Startup công nghệ y tế rộng đường phát triển sau đại dịch Covid-19?
Đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Báo cáo của CB Insights cho thấy số vốn đầu tư vào các startup đã giảm 16% trong Quý 1 năm 2020. Tuy nhiên, Covid-19 cũng tạo cơ hội cho một số startup phát triển, trong đó có công nghệ y tế.
Startup y tế chứng kiến sự tăng trưởng bất ngờ
Với những lo ngại về dịch bệnh và lệnh giãn cách xã hội của chính phủ, các dịch vụ thăm khám online được người dùng quan tâm hơn bao giờ hết.
Theo CEO Doctor Anywhere Việt Nam, lượng người dùng thăm khám online tăng 600% so với trước dịch. Trước dịch COVID-19, chỉ tính riêng thị trường Việt Nam, trung bình một ngày Doctor Anywhere thực hiện khoảng 60 cuộc tư vấn qua ứng dụng và con số này đã tăng lên 350 khi dịch xảy ra. Thay vì chỉ tập trung vào chuyên khoa Nội như trước đây, thì chỉ trong thời gian dịch bệnh 2 – 3 tháng, startup đã liên tục mở mới 3 chuyên khoa tiếp theo gồm Nhi, Tai Mũi Họng và Dinh Dưỡng nhằm đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe mà không lo lây nhiễm chéo của người dùng.
Cùng với việc thay đổi thói quen của người dân thông qua số lượng người thăm khám online tăng, thì việc mua thuốc tại các nhà thuốc cũng dần thay thế bằng mua thuốc online. Các startup cho phép người dân mua thuốc từ xa như Medigo, BuyMed cũng chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong đại dịch. Với số lượng 700 nhà cung cấp và 7000 nhà phân phối cấp thấp, BuyMed là cầu nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối. Trong khi đó, Medigo là nền tảng cho phép người dùng kết nối và nhận tư vấn trực tiếp từ các dược sỹ, đồng thời tải đơn thuốc để mua thuốc online.
Ứng dụng mua thuốc online Medigo
Trước đại dịch, có rất ít nhà thuốc cảm thấy cần và có mong muốn chuyển đổi số. Các chuỗi cung ứng thuốc tự tin với số lượng cửa hàng bao phủ các địa bàn. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều nhà thuốc chủ động đã nhận ra sự cần thiết của việc chuyển đổi số. Nhờ vậy, chỉ trong quý I/2020, số lượng nhà thuốc tham gia vào hệ thống của Medlink đã tăng thêm 15%. Tương tự, cả phía các doanh nghiệp cung cấp quan tâm hơn đến ứng dụng kết nối Medlink – một nền tảng kết nối người tiêu dùng – nhà thuốc và các công ty phân phối dược phẩm. Giải pháp công nghệ này giúp giảm chi phí tối ưu, tăng doanh thu cho nhà thuốc một cách hiệu quả, giải quyết các vấn đề về phân phối dược phẩm, mang tới cho người tiêu dùng một nền tảng mua thuốc online đảm bảo, uy tín với giá thành hợp lý
Ngoài lĩnh vực chuẩn đoán/khám bệnh từ xa; Nền tảng mua bán sản phẩm/dịch vụ y tế thì nhu cầu về việc quản lý dữ liệu y tế/lịch sử khám chữa bệnh, bệnh án cũng thu hút sự quan tâm của các công ty trong ngành và các nhà đầu tư.
Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, Infomed (thành viên của Tập đoàn thiết bị y tế Việt Nam – VMED Group) đã phát triển Giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0, bao gồm phần mềm bệnh án điện tử CLAS Healthcare giúp theo dõi bệnh nhân nhiễm virus trên hệ thống bệnh án điện tử tập trung, phần mềm truyền tải dữ liệu lâm sàng theo thời gian thực từ cơ sở điều trị đến các Trung tâm hỗ trợ và Trung tâm chỉ huy, phần mềm PACS trung tâm giúp chuyển dữ liệu chẩn đoán hình ảnh, cùng hệ thống video Conference và các thiết bị y tế chuyên dụng theo dõi trực tiếp các chỉ số sinh tồn của người bệnh. Giải pháp này đã chứng minh tính hiệu quả và được nhiều bệnh viện phản hồi tốt.
