế nào?
– Người nhà của tôi nói là “con này bị dại rồi” ít nhất là trong 2 năm đầu. Ngay cả Jerrry Lim (Giám đốc phụ trách Grab tại Việt Nam) cũng phải đối mặt với thái độ không hài lòng của người nhà khi tham gia Grab trong thời gian ban đầu. Nhưng sau 2 năm, bạn bè của ba mẹ tôi từ Malaysia và các quốc gia khác đã sử dụng dịch vụ của chúng tôi và họ bắt đầu ủng hộ.
Tuy nhiên họ cũng không khen ngợi gì. Khi không phản đối thì có nghĩa là ủng hộ rồi. Tôi hiểu cha mẹ phản đối là muốn tốt cho con mình. Vì tại thời điểm đó không ai nghĩ là mang lại lợi ích như thế nào. Cũng nhờ tiếp sức của cha mẹ nên mới duy trì đam mê, khát khao đến vậy.
Đến bây giờ mọi thứ thay đổi rất nhiều. Giờ nhiều người nói là có con giỏi lắm, muốn nộp đơn vào Grab của chúng tôi.
* Khởi nghiệp trong ngành Tech khó như thế nào với phụ nữ? Có sự khác biệt nào giữa nam giới và phụ nữ hay không?
– Ở Grab không có sự khác biệt nào cả. Tôi và Anthony chú trọng rất nhiều về giới tính, kỹ năng. Nói chung, chúng tôi chú trọng về sự đa dạng, miễn là chia sẻ khát khao và tầm nhìn: Làm cho khu vực Đông Nam Á tốt đẹp hơn. Hiện giờ chúng tôi rất may mắn vì công ty lớn mạnh có văn hóa riêng. Công ty bảo đảm cho sự công bằng, dù các bạn là nam hay nữ. Anh Anthony cũng có con gái nên anh hiểu rất rõ về điều này.
Grab được định giá hơn 6 tỷ USD
Năm ngoái, Grab nhận được khoản đầu tư 2,5 tỷ USD. Với thương vụ này, mức định giá của Grab có thể đạt hơn 6 tỷ USD, theo Reuters.
Khoản đầu tư mới này có thể tạo nên sức ép lớn cho Uber (Mỹ) tại châu Á, vốn là thị trường khá khó khăn cho Uber.
Theo thông tin từ phía Grab đưa ra, tính đến thời điểm hiện tại, Grab là ứng dụng đặt xe dẫn đầu thị trường Đông Nam Á với 95% thị phần dịch vụ đặt xe taxi và 71% thị phần dịch vụ đặt xe cá nhân.
Thương vụ này diễn ra giữa lúc Grab đang nỗ lực phát triển thành một công ty công nghệ tiêu dùng, cung cấp các giải pháp thanh toán di động thông qua GrabPay, Reuters cho biết.
Ông Anthony Tan, CEO kiêm Đồng sáng lập của Grab, cho biết Grab, Didi Chuxing và SoftBank khá lạc quan về thị trường ứng dụng đặt xe công nghệ và thị trường thanh toán của Đông Nam Á.
“Với sự hỗ trợ từ Didi Chuxing và SoftBank, Grab sẽ đạt được vị trí dẫn đầu vững chắc trong lĩnh vực đi chung xe, và dựa vào đó để đưa GrabPay trở thành lựa chọn giải pháp thanh toán của Đông Nam Á. Chúng tôi mong đợi được tiếp tục hợp tác với những đối tác quan trọng này trong tương lai”, ông Anthony nói.
Các nhà đầu tư trước đây của Grab bao gồm quỹ đầu tư China Investment Corp, quỹ Coatue Management LLC, quỹ đầu tư mạo hiểm CGV Capital và công ty con của Temasek Holdings là Vertex Ventures Holdings.
Thế Trần – TTVN