Startup Weefee và thiết bị wifi kết nối hơn 40 quốc gia cho khách du lịch
Với mục tiêu khai thác tiềm năng to lớn của thị trường du lịch, mà cụ thể là trong việc cung cấp thiết bị wifi cho du khách, Phan Nguyễn Văn Trường cùng Lê Thái Bảo đã khởi nghiệp với Weefee Vietnam.
Chia sẻ lý do chọn khởi nghiệp với loại hình dịch vụ này, Phan Nguyễn Văn Trường – Giám đốc của Weefee – nói như sau: “Năm 2016 có đến 6,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài và con số này đang tăng nhanh nhờ sự phát triển của hàng không giá rẻ”.
Đặc biệt, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Hàn Quốc hay Nhật đã góp phần tạo ra những điểm đến hấp dẫn du khách Việt. Trong đó, đông đảo người trẻ có lối sống hiện đại, yêu thích di chuyển và đề cao du lịch trải nghiệm. Trường nói: “Những điểm đến của du khách Việt là tiềm năng kinh doanh cho bất cứ dịch vụ du lịch nào và thiết bị wifi chỉ là một trong số đó. Với kinh nghiệm trong mảng này, chúng tôi tin mình sẽ có nhiều cơ hội”.
Năm 2017, Trường cùng Lê Thái Bảo (hiện là Giám đốc Marketing của Weefee) đã quyết định nghỉ việc ở một công ty Singapore để gọi vốn 3 tỷ đồng từ một nhà đầu tư và khởi nghiệp với Weefee. Từ tháng 7, họ chính thức cung cấp thiết bị wifi kết nối đến 48 quốc gia.
Sản phẩm của cả hai là một thiết bị phát sóng bỏ túi nhỏ gọn với giá cho thuê từ 80.000 – 200.000 đồng/ngày cho 5 người sử dụng (hoặc 5 thiết bị kết nối) tùy điểm đến. Nếu sử dụng theo nhóm 3 – 5 người, mỗi người phải trả khoảng 20.000 – 40.000 đồng/ngày, thấp hơn rất nhiều so với dịch vụ roaming, mua SIM hay thuê thiết bị trực tiếp tại nơi du lịch.
Để cạnh tranh, Weefee tạo ra những dịch vụ tiện ích hơn với độ phủ sóng tới 48 quốc gia, phục vụ cho cả người du lịch lẫn công tác. Với một số điểm đến phổ biến như Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan…, họ cung cấp dung lượng 4G không giới hạn. Nếu so với dịch vụ viễn thông truyền thống, thì Weefee cải tiến hơn ở chỗ đăng ký đơn giản, giao/nhận thiết bị tận nơi, tất cả giao dịch hoàn tất tại Việt Nam và đảm bảo khách hàng sử dụng được wifi ngay khi đến nơi mà không mất thời gian cài đặt.
Trường so sánh, ở Hồng Kông, Singapore hay Đài Loan – những điểm du lịch lớn ở châu Á, việc cung cấp thiết bị wifi ngay tại sân bay rất phổ biến. Ở Thái Lan hay Indonesia cũng bắt đầu cạnh tranh. Với 6,5 triệu lượt khách Việt ra nước ngoài, chỉ 1% sử dụng đã tạo ra doanh số vài chục triệu USD.
Thị trường inbound (khách vào Việt Nam) còn có quy mô lớn hơn nhiều.Trong năm 2017, gần 13 triệu khách đến Việt Nam và tần số dịch chuyển rất lớn. Số lượng khách inbound và outbound năm 2017 đã lên đến 20 triệu lượt, tạo ra một thị trường đầy tiềm năng.
Bảo so sánh, lâu nay người Việt ra nước ngoài thường thuê wifi hay mua SIM ở ngay sân bay, trả phí và đặt cọc bằng thẻ tín dụng. “Điều đó thôi thúc chúng tôi, mình có kinh nghiệm, hiểu biết các dịch vụ liên quan và thị trường cũng như cách vận hành và phát triển sản phẩm, tại sao không gọi vốn về làm tại Việt Nam”.
