Việc dùng tre thay cho nhôm, thép làm xe đạp đã giảm thiểu đáng kể việc phát thải khí nhà kính. Cứ mỗi khