Startup Wheel: Thu hẹp khoảng cách từ cuộc thi tới thị trường
Sau 5 năm tổ chức, cuộc thi Startup Wheel đã thu hút được sự quan tâm của hơn 250.000 người trẻ và trên 2500 dự án đăng ký dự thi ở nhiều lĩnh vực, trong đó riêng năm 2017 có trên 800 dự án tham gia.
Những con số trên được đưa ra tại buổi tổng kết Startup Wheel 2017 trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh WHISE 2017.
Được khởi xướng bởi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) dưới sự chỉ đạo của Hội LHTN Việt Nam TPHCM, Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM và Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, Startup Wheel là cuộc thi thường niên dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhóm khởi nghiệp, thanh niên, sinh viên yêu thích khởi nghiệp trên toàn quốc.
Trải qua 5 lần tổ chức, Startup Wheel đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc về cả số lượng và chất lượng của các dự án khởi nghiệp tham gia. Đặc biệt, Startup Wheel 2017 đạt số lượng dự án tham gia kỷ lục lên đến 800 dự án ứng dụng những xu hướng công nghệ mới trên thế giới như thực tế ảo, tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, machine learning…
Nhận xét về các dự án tại Startup Wheel 2017, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc BSSC cho biết: “Các xu hướng mới trên thế giới được các bạn startup năm nay vận dụng rất tốt. Một điểm đáng chú ý nữa là thay vì chủ yếu hướng đến người dùng cuối như các năm trước, năm nay nhiều các dự án hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận, giao tiếp và chăm sóc khách hàng tốt hơn hoặc cải tiến các quy trình.”
Sự thắng lợi áp đảo của hệ thống Camera thông minh cho doanh nghiệp EYEQTech, Công nghệ bề mặt tương tác của nhóm Surful hay ROBOT3T dùng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ… là những minh chứng cho nhận định trên.
Đặt hàng trực tiếp từ doanh nghiệp
Từ kinh nghiệm qua các lần tổ chức, ban tổ chức Startup Wheel nhận thấy nhu cầu lớn nhất của các startup sau cuộc thi là cần được kết nối sâu với thị trường để đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tế. Nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực đầu tiên được lựa chọn để “matching” với sự phối hợp tổ chức của BSSC và Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao – DAA Việt Nam cùng Diễn đàn Kinh tế tư nhân.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Phó Tổng thư ký DAA Việt Nam nhận định nông nghiệp công nghệ cao là thị trường đầy tiềm năng cho các startup.
“Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam hầu hết mang tính tự phát, không có quy chuẩn. Các công nghệ được sử dụng phần nhiều là những công nghệ đã lạc hậu so với thế giới. Trong khi đó nhu cầu về các giải pháp công nghệ cao, sử dụng cảm ứng… vào sản xuất nông nghiệp lại đang rất cao mà đây là việc mà các startup có thể đáp ứng được”, ông Tùng cho hay.
Tuy nhiên, theo bà Trương Lý Hoàng Phi vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa startup công nghệ và doanh nghiệp nông nghiệp: “Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn từng ngày mong muốn có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, tìm kiếm các giải pháp mới, sáng tạo để trụ vững và bứt phá, trong khi đó startup công nghệ vẫn loay hoay với bài toán thuyết phục, thử nghiệm và bán giải pháp. Đây chính là lý do mà chúng tôi mang đến một chương trình, một phiên bản hoàn toàn mới nhằm thu hẹp khoảng cách “niềm tin” này.”
Ngay tại sự kiện, 5 doanh nghiệp nông nghiệp đã giới thiệu về doanh nghiệp mình cũng như những vấn đề đang gặp phải và từ đó ra đề bài cho các nhóm khởi nghiệp.
Công ty TNHH Nhà Nguyễn là một công ty về mảng trang trại và nhà màng. Chia sẻ với cộng đồng startup tại sự kiện, ông Nguyễn Hồng Đăng Khoa – Giám đốc công ty, cho biết hiện tại số lượng trang trại sử dụng nhà màng rất lớn và đi kèm với đó là nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ.
Cụ thể, Công ty TNHH Nhà Nguyễn đang cần giải pháp tự động vệ sinh nhà màng và sơn mái nhà màng để giảm nhiệt cũng như ngăn một số tia có hại cho cây trồng. Ngoài ra, ông Khoa cũng nêu ra đề xuất cần một sàn đấu giá nông sản để người nông dân nâng cao được giá trị sản phẩm của mình và từ đó có thêm động lực để phát triển sản xuất.
Những bài toán thực tế được đặt hàng trực tiếp từ doanh nghiệp như vậy không thuần túy chỉ là thương vụ mua bán công nghệ mà thông qua đó, các startup công nghệ có thể phát triển các giải pháp thiết thực, hiệu quả và với khả năng ứng dụng rộng rãi.
Phạm Sơn – Báo Khám phá