Bảo tận dụng kinh nghiệm digital marketing để đưa sản phẩm tiếp cận người dùng, giải quyết các rào cản ngôn ngữ và giảm chi phí tối đa. Đồng thời tận dụng dịch vụ hỗ trợ 24/7, khách đặt hàng trực tuyến, thiết bị được giao và nhận lại tại nhà trước một ngày và sau một ngày của chuyến du lịch.
Mô hình “tiền tươi thóc thật” nhanh chóng giúp Weefee tạo ra dòng tiền. Bảo cho biết, tháng đầu tiên thu được khoảng 50 triệu đồng, nhưng tháng gần nhất là hơn 400 triệu. Lâu nay thị trường chính của họ ở TP.HCM nhưng từ 2018, nhóm bắt đầu phát triển mảng B2B (kết nối với các công ty du lịch) và chuẩn bị mở 2 văn phòng mới ở Hà Nội và Đà Nẵng.
Tại Việt Nam, có khoảng 5 công ty kinh doanh dịch vụ tương tự Weefee nhưng quy mô nhỏ hơn và chưa được đẩy mạnh. Bảo tự tin nhóm của mình đã nhanh chóng đưa Weefee lên vị trí thứ hai trong vòng nửa năm nhờ đi nhanh về giải pháp và tận dụng lợi thế trực tuyến. “Những nhà cung cấp đi trước đã có công tiếp thị, quảng bá, đào tạo thị trường hiểu về sản phẩm nên chúng tôi bắt đầu dễ dàng hơn và tận dụng lợi thế digital để giảm chi phí và tiếp cận thị trường”.
Vấn đề lớn nhất ở mảng này tại Việt Nam là đơn vị nào thiết lập xong quầy thiết bị ngay tại sân bay thì sẽ “thắng”. Bảo cho biết: “Chúng tôi chưa dám khẳng định mình là người đến trước, nhưng tại Việt Nam có 3 sân bay lớn ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, ai hiện diện trước thì xem như thành công. Một khi hoàn tất quầy ở sân bay lớn như TP.HCM, lúc đó sẽ nói chuyện chiếm lĩnh thị trường”.
Vậy có lo ngại cạnh tranh của nhà mạng? Theo Bảo, phí roaming dù giảm nhiều nhưng vẫn cao so với thiết bị phát. Các nhà mạng không mặn mà làm sản phẩm tương tự bởi tốn công sức, chi phí với mô hình không phải phù hợp của họ.
Việc của Weefee là tối ưu hoạt động, tìm các nhà cung cấp chuyên dụng và có những gói riêng cho toàn thị trường để tối ưu chất lượng và cạnh tranh về giá. “Chúng tôi có kiến thức về thị trường, chọn sản phẩm nào, nhà cung cấp nào, thị trường nào và trong trường hợp nào cũng có thể chủ động”, Bảo tự tin.
Sáu tháng qua xem như họ xây xong hạ tầng cho Weefee và lên kế hoạch dài hơi hơn với nguồn vốn mới 1 triệu USD. Dù không tiết lộ cụ thể nhưng Trường cũng cho biết: “Chúng tôi còn trẻ nên chưa dễ thuyết phục nhà đầu tư, 6 tháng qua là cái nền để đánh giá tính khả thi của dự án, năng lực của mình và cả tiềm năng thị trường. Việc bây giờ là chạy!”.
Trường không giấu tham vọng năm 2018 sẽ thiết lập xong 3 quầy thiết bị ở 3 sân bay lớn. Dài hạn hơn là nhắm đến thị trường inbound đầy tiềm năng hiện chưa được chú trọng khai thác. Một khi thiết lập xong các quầy ở sân bay sẽ giúp họ giải quyết được khâu logistics vốn là điểm khó khăn với khách inbound.
“Kế hoạch 5 năm nữa là khi nhiều đơn vị tham gia dịch vụ inbound thì chúng tôi phải trở thành nhà cung cấp lớn. Weefee đã qua giai đoạn rủi ro, nếu làm không tốt thì những đơn vị mới tham gia sẽ chiếm lĩnh thị trường. Phải sẵn sàng trên nền tảng mình đã có” – Trường nói.
Tuyết Ân – Doanh nhân Sài Gòn