Sáng tạo, gọi vốn hàng triệu USD, mở rộng quy mô nhanh chóng,… nhưng cuối cùng nhiều startup đóng cửa người phá sản. Điểm chung thất bại của các startup Việt trong thời gian qua là gì?

Vào một buổi sáng mùa hè cách đây 4 năm, điện thoại của anh Pranjal Choudhury – một khách hàng thân thiết của công ty cung cấp thực phẩm Tiny Owl, Ấn Độ, rung lên thông báo một tin nhắn quan trọng: Tiny Owl sẽ đóng cửa tất cả các chuỗi nhà hàng của mình trên khắp Ấn Độ, ngoại trừ Mumbai.

Kết thúc đầy bất ngờ cho một startup dịch vụ thực phẩm nổi tiếng, từng được rót vốn tới gần 30 triệu USD, và kì vọng sẽ trở thành kì lân của Ấn Độ. Liên tục trong suốt 3 năm thành lập, startup này đã nhận được khoản đầu tư khổng lồ tổng cộng gần 120 triệu USD.

Tuy nhiên, chính những sai lầm trong quản trị dòng tiền, mô hình hoạt động đã khiến Tiny Owl một đi không trở lại vì… thiếu vốn. Lại thêm một giấc mơ dang dở.

Đây là một trong số rất nhiều trường hợp startup thất bại vì mô hình kinh doanh không hiệu quả và chạy theo cuộc đua “đốt tiền”, với những mục tiêu tăng trưởng nóng và cuối cùng không thể tiếp tục cuộc chơi khi đã cạn tiền.

Câu chuyện của Tiny Owl diễn ra từ năm 2016, khiến chúng ta liên tưởng đến ba câu chuyện điển hình gây bão trong cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam vừa qua, về sự thất bại chóng vánh đến khó tin của mình.

Ba startup Việt Nam lần lượt là WeFit – ứng dụng luyện tập thể hình “không giới hạn”, trang thương mại điện tử bán sản phẩm hàng hiệu giảm giá quanh năm Leflair và chuỗi đồ uống – thực phẩm The KAfe của Đào Chi Anh.

Hụt hơi trong cuộc đua… “đốt tiền”?

Tiến vào thị trường Việt Nam từ năm 2015, được sáng lập từ “người cũ” của Lazada Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, Leflair là trang thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam chuyên phân phối sản phẩm hàng hiệu, hướng tới đối tượng khách hàng là tầng lớp trung lưu.

Tham vọng trở thành kênh phân phối hàng hiệu trực tuyến số 1 Việt Nam, Leflair đi theo mô hình bán hàng đặc trưng là hình thức flash-sale, giảm giá tới 70% giá trị sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định.

Đây là hình thức bán hàng giảm giá tương tự mua hàng theo nhóm. Tuy nhiên, nếu như các chương trình giảm giá khi mua hàng theo nhóm sẽ kết thúc khi hết hàng, thì mô hình flash-sale sẽ kéo dài đến hết thời gian quy định, bất kể lượng hàng trong kho còn hay không.

Ngoài ra, để hấp dẫn khách hàng, các sản phẩm của Leflair đều là hàng có thương hiệu, khá hiếm và nhập số lượng đủ, nhằm tạo độ hút hàng nhất định.

Trên thực tế đây là một cuộc đua “đốt tiền” của Leflair để hút khách hàng, trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Sendo,… đều chạy các chương trình giảm giá quanh năm, và có lợi thế cả về quy mô lẫn nguồn vốn.

Không những thế, Leflair còn chịu chơi khi là trang thương mại điện tử duy nhất ở Việt Nam theo đuổi hình thức giữ hàng qua kho. Theo đó, để đảm bảo chất lượng hàng hóa từ nhà cung cấp, Leflair áp dụng mô hình trữ hàng đầu tư hai kho tại Singapore và Hongkong, với hệ thống kiểm tra quản lí chặt chẽ.

Bản chất của mô hình này vẫn là từ doanh nghiệp đến khách hàng, điều mà không một trang thương mại điện tử nào ở Việt Nam còn áp dụng. Hiện nay có hơn 60% lượng hàng hoá trên các sàn đều đến từ các cửa hàng độc lập, phần còn lại rất ít là do các sàn tự kinh doanh.

Nếu đi theo mô hình của Leflair, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều tiền và thời gian để đạt được lượng mặt hàng phong phú cùng hệ thống kho bãi, giao nhận hoàn chỉnh.

“Mô hình này mang đến rủi ro trong việc làm gia tăng chi phí cố định, và giảm khả năng phát triển quy mô của doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến doanh thu”, ông Đặng Đăng Trường, Trưởng đại diện iPrice Insights tại Việt Nam, nhận định.

Được biết, trong 4 năm tồn tại, Leflair đã thu hút được rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm như GS Shop và Belt Road Capital Management với tổng số tiền lên tới 12 triệu USD. Dòng vốn quý giá đáng lẽ được dùng để nhập hàng và tăng quy mô thì lại bị các doanh nghiệp dùng để đầu tư hệ thống kho bãi, giao nhận.

