Tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp còn “quá mới” tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ
Đây là khó khăn chung của các Sở Khoa học và Công nghệ trong việc tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xây dựng các chương trình hỗ trợ cho hoạt động này.
Nhiều trăn trở về vấn đề tạo lập, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (sau đây gọi tắt là hệ sinh thái) đã được chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vùng Đông Nam Bộ” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức vào chiều 25/10.
Cán bộ quản lý chưa có kiến thức nền tảng về đổi mới sáng tạo
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương, cho biết tỉnh hiện chưa có hệ sinh thái. Vấn đề tào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh chú trọng và xem đây là nền tảng cần phải có trước tiên trong việc tạo dựng hệ sinh thái.
Hiện tại, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương đã cử một số cán bộ tham gia các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP.HCM và Đà Nẵng.
“Tuy nhiên vấn đề tạo lập hệ sinh thái là vấn đề rất khó khăn vì chưa có hành lang pháp lý cụ thể cũng như sự phối hợp giữa các ban ngành trong việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Cán bộ, công chức làm việc hiện nay đa phần đều chưa có kiến thức nền tảng về vấn đề này nên họ xem đây là vấn đề rất mới, do đó rất khó khăn trong việc thực thi” – ông Cường cho biết.
Người đứng đầu Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương chia sẻ, chính sách về hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cần có sự đồng thuận của các ban ngành như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư… để cùng nhau thực hiện.
“Chúng tôi hiểu rằng, doanh nghiệp chính là đối tượng dẫn dẫn hệ sinh thái. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề về chính sách và phối hợp thực hiện của cơ quan nhà nước là một yếu tố khiến doanh nghiệp khó tham gia vào hệ sinh thái”– ông Cường cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng tỉnh hiện nay đã tổ chức các cuộc thi, hội thảo, diễn đàn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên đối tượng doanh nghiệp chưa quan tâm và tham gia tích cực vào các hoạt động này.
“Chúng tôi muốn xin thêm biên chế có chuyên môn trình độ về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhưng rất khó. Cán bộ hiện thời thì cho đây là vấn đề còn mới nên rất e ngại. Mặt khác, trong tỉnh cũng chưa có đội ngũ tư vấn, chuyên gia về lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Việc tạo lập và xây dựng hệ sinh thái còn gặp nhiều khó khăn” – ông Quang nói.
Xây dựng hệ sinh thái, cần thu hút cộng đồng xã hội tham gia
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM, đã gợi mở cách thức thực hiện việc tạo lập và xây dựng hệ sinh thái tại các địa phương.
Theo ông Thi, việc tạo lập và xây dựng hệ sinh thái tùy thuộc vào năng lực và khả năng của mỗi địa phương nhưng cần chú trọng yếu tố cốt lõi là con người. Ông Thi đề xuất nguyên tắc phát triển hệ sinh thái phải do những doanh nhân dẫn dắt.
Các địa phương phải tạo các cơ chế để thu hút các doanh nhân lớn tham gia vào hệ sinh thái và có những cam kết dài hạn.
Các đơn vị nhà nước cần mở ra các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái. Saigon Innovation Hub được xem là một đơn vị của nhà nước hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.HCM. Những người làm công tác hỗ trợ cần phải có tư duy của doanh nhân để tạo ra sự thu hút tất cả các nguồn lực của xã hội tham gia chung tay xây dựng hệ sinh thái.
“Phát triển hệ sinh thái tức là thực hiện việc tạo ra môi trường để cộng đồng ngồi lại, trao đổi, thảo luận giải quyết các vấn đề. Quan trọng là mỗi người cần phải có đam mê, động lực thật sự để cùng nhau thực hiện”- ông Thi cho hay.
Để hỗ trợ tạo lập và xây dựng hệ sinh thái cho các địa phương, Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức các lớp đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho gần 100 cán bộ, công chức đơn vị nhà nước của các tỉnh, thành. Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo nhân lực về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để hỗ trợ các địa phương.
Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của TP.HCM trong việc kiến tạo và xây dựng hệ sinh thái cho các địa phương.
“Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao các quy trình, mô hình mẫu… trong việc tạo lập và xây dựng hệ sinh thái cũng như các vấn đề khác mà các địa phương cần hỗ trợ” – ông Tước cho biết thêm.