Từ giám đốc công nghệ đến start-up… bán cơm
Dành sự quan tâm đặc biệt đến thói quen ăn uống còn nhiều hạn chế của người Việt, anh Kim Thái – CEO Fitfood đặt trọn tâm huyết phát triển mô hình Healthy Food, từng bước hiện thực hóa mong muốn mang đến sức khoẻ và sự tiện lợi cho người dùng hiện đại.
Bán cơm sau 5 năm làm… CEO
Học ngành thương mại tại Úc, từng làm ở quỹ đầu tư tài chính và là giám đốc điều hành một công ty công nghệ suốt 5 năm, anh Kim Thái rẽ hướng sang… bán cơm.
Từ suy nghĩ “trưa nay ăn gì”, vấn nạn thực phẩm bẩn cho đến sự phát triển của các mô hình gym center, CEO trẻ Kim Thái không ngừng đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn: Sự lựa chọn nào vừa giải quyết tức thời những vấn đề đặc biệt này nhưng cũng vừa mang đến những giá trị sức khoẻ lâu dài? Trong quá trình tìm kiếm, Kim Thái không ngừng quan sát thị trường và tìm cách giải quyết những khó khăn của bản thân trong việc tìm kiếm phần ăn dinh dưỡng.
Theo CEO Kim Thái, các bạn trẻ không nên khởi nghiệp khi còn quá trẻ và trước khi khởi nghiệp nên tích lũy một ít vốn kinh nghiệm và có kế hoạch kinh doanh rõ ràng. Thực tế có thể chỉ giống 30-50% kế hoạch song khi các bạn trẻ có chiến lược và hình dung trước viễn cảnh, tình huống có thể xảy ra thì sẽ dễ dàng xoay xở bất cứ lúc nào.
Ý tưởng thành lập mô hình kinh doanh cung cấp các phần ăn lành mạnh dần trở nên rõ nét hơn. Tuy nhiên, càng tiến sâu hơn vào quá trình nghiên cứu hành vi tiêu dùng, CEO trẻ này càng nhận thấy được những vấn đề tiềm ẩn trong thói quen ăn uống của người Việt: Không có chế độ khoa học, dùng nhiều gia vị hay thậm chí là quan niệm nhịn ăn để tăng hiệu quả giảm cân. Từ đó, Fitfood không dừng lại ở một mô hình kinh doanh cung cấp các phần ăn lành mạnh, mà còn có “tham vọng” thay đổi những thói quen bất lợi đã ăn sâu vào tiềm thức người dùng.
Bắt đầu sự nghiệp “bán cơm” từ một căn bếp vỏn vẹn 25 m2 trong chung cư cũ ở quận 3, cựu du học sinh và 3 người bạn gần như “tự thân vận động”: Thức dậy từ 4 giờ sáng, đi chợ, chế biến và giao hàng. Từ cựu du học sinh Úc, CEO công ty công nghệ hàng ngày ngồi phòng máy lạnh bỗng trở thành một ông chủ nhỏ kiêm… đầu bếp và cả shipper trong căn bếp nóng hầm hập, anh Kim Thái không tránh khỏi sự phản đối từ gia đình, bạn bè kể cả các đồng nghiệp cũ.
“Nhân viên có thể chùn bước, nhưng “đầu tàu” không được phép bỏ cuộc”.
Kim Thái – CEO Fitfood
“Khách hàng đầu tiên của mình là những người bạn. Trong tháng đầu tiên, mỗi tuần, mình chưa giao được 50 suất vì nhân lực quá ít, không thể thực hiện hết được tất cả mọi khâu hay nấu ra nhiều phần ăn hơn nữa. Sau đó vài tháng, số phần cơm tăng dần, có tháng lên đến 100 suất/tuần nhưng cũng đồng nghĩa với việc mình phải làm việc cật lực gấp nhiều lần. Mình bắt đầu có dấu hiệu bị trầm cảm (stress) và luôn trách bản thân: Đã từng điều hành một start-up hơn 30 nhân viên, sao mình vẫn “quằn” với một cái bếp ăn đến như vậy?” – CEO Kim Thái chia sẻ về khoảng thời gian startup khó khăn.
Bếp ăn cung cấp 2.000 suất ăn mỗi ngày của anh Kim Thái.
