Rủi ro khi tham gia Shark Tank: Ý tưởng bị ăn cắp
Các dự án khởi nghiệp tham gia trên chương trình truyền hình thực tế Shark Tank (Thương vụ bạc tỉ) của Đài truyền hình ABC News (Mỹ) nhằm quảng bá dự án kinh doanh của họ đồng thời tìm cơ hội huy động tiền từ các nhà đầu tư.
Song ở đó, họ không chỉ bị các “shark” (nhà đầu tư) khó tính xoay như chong chóng mà còn đối mặt với nguy cơ bị ăn cắp ý tưởng mà họ đang trình bày để thuyết phục các “shark” rót tiền đầu tư.
Nicki Radzely, Giám đốc điều hành Công ty Doddle & Co., chuyên sản xuất núm vú giả cho trẻ em, cho biết những sản phẩm nhái bắt đầu xuất hiện trong vòng sáu tháng sau khi cô xuất hiện trên chương trình Shark Tank hồi tháng 1-2018 để giới thiệu những chiếc núm vú giả nhiều màu sắc, làm bằng silicone, có thể bung ra để che núm lại nếu trẻ chẳng may làm rơi, giúp giữ đầu núm vú luôn sạch.
Radzely, 38 tuổi, nói cô đã yêu cầu Amazon gỡ bỏ xuống nhiều sản phẩm núm vú giả nhái sản phẩm của công ty cô. Hiện Doddle & Co có trụ sở ở Montclair, bang New Jersey, vẫn đang cân nhắc liệu có khởi kiện một số công ty nhái sản phẩm núm vú của công ty hay không.
Radzely chia sẻ: “Nếu chúng tôi không xuất hiện trên Shark Tank, những kẻ bắt chước có thể tiến vào thị trường chậm hơn”.
Các doanh nhân từ hơn 900 dự án khởi nghiệp đã nỗ lực thuyết phục các thành viên hội đồng đầu tư của chương trình Shark Tank nước Mỹ bao gồm tỉ phú internet Mark Cuban, bà trùm bất động sản Barbara Corcoran… hậu thuẫn tài chính cho các dự án của họ kể từ khi chương trình này bắt đầu lên sóng lần đầu tiên hồi tháng 8-2009.
Lani Lazzari, người sáng lập thương hiệu Simple Sugars, một dòng sản phẩm chăm sóc da hoàn toàn làm bằng các nguyên liệu thiên nhiên, đã phải vật vã chống lại các sản phẩm nhái kể từ khi cô xuất hiện trên Shark Tank vào năm 2013 lúc cô mới 18 tuổi.
Lazzari nói: “Shark Tank mang lại hiệu ứng tích cực cho chúng tôi nhưng bất cứ khi nào sản phẩm của bạn nhận được nhiều sự chú ý, sẽ có những điều tiêu cực xuất hiện”.
Công ty non trẻ của Lazzari chỉ có mức doanh thu chưa đến 100.000 đô la vào năm 2012 nhưng khi tỉ phú Cuba cam kết đầu tư 100.000 đô la để nắm 33% cổ phần của Simple Sugars, ngay trong đêm phát sóng Shark Tank, Simple Sugars nhận được lượng đơn đặt hàng trị giá 250.000 đô la.
Con số này tăng vọt lên 1 triệu đô la trong vòng sáu tuần sau đó. Công ty cũng nhận được 14.000 email và hàng ngàn cuộc gọi từ các khách hàng tiềm năng chỉ hai ngày sau khi Lazzari xuất hiện trên chương trình Shark Tank.
Tuy nhiên, không phải mọi sự chú ý đều mang lại điều tích cực. Năm ngày sau khi chương trình Shark Tank phát sóng về Simple Sugars, Lazzari nhận được cuộc gọi từ một vị khách hàng đang bực bội vì cho rằng bà ta không nhận được hàng sau khi đã hàng từ Simple Sugars.
Lazzari tự điều tra và phát hiện có ai đó trên mạng đã nhái thương hiệu của công ty cô, thậm chí còn gửi lời cảm ơn các khách hàng đã xem tập phát sóng về Simple Sugars của chương trình Shark Tank.
Lazzari cho biết: “Sau khi xem tập phát sóng của Shark Tank nói về chúng tôi, một phụ nữ và đứa con gái của bà ta đã mạo danh chúng tôi”. Luật sư của Simple Sugars đã gửi thư yêu cầu hai mẹ con này chấm dứt hành động mạo danh nếu không sẽ kiện họ ra tòa.
Nhiều năm sau đó, Lazzari vẫn nhận được phàn nàn của các khách hàng nói rằng họ nhận được các quảng cáo từ Facebook từ một công ty mỹ phẩm khác mạo danh là công ty Simple Sugars.
Đôi khi, các thí sinh tham dự Shark Tank chịu những phiền lụy pháp lý vô cớ vì bị cáo buộc ăn cắp ý tưởng. Nữ doanh nhân Lori Cheek xuất hiện trên chương trình Shark Tank vào năm 2014 để thuyết phục hội đồng đầu tư rót tiền vào công ty hẹn hò Cheek’d Inc mà cô mới thành lập. Công ty này có ý tưởng khá lạ lùng, đó là mời các thành viên đóng phí 25 đô la để nhận được 50 danh thiếp trong đó có in một đường link và mật mã được sử dụng để xem hồ sơ hẹn hò của họ trên trang web của Cheek’d Inc.
Sau đó, các thành viên có thể gửi tặng card này đến bất kỳ người nào mà họ có cảm tình. Không có “shark” nào ủng hộ ý tưởng và cho đến nay, Cheek’d Inc vẫn chưa kiếm được đồng doanh thu nào nhưng công ty này đang gánh khoản chi phí kiện tụng lên đến 60.000 đô la sau khi một người xem chương trình Shark Tank cáo buộc Lori Cheek ăn cắp ý tưởng của anh ta.
Trong đơn kiện gửi cho tòa án ở New York vào năm 2017, Alfred Pirri Jr. nói rằng ông mới là tác giả của ý tưởng kinh doanh lạ đời trên và đã chia sẻ nó với chuyên viên trị liệu tâm lý của ông. Alfred Pirri Jr. cáo buộc chuyên viên này đã tiết lộ ý tưởng của ông cho Lori Cheek.
Tòa án đã bác bỏ đơn kiện nhưng Cheek đang phải mở cuộc vận động quyên góp 100.000 đô la trên trang GoFundMe để giúp cô trả nợ chi phí pháp lý khi theo đuổi vụ kiện.
Lori Cheek khẳng định cô chưa bao giờ gặp Pirri hay chuyên viên trị liệu của ông ta.
Lê Linh – Thesaigontimes