Nóng với xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực AI tại Việt Nam
Tại Việt Nam, ngành kinh doanh vẫn đi đầu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các doanh nghiệp về công nghệ, công ty thương mại điện tử đang sử dụng chúng để chăm sóc khách hàng và sẽ đẩy mạnh AI trong năm 2019. Bên cạnh đó, ngành tài chính – ngân hàng đang sốt sắng ứng dụng AI bởi chính sách chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ. Cùng với đó công nghệ nhận dạng giọng nói, trí tuệ nhân tạo (A.I), blockchain, dữ liệu lớn (Big data)… trở thành những xu hướng khởi nghiệp trong 2020.
Theo nghiên cứu của công ty Tractica (Mỹ), quy mô doanh thu từ các ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo (A.I) đến năm 2025 sẽ đạt 59,7 tỷ USD. Các thương vụ mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực AI cũng ngày càng tăng.
A.I (Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo) được coi là nên tảng trong cuộc cách mạng 4.0. Hiện, A.I được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực của đời sống như: giáo dục, y tế, sản xuất… Và Việt Nam, đang được nhiều chuyên gia đánh giá là nơi đóng góp cho thế giới những nhà khoa học khởi nghiệp xuất sắc trong lĩnh vực này.
Tại sự kiện AI4VN Summit 2019 diễn ra hồi tháng 8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra rằng, nhiều người Việt Nam đã và đang tham gia vào quá trình phát triển CNTT, trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Cộng đồng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam có nhiều hoạt động sôi nổi trong những năm gần đây. “Suy cho cùng trí tuệ nhân tạo nhằm giải quyết hiệu quả nhất những “bài toán” rất cụ thể, thiết thực trong cuộc sống. Nhiều việc cụ thể sẽ góp lại thành một vấn đề lớn” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Hiện tại, ngành A.I Việt Nam đã có nhiều gương mặt nghiên cứu và hỗ trợ khởi nghiệp được cả thế giới biết đến như: Tiến sĩ Hà Anh Vũ – Giám đốc kĩ thuật của Viện nghiên cứu và xây dựng ứng dụng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI2- Allen Institute for Artificial Intelligence, Mỹ), được thành lập bởi Paul Allen – đồng sáng lập Microsoft; Tiến sĩ Lê Sĩ Quang – Kỹ sư phầm mềm, chuyên gia về Máy học (machine learning) tại Google (Anh)…
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Giám đốc sáng lập Trung tâm tài năng A.I (COTAI) người đã và đang đứng lớp trưc tiếp giảng dạy môn A.I cho các học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM cho biết: “Nhận thức của các em học sinh về bộ môn A.I không còn xa lạ. Mà nó một bộ môn đầy thú vị, mang lại nhiều thông tin, ứng dụng bổ ích. Theo chẳng còn xa nữa, chỉ vài năm nữa thôi, Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều nhiều kỹ sư giỏi về ngành A.I, từ đấy phong trào startup về ngành này dự kiến sẽ còn tăng thêm”.
Theo Viện nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Kindsley, năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại, tức là khoảng 800 triệu người sẽ mất việc làm. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới thì khoảng 60% người lao động sẽ làm những việc chưa từng học qua, trong đó phần lớn liên quan đến công nghệ.
Ông Tú Nguyễn, Giám đốc điều hành VietA.I Community
Bên cạnh đó theo đánh giá của Google Brain cũng chỉ ra, nhu cầu nhân lực phục vụ trí tuệ nhân tạo là một triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng được. Tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu 70.000 đến 90.000 nhân sự công nghệ cao trong năm 2020 trên tổng nhu cầu 350.000 nhân lực toàn thị trường.
Ông Tú Nguyễn, Giám đốc điều hành VietA.I Community, người có 10 năm làm việc trong mảng công nghệ mới nổi, chuyên gia mảng trí tuệ nhân tạo (A.I) chia sẻ, theo ông được biết, cách đây 5 năm tại phòng thanh toán quốc tế của ngân hàng HSBC, có 25 nhân sự làm việc, nhưng đến nay, khối lượng công việc thì tăng gấp 5 lần nhưng số nhân sự chỉ còn có 3 người. Tất cả điều áp dụng máy móc, phần mềm tính toán. Cũng theo ông được biết, công ty Gốm sứ Minh Long II, tại Bình Dương, hiện tại, 70% quy trình sản xuất đã được áp dụng bằng robot. “Đó là những minh chứng thiết thực về việc A.I đã len lõi vào tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam, đặt ra nhu cầu cấp thiết thực về việc cần phải phát triển nhân lực ngành A.I”.
Mới đây nhất, Trường đại học Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã bắt đầu tuyển sinh một số ngành học mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang – phó hiệu trưởng trường đại học Công nghệ thông tin, “Hiện nay, cùng với xu thế dịch chuyển sang nền kinh tế số, thị trường nhân lực Nhật Bản nói riêng và thế giới đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế lập trình hệ thống nhúng và IoT. Chương trình đào tạo hệ thống nhúng thông minh và IoT được thiết kế để đáp ứng nhu cầu trên. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được định hướng để làm việc tại Nhật Bản, thế giới hoặc các công ty nghiên cứu phát triển tại Việt Nam”.
Trước đó, PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết các trường, viện có đào tạo công nghệ thông tin của Việt Nam sớm nắm bắt được xu hướng này nên đã chuẩn bị cho đào tạo nhân lực phục vụ ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
“Năm nay, lần đầu tiên, Trường đại học Bách khoa Hà Nội mở mã ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (ở trình độ đại học). Vì hướng tới đào tạo tinh hoa nên trường thiết kế chương trình chất lượng cao và lập tức mã ngành này đã trở thành một trong những mã ngành hot nhất của trường. Chỉ tiêu chỉ 40 em, nhưng đã có tới 900 hồ sơ. Dự kiến điểm chuẩn của mã ngành này có thể lên đến 27 – 28 điểm”, PGS Tạ Hải Tùng chia sẻ.
PV