Đã có nhiều start-up nhận được những khoản vốn đầu tư hàng chục triệu USD của giới đầu tư. Tuy nhiên, đa phần start-up vẫn trong tình cảnh “sớm nở tối tàn’. Việc thiếu vắng một hệ sinh thái hoàn chỉnh (vốn, chính sách, cộng đồng…) khiến nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đã phải “chết” oan uổng.

Start up khát hệ sinh thái khởi nghiệp

Phong trào khởi nghiệp – start-up- đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta.

Hiện nay, thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam đang bùng nổ. Hiện cả nước có 1.800 start-up đang hoạt động. Nhiều start-up đã gọi vốn thành công với con số lên tới hàng chục triệu USD, một số start-up đã phát triển ra thị trường thế giới.

Tuy vậy, theo thống kê, tỷ lệ thất bại của các startup lên tới hơn 80%.

Anh Giáp Văn Đại, Founder dự án Nami – trợ lý ảo đầu tư cá nhân- cho biết, có rất nhiều lý do khiến startup không trụ vững sau 1-2 năm và trong đó lý do quan trọng nhất là do start-up “chưa đủ tốt”.

Cụ thể, startup nghiên cứu thị trường không kỹ và đưa ra sản phẩm dựa trên tưởng tượng của bản thân nhiều hơn là sự cần thiết của khách hàng; chi phí quá nhiều cho những thứ start-up muốn hơn là cái thị trường cần, ví dụ như văn phòng, chi trả lương; chưa có kế hoạch rõ ràng từng giai đoạn phát triển sản phẩm, tìm kiếm nhân lực không phù hợp…

Trên thực tế, rất nhiều start-up ra đời chỉ tồn tại được trong vòng 6 tháng đã phải đóng cửa. Thậm chí, nhiều cá nhân còn không dám thử lại lần hai bởi đã cạn nguồn tài chính. Nhiều start-up cũng cho biết, việc tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp không khó, khó nhất là vốn và nhân lực đủ để nuôi dự án kéo dài qua giai đoạn thử thách khó khăn nhất, thường từ 6 tháng đến 1 năm.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc công ty Agile – đơn vị có nhiều dự án startup như dự án Uber for X (ứng dụng đặt lịch giúp việc); dự án phát triển Crypto Currency dựa trên nền tảng Blockchain- cho hay: “Thời gian 6 tháng đến 1 năm mới chỉ đủ để ra sản phẩm, chạy beta. Tuy nhiên, nhiều start up sau 6 sẽ bị thiếu tài chính để vận hành nên đã bị “rớt”.

Nhiều quốc gia đã dành hàng trăm tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Tuy nhiên, nhìn chung hệ sinh thái start-up ở nước ta vẫn còn chưa hoàn chỉnh, đa số các start-up vẫn đang trong tình trạng thiếu vốn, thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu cộng đồng gắn kết. Do đó, để nhiều start-up được tiếp cận hơn với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, cần sự hỗ trợ của cả cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Ngân hàng chi triệu USD tiếp sức start-up

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, sự bùng nổ của startup, đặc biệt là start-up công nghệ đang trở thành xu hướng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các ngân hàng đã lập riêng một bộ phận để nghiên cứu các start-up công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng (fintech lab). Tuy nhiên, chưa có nhiều ngân hàng, doanh nghiệp lớn có các chương trình hỗ trợ cộng đồng đối với startup.

Cho đến nay mới có VPBank là ngân hàng đầu tiên công bố gói hỗ trợ lên tới 1 triệu USD đối với các start-up trong năm 2017 và 2018. Các giải pháp được VPBank start-up hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm: Cung cấp không gian làm việc chung cho start-up UP@VPBank; đào tạo, huấn luyện; hỗ trợ chi phí vận hành cho start-up …

Tất cả sự hỗ trợ này của VPBank hoàn toàn mang tính cộng đồng, không hề liên quan đến khía cạnh kinh doanh. Theo công bố của dự án VPBank Startup, cho đến nay đã có 7 startup nhận được sự hỗ trợ của VPBank như: AgileTech, Finsify Hub, Nami, Big Cat Entertainment, CV, TopCV, Vexere.com, VIC Partners, Kyber Network.

Ông Giáp Văn Đại cho hay: “Nami đã nhận được nhiều hỗ trợ từ VPBank Startup gồm gói hỗ trợp văn phòng tại UP@VPBank, tham gia các hội thảo để làm phong phú kiến thức, phát triển đa dạng các mối quan hệ. Đặc biệt, với fintech như Nami, có cơ hội để tiếp cận với hoạt động của ngân hàng như VPBank, từ đó đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng của VPBank là rất quan trọng”.

Tương tự, đại diện AgileTech nhận được gói tài trợ văn phòng làm việc tại UP@VPBank. “Gói tài trợ này đủ cho chúng tôi có không gian làm việc hiệu quả hơn và tiếp tục phát triển team. Tôi tin tưởng sẽ tìm thấy những cơ hội mới khi làm việc ở đây. Tôi hy vọng, thời gian tới, ngoài VPBank ra còn có nhiều đơn vị khác hỗ trợ không gian làm việc cho các start-up như các nước đang triển khai”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện nay đang hội tụ đủ những yếu tốt cần thiết để trở thành một quốc gia khởi nghiệp với cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động trẻ cùng nhiều nhân tài trong lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, điều Việt Nam vẫn thiếu là một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, trong đó có 3 yếu tố đóng vai trò quan trọng gồm chính sách, cộng đồng và tài chính. Do đó, sự tham gia tích cực của những DN lớn như VPBank hy vọng sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam cất cánh.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh:

Các start-up là cộng đồng có nhiều tiềm năng tạo nên những giá trị lớn cho xã hội, trở thành một cấu phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Vì thế, trở thành một cấu phần của hệ sinh thái khởi nghiệp vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của chúng tôi.Với việc triển khai Dự án Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp VPBank StartUp, VPBank cũng mong muốn thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ngay trong nội bộ ngân hàng.

A.D – Nhịp sống kinh tế