Hơn 2.000 suất ăn mỗi ngày sau 7 năm “lì đòn”
Sau 7 năm kiên trì, khu bếp của CEO Kim Thái – và cũng là cơ sở của công ty Fitfood Việt Nam hiện nay đã có diện tích hơn 400 m2 với khoảng 50 nhân sự. Từ vài chục suất ăn một tuần, đến nay, bếp ăn của anh Kim Thái đã cung cấp trung bình hơn 2.000 suất ăn mỗi ngày. Song, hành trình từ một startup “không hoàn thiện những ngày đầu” đến con số gần 2.000 suất ăn/ngày và 30.000 phần ăn/tháng hoàn toàn không dễ dàng.
Khó khăn lớn nhất của Fitfood trong những ngày đầu tiên chính là quá trình vận hành. Doanh số phát triển nhanh hơn khả năng sản xuất của bếp là một trở ngại lớn. Kim Thái nhớ lại: “Thời gian đầu, Fitfood gặp rất nhiều vấn đề khó khăn từ điều phối bếp, quản lý hàng tồn, chăm sóc khách hàng và đặc biệt là lập kế hoạch giao nhận đến điều phối shipper. Team (nhóm) đã vượt qua bằng việc ghi nhận góp ý từ khách hàng và đối tác, cố gắng cải thiện hệ thống điều phối và điều chỉnh một cách chi li nhất có thể. Để có Fitfood ngày hôm nay là 7 năm “lì đòn”, và cả một quá trình thay đổi từng chút một”.
Anh Kim Thái – Nhà sáng lập bếp ăn Fitfood
Bên cạnh những phần ăn “cân đo đong đếm” kỹ lưỡng về lượng calories và thành phần dinh dưỡng, Fitfood Việt Nam còn được nhiều người trẻ lựa chọn bởi sự tiện lợi: Hình thức đóng gói có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Thực đơn (menu) đa dạng, đáp ứng hầu hết nhu cầu ăn uống của nhiều đối tượng khách hàng.
Đối mặt với những định kiến về thức ăn chế biến nguội lạnh, anh Kim Thái đã phát triển mô hình chế biến thức ăn eat clean – vốn là những thực phẩm tươi sạch dưới hình thức đóng gói và ứng dụng công nghệ hiện đại. Bằng việc áp dụng công nghệ cấp đông (blast chiller), giúp hạ nhiệt độ nhanh từ 130 độ xuống còn 10 độ trong 30 phút, công nghệ này giúp hạn chế tối đa sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời giữ lại chất dinh dưỡng, độ tươi ngon của thực phẩm. Công nghệ này phù hợp cho việc giao nhận thực phẩm trong điều kiện nóng ẩm của Việt Nam mà vẫn đảm bảo được chất lượng thực phẩm.
Từ chối đơn hàng để bảo vệ khách hàng
Với ông chủ “bán cơm” trẻ tuổi Kim Thái, “kinh doanh có tâm” không dừng lại ở quy trình sản xuất, mà còn thể hiện trong việc tư vấn khách hàng. Theo đó, Fitfood không vì mục đích lợi nhuận mà tư vấn gói ăn cho tất cả khách hàng. Thậm chí, với một số trường hợp, anh Thái không ngần ngại từ chối đơn hàng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng.
“Đối với các khách hàng đang mang thai hay đang cho con bú, nhân viên tư vấn đều phải từ chối khéo và không nhận các đơn này, không vì mục đích lợi nhuận mà tư vấn gói ăn cho khách. Đối với người có bệnh lý nền, tiểu đường, tim mạch huyết áp, Fitfood đều khuyên khách tư vấn trực tiếp từ bác sĩ và từ chối đơn hàng. Tuy nhiên, có rất nhiều bác sĩ sử dụng sản phẩm của Fitfood rồi giới thiệu cho bệnh nhân. Fitfood sẽ ghi nhận đơn hàng từ khách, tất nhiên là kèm theo các lời khuyên và ghi chú đặc biệt để khách bổ sung thêm dưỡng chất và tham khảo thêm tư vấn của bác sĩ” – anh Kim Thái cho hay.
THEO THẢO NGÂN
(Báo Tiền Phong)