Shark Dzung Nguyễn – Giám đốc quỹ CyberAgent Việt Nam & Thái Lan, cho rằng hầu hết các startup “chết” đều vì hết tiền.

“Hết tiền, rồi lại huy động vốn. Các startup quản lí dòng tiền kém do tiêu vô tội vạ. Nếu nhà đầu tư tham gia quá sâu thì startup nghĩ rằng họ bị kiểm soát. Nhưng nếu nhà đầu tư không kiểm tra thì dòng tiền âm vì những thứ vô bổ”, ông Dũng chia sẻ.

Chính những sai lầm trong quản trị dòng tiền và mô hình hoạt động đã buộc Leflair phải dừng cuộc chơi. Công ty hứa sẽ thanh toán công nợ cho đối tác vào cuối tháng 3/2020, và tuyên bố phá sản, nhưng đến nay tiền nợ vẫn chưa thanh toán.

Sai lầm ngay từ mô hình hoạt động

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Và tài chính chỉ là một phần tạo nên thành công. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT từng khẳng định: “Với khởi nghiệp, vấn đề không phải là tiền”. Sự ra đi của WeFit – nền tảng từng được hi vọng sẽ trở thành “kì lân” công nghệ của Việt Nam thì quả thật là thế.

Ra đời giữa năm 2016 với Founder Khôi Nguyễn – người từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017 và danh sách “30 under 30 Việt Nam” do Forbes bình chọn, WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng.

WeFit cho phép người dùng có thể đi tập tại bất cứ phòng tập nào và tập không giới hạn trong hệ thống, với hơn 20 bộ môn như: Gym, Yoga, Boxing, Zumba,… bằng việc chỉ cần thanh toán một lần duy nhất cho tất cả các phòng tập trong hệ thống.

Theo đuổi mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc khách hàng được sử dụng thoải mái, không giới hạn lượt tập trong gói đã mua. Trong khi đó, WeFit sẽ trả tiền theo lượt tập cho các đối tác phòng tập.

Điều đó có nghĩa là người dùng càng đi tập nhiệt tình thì WeFit càng lời ít, thậm chí phải bù lỗ, để thanh toán tiền cho phòng tập. Theo cấp số nhân, khách hàng đi tập càng nhiều, chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra càng lớn, bởi giá tiền các gói luyện tập đã mua không thể thay đổi theo số lượt tập.

Chẳng hạn, với một gói khoảng 79 USD/tháng, WeFit trả cho phòng tập 30 USD/tháng nếu người dùng đi tập 1 lần/tuần. Nếu họ tập 3 lần/tuần thì doanh nghiệp sẽ phải bù lỗ để thanh toán 90 USD/tháng,…

CEO đã phải ngậm ngùi thừa nhận sai lầm trong mô hình hoạt động: “Thực tế đã có rất nhiều tháng mà chi phí chúng tôi trả cho phòng tập đối tác lớn hơn cả doanh thu.

Bên cạnh đó còn nhiều khoản chi phí đến từ việc chúng tôi không kiểm soát được những lỗ hổng của mô hình tập luyện không giới hạn, như: booking ảo, nhiều người dùng chung một tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng – đỉnh điểm là 202 lần/tháng…”

Sai lầm ngay từ mô hình hoạt động ban đầu nên WeFit càng làm càng lỗ, mặc dù đã huy động được hơn 1 triệu USD vốn từ các nhà đầu tư. Đến ngày 11/5 vừa qua, tức chỉ sau 3 năm được thành lập, startup này phải cay đắng thừa nhận: “Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn”.

Startup chết vì có… quá nhiều tiền!

Một câu chuyện không mới nhưng vẫn luôn được coi là bài học phải trả giá đắt trong làng khởi nghiệp ở Việt Nam, đó là The KAfe của “nữ hoàng gọi vốn” Đào Chi Anh.

Đi đầu trong giới startup, chỉ sau 3 năm hoạt động The KAfe đã huy động được hơn 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, một năm sau khi nhận vốn, Founder Đào Chi Anh buộc phải rời bỏ ghế CEO tại chuỗi nhà hàng mà cô mất công gầy dựng.

Và cũng chỉ nửa năm sau đó, The KAfe đóng cửa hàng loạt, trở thành một trường hợp điển hình về sự thất bại của startup, khi các nhà sáng lập không chung tiếng nói với các nhà đầu tư.

Được rót rất nhiều vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài, đồng nghĩa với việc The KAfe phải chịu rất nhiều áp lực để tăng trưởng nóng. Trong suốt một khoảng thời gian, chuỗi này chỉ chăm chăm hoàn thành chỉ tiêu của các nhà đầu tư mà quên mất việc tập trung cải tiến sản phẩm cốt lõi.

Họ cố gắng mở rộng nhiều chi nhánh, phát triển hàng loạt các thương hiệu như The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box.

