Phố Wall đổ tiền vào các nền tảng kết nối cho thuê nhà Trung Quốc
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người Trung Quốc đi thuê nhà và startup trong lĩnh vực này nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, các nhà đầu tư Phố Wall đang đổ tiền vào mảng kết nối cho thuê nhà ở Trung Quốc.
Dòng vốn đổ vào mảng kết nối cho thuê nhà ở Trung Quốc
Thông tin từ Nikkei, trong tuần này, Quĩ đầu tư Warburg Pincus (NewYork) công bố tham gia vào vòng rót vốn 150 triệu USD cho startup cung cấp nền tảng cho thuê nhà Mofang Apartments có trụ sở tại Thượng Hải. Warburg Pincus là nhà đầu tư dẫn dắt trong nhiều thương vụ đầu tư vào Mofang, trong đó có đợt rót vốn 300 triệu USD năm 2016.
Trong năm ngoái, Warburg Pincus cũng tham gia rót vốn 621 triệu USD vào Ziroom, một công ty cho thuê nhà ở tương tự có trụ sở tại Bắc Kinh. Ziroom được hỗ trợ bởi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings và Sequoia China, một công ty đầu tư mạo hiểm.
“Với tình hình đô thị hóa và thu nhập của người dân Trung Quốc ngày càng tăng, chúng tôi tin rằng lĩnh vực căn hộ cho thuê sẽ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố hạng nhất và hạng hai ở Trung Quốc,” Joseph Gagnon, giám đốc điều hành của Warburg Pincus chia sẻ.
Cũng trong tháng này, đối thủ trẻ tuổi hơn Mofang là Danke Apartments có trụ sở tại Bắc Kinh, tuyên bố huy động được 500 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư. Ant Financial và quĩ phòng hộ Tiger Global có trụ sở tại New York là các nhà đầu tư dẫn dắt cho thương vụ rót vốn.
Cả ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cũng nhảy vào vào thị trường cho thuê nhà Trung Quốc với việc đầu tư 100 triệu USD vào công ty cho thuê nhà QingKe có trụ sở tại Thượng Hải cùng với công ty tư nhân Crescent Point của Singapore.
“Cơn sốt” của thị trường cho thuê nhà ở Trung Quốc
Sự nổi lên của những mô hình kinh doanh cung cấp nền tảng cho thuê nhà như Mofang, Danke, QingKe và Ziroom diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy tăng nguồn cung nhà cho thuê. Năm 2017, trong nỗ lực kiềm chế giá bất động sản tăng vọt, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc rằng “nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ “.
Theo công ty đầu tư bất động sản Jones Lang LaSalle, Trung Quốc có hơn 200 triệu người thuê nhà. Hầu hết những người thuê nhà thuộc thế hệ thế hệ sinh ra trong những năm từ 1980 – 2000. Họ trì hoãn việc mua nhà vì giá cao và không có kế hoạch lập gia đình sớm. Chính điều này đã giúp thị trường cho thuê nhà Trung Quốc đạt giá trị hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 150 tỉ USD).
Cũng theo báo cáo của Jones Lang LaSalle, trên thị trường cho thuê truyền thống ở Trung Quốc, các chủ nhà thường cho thuê các căn hộ nhiều phòng ngủ lớn. Tuy nhiên, những người trẻ đi thuê nhà thường thích các căn nhỏ cùng với mức giá phải chăng hơn.
Tìm cách tận dụng sự khác biệt này, các nền tảng cho thuê nhà mới nổi như Mofang và Ziroom áp dụng cách tiếp cận giống như ký túc xá, thuê phòng. Các công ty chủ yếu hoạt động tại các siêu đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, cũng như các thành phố lớn khác bao gồm Nam Kinh và Hàng Châu.
Khác với các nhà phát triển bất động sản, nền tảng cho thuê không cần đầu tư số vốn lớn vào tài sản. Tuy nhiên, để hoạt động có lợi nhuận cũng là một thách thức. Các startup này phải gánh vác chi phí tân trang để cung cấp trải nghiệm tốt cho người thuê.
Thời gian hoàn vốn dài đồng thời phải đảm bảo đủ nguồn cung trước các đối thủ khác khiến các startup đối mặt với tình trạng thiếu hụt dòng tiền. Do đó, dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đối với các startup này là điều cần thiết.
Tuệ An – Vietnambiz