Nhận vốn đầu tư khủng
Trong bối cảnh đại dịch, các nhà đầu tư dường như thận trọng hơn khi vung tiền. Tuy nhiên, đối với y tế, quy luật này dường như ngược lại. Theo thống kê của Startup Health Insights về thị trường vốn vào startup y tế đổi mới sáng tạo, chỉ riêng trong quý I/2020, số các nhà đầu tư rót vào lĩnh vực này đạt 4,5 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức đầu tư cho y tế cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Doctor Anywhere đặt trụ sở tại Singapore và mới bước vào thị trường Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe qua ứng dụng di động mà trong đó, dịch vụ cốt lõi là tư vấn sức khỏe qua video, đặt lịch khám bác sĩ chuyên khoa. Đại dịch đã làm nổi bật ưu thế của y tế số nhờ vậy Doctor Anywhere đã gọi vốn được 27 triệu USD trong vòng đầu tư mạo hiểm từ các quỹ đầu tư lớn gồm Square Peg – Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất tại Úc, EDBI – thuộc Chính phủ Singapore và – Công ty vận hành bệnh viện IHH. Ngoài ra cũng gọi vốn thêm từ một số nhà đầu tư khác bao gồm Pavilion Capital – Công ty con của Temasek và cổ đông hiện tại – Kamet Capital.
Cùng với Doctor Anywhere, nền tảng chăm sóc sức khỏe chủ động đầu tiên tại Việt Nam – eDoctor cũng nhận đầu tư khoảng 1 triệu USD từ 4 quỹ đầu tư lớn là CyberAgent Capital, Genesia Ventures (Nhật Bản), Bon Angels và Nextrans (Hàn Quốc). Thuocsi.vn (nền tảng phân phối của BuyMed) cũng nhận được 2,5 triệu USD với đặt mục tiêu đơn giản hóa ngành phân phối dược phẩm ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Nhưng Starup y tế nhận được vốn “khủng” nhất từ đầu năm 2020 đến nay lại thuộc về Pharmacity – Nhà bán lẻ Dược phẩm lớn nhất Việt Nam- khi Startup này gọi vốn thành công gần 32 triệu USD (khoảng 730 tỷ đồng) của vòng Series C.
Năm 2019, Pharmacity đã mở thêm 95 cửa hàng, đạt tới 252 cửa hàng và dự năm 2020, chuỗi bán lẻ dược phẩm này sẽ mở mới 350 cửa hàng và đạt con số 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021.
Mảnh đất màu mỡ nếu biết “vun trồng”
Khi được hỏi về tiềm năng phát triển của các startup y tế khi dịch qua đi và mọi người sẽ lại đổ xô đến bệnh viện, ông Nguyễn Thành Phan nhận định, Việt Nam đang có cơ hội vàng để “số hóa” ngành y tế theo hướng tích cực. Và trong mắt các nhà đầu tư, thị trường y tế tại Việt Nam hiện chưa được khai phá với nhiều tiềm năng hấp dẫn.
“Hiện các bệnh viện tuyến đầu Việt Nam luôn chứng kiến tình trạng quá tải. Đây là vấn đề mà công nghệ hoàn toàn có thể góp phần giải quyết, đặc biệt là khi người dùng hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, tránh để bệnh nặng hơn, vô tình gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Để duy trì và thu hút người sử dụng, Doctor Anywhere đã mở rộng mạng lưới tư vấn và thăm khám, hiện nay liên kết với gần 100 bệnh viện, phòng khám và các cơ sở y tế, 50 nhà thuốc, 100 bác sĩ thuộc các chuyên khoa đến từ các bệnh viện uy tín hàng đầu Việt Nam để luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dùng mọi lúc – mọi nơi”, ông Phan nhận định.
ông Nguyễn Thành Phan, Giám đốc Doctor Anywhere Việt Nam
Còn theo ông Trần Quốc Dũng, Nhà đầu tư khởi nghiệp thị trường Nhật Bản, thiết bị, công nghệ y tế sẽ là lĩnh vực phát triển mạnh tại Việt Nam trong hiện tại và vài năm tới. Theo đó, các lĩnh vực như: Ứng dụng IoT giám sát chỉ số sức khỏe, xây dựng hệ thống Telemedicine giảm gánh nặng cơ sở y tế tuyến trên và các hệ thống nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ y tế như: Tìm kiếm thông tin, đăng ký dịch vụ, kết nối dữ liệu, kết nối bác sĩ, dược sĩ, chăm sóc sau khi sử dụng dịch vụ… sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những người có dự định khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Lĩnh vực y tế đang là “mảnh đất vàng” cho startup phát triển, tuy nhiên, để startup có thể phát triển và duy trì thì còn cần những giải pháp dài hơi để không bị chết yểu.
Tú Oanh