Stringee – Chiến lược nhanh chân đánh chiếm từng thị trường
Theo đuổi mô hình kinh doanh không mới, nhưng với sản phẩm không hề thua kém các đối thủ, cộng với chiến lược khôn ngoan, Đậu Ngọc Huy tự tin sẽ nâng giá trị của Stringee lên hàng trăm triệu USD sau 5 – 6 năm.
Tiến quân thị trường Mỹ, Nhật Bản
Stringee, start-up trong lĩnh vực lập trình giao tiếp (communication APIs) vừa gọi vốn gần 2 triệu USD cho vòng đầu tư Pre Series A từ một quỹ đầu tư lớn trong nước và một số nhà đầu tư thiên thần.
Đậu Ngọc Huy, sáng lập, Giám đốc điều hành Stringee kỳ vọng, việc gọi vốn lần này là đòn bẩy để Stringee chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Việt Nam trong mảng communications platform (nền tảng giao tiếp cho doanh nghiệp), đồng thời có những bước đi đầu tiên ra nước ngoài trong 1 – 2 tháng tới.
Đây là vòng gọi vốn quan trọng với Huy và các cộng sự để chứng minh tính thị trường của sản phẩm và tạo cầu nối để đạt được mục tiêu cao hơn là dẫn đầu châu Á và chinh phục thị trường CPaaS (communications platform as a service) toàn cầu đang tăng trưởng 25 – 38%/năm, ước giá trị khoảng 30 tỷ USD vào năm 2022.
Mục tiêu trong 12 tháng tới, Stringe phải chứng minh được sản phẩm có khả năng bán ở nước ngoài, nhất là Mỹ và Nhật Bản. Huy khá tự tin, bởi sản phẩm Stringee đã đạt được độ trưởng thành nhất định, không hề thua kém các công ty cùng lĩnh vực tại các thị trường này.
Ra đời giữa năm 2017, Stringee hiện là nền tảng lập trình giao tiếp (voice call/video call/SMS/vhat APIs) lớn nhất Việt Nam với 1,5 triệu phút gọi mỗi ngày.
Đến nay, tại Việt Nam, duy nhất Stringee cung cấp đầy đủ tính năng chat, thoại, SMS, video call, có thể tích hợp vào các app/web sẵn có của doanh nghiệp mà không cần mở ra một app/web thứ 3 khác.
Ngoài ra, Stringee còn cung cấp giải pháp tổng đài chăm sóc, quản lý khách hàng StringeeX, giúp việc tiếp thị qua điện thoại (telesales), chăm sóc khách hàng hiệu quả và đơn giản hơn rất nhiều so với các giải pháp tổng đài truyền thống.
Theo Huy, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, Stringee là giải pháp hiệu quả để các doanh nghiệp giành ưu thế trong “cuộc chiến chăm sóc khách hàng” cũng như nâng cao trải nghiệm người dùng.
Kỳ vọng nâng giá trị lên hàng trăm triệu USD
Đậu Ngọc Huy là cái tên không xa lạ trong giới khởi nghiệp ứng dụng công nghệ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2010, Huy đầu quân cho Tập đoàn Viễn thông Viettel với mức lương nhiều ngàn USD/tháng.
Khi đó, Viber mới gia nhập thị trường Việt Nam 1 năm, Line và Kakao chưa xuất hiện, Zalo chưa hoàn thiện xong tính năng. Với kinh nghiệm về VoIP và nhận thấy mình có thể làm ứng dụng không thua Viber, Huy muốn xây dựng một ứng dụng của người Việt đánh bại được Viber trên sân nhà.
Cuối năm 2012, Huy quyết định rời Viettel và bắt đầu phát triển phần mềm OTT BomChat – gọi điện HD miễn phí cùng người bạn thân. Nhưng, “giấc mơ lãng mạn” đó phải dừng bước khi cuộc chiến giữa các OTT tại Việt Nam gồm Zalo, Kakao Talk, Line quá khốc liệt.
Sau cú vấp ngã, Huy và cộng sự phát triển thêm một nền tảng lập trình chuyên về chat, nhưng cũng thất bại.
Sau 6 năm im hơi, lặng tiếng, bất ngờ, Huy tái khởi nghiệp với Công ty Stringee vào năm 2017. Stringee nhắm đến các doanh nghiệp có thể trả 5.000 – 10.000 USD/năm, hoặc 1.000 USD/tháng. Đây là những công ty có ứng dụng, website riêng, cần tích hợp tính năng voice, video, SMS vào hệ thống của mình. Đối tượng khách hàng của Stringee hiện là các công ty làm về tổng đài, cung cấp platform cho người dùng và các trang thương mại điện tử, cần kết nối giữa người mua, người bán và tổng đài.
Huy thừa nhận, mô hình của Stringee không mới và phải có sự hỗ trợ của các nhà mạng để nhận diện được số điện thoại khi gọi từ app, web đến số điện thoại của khách hàng, nên phải “đánh” dần từng thị trường và trong cuộc chơi này, ai nhanh chân hơn sẽ thắng.
Stringee có một số thuận lợi mà nếu đi nhanh thì có thể chiếm được cả thị trường trong nước và ASEAN. Đó là, các đối thủ lớn ở Mỹ khó gây dựng nhanh ở nước ngoài, trong khi ở khu vực thì có rất ít đối thủ. Đây cũng là lý do để Huy đặt mục tiêu trở thành công ty lớn nhất trong lĩnh vực này tại Đông Nam Á và đạt giá trị hàng trăm triệu USD sau 5 – 6 năm.
Oanh Phạm