Vậy nhưng, người tiêu dùng vẫn quay lưng với The KAfe bởi dấu ấn nhạt nhoà, dễ sao chép.

Nhớ về giai đoạn đó, cựu CEO The KAfe Đào Chi Anh từng ngậm ngùi tiếc nuối: “Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình”.

Sau cái chết của The KAfe, những sai lầm đã được đem ra mổ xẻ. Trong đó, người ta nhận thấy rằng khó khăn của chuỗi này không đến từ tiền bạc hay mô hình hoạt động, mà đến từ chính những áp lực của nhà đầu tư và kinh nghiệm non nớt của Founder.

Sẽ chẳng có bữa trưa nào miễn phí nếu người sáng lập chỉ mong muốn thu hút được càng nhiều vốn đầu tư càng tốt, cố gắng hoàn thiện các chỉ tiêu về số lượng, doanh số mà vô tình đánh mất đi sản phẩm cốt lõi hay ý tưởng ban đầu của mình.

Đồng quan điểm, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan Shark Dzung Nguyễn, cũng cho rằng khi đã kết hợp với nhau, cả nhà đầu tư và doanh nghiệp đều phải nhìn một hướng, cả hai cùng chung một ước mơ.

“Không phải startup đi xây dựng ước mơ cho nhà đầu tư hay nhà đầu tư xây dựng ước mơ cho startup”, ông Dzung Nguyễn khẳng định. “Founder là những ngôi sao còn quỹ đầu tư chỉ là hỗ trợ”.

“Cốt lõi là doanh nghiệp thành công chứ không phải đầu tư. Việc đầu tư giống như hôn nhân, hôn nhân không phải là mục đích, mà là điểm đầu hành trình đi tìm hạnh phúc. Sau khi startup nhận đầu tư, cả hai bên phải cùng thành công thì mới là điểm đích”, Shark Dzung Nguyễn chia sẻ.

“Tiền không giúp các startup thành công”

Leflair thất bại vì không còn đủ tiền để chạy đua khuyến mãi với các ông lớn, WeFit chết yểu vì lỗi hệ thống đến cạn kiệt nguồn vốn, The Kafe lụi bại bởi chạy theo nguồn tiền của nhà đầu tư mà đánh mất giá trị cốt lõi.

Từ ba câu chuyện thất bại điển hình của các startup trên đây có thể thấy: Tất cả đều xuất phát từ dòng vốn, hay đúng hơn là tiền đầu tư. Thật khó để khởi nghiệp từ con số 0 và tất cả đều cần có tiền để khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo CEO Sendo Nguyễn Hải Linh, thì: “Tiền không giúp các startup thành công”.

Theo ông Linh, doanh nghiệp khởi nghiệp phải tạo ra được sản phẩm có giá trị thực: “Với một sản phẩm tốt, hữu ích và có giá trị thực thì sẽ đem tiền về rất nhanh. Tuy nhiên, sản phẩm không có giá trị thực tế thì nếu chúng ta càng đốt tiền càng lỗ nặng, sản phẩm không tốt thì càng liều càng chết”.

Lấy dẫn chứng hai gã khổng lồ là Microsolf và Facebook, ông Linh khẳng định từ khi mới ra đời vẫn sẽ có người sử dụng, dù họ có tiền hay không, bởi đây là “những sản phẩm công nghệ tốt và hữu ích”.

Để giải quyết nguồn tiền trong các startup, các Founder thường huy động từ hai kênh, là kêu gọi vốn và tự tích lũy bằng cách đi làm thuê. Trong đó, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khuyến khích các bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp hãy “lao động cật lực, bởi có ý tưởng chỉ mới là điểm khởi đầu”.

“Bạn phải chứng minh được sản phẩm thô ban đầu của bạn được người dùng chấp nhận. Nếu bạn có 1 USD, tôi sẽ bỏ thêm 1 USD. Tôi không cần tiền, tôi cần các bạn có ý tưởng hoặc sản phẩm có giá trị đặc biệt, nhưng người hỗ trợ cũng phải có đam mê chứ không chỉ có việc bỏ tiền ra là đủ”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, Giám đốc chiến lược Tập đoàn VNPT nhận định: “99,99% các bạn ra trường làm CEO ngay thì thất bại hết. 0,01% còn lại là Đôla…và họ đang nướng tài chính, nướng mục tiêu của mình”.

Và một khi lực đã đủ, tiền đã có và ý tưởng đã chín, hãy bắt tay vào khởi nghiệp bước đi với một đôi chân trên mặt đất. Phải thật tỉnh táo và khôn ngoan, đừng viển vông bởi chỉ cần một cú sảy chân cũng khiến cả cơ đồ của bạn phải tiêu tan trong phút chốc.

Cả Leflair, WeFit đều đã nung nấu ý định tái cơ cấu để sửa sai, thậm chí là cả The KAfe. Tuy nhiên, mọi thứ đã là quá muộn, và thương trường khốc liệt không cho phép chúng ta mắc sai lầm, dù chỉ là một lỗi nhỏ.

Thiên Trường

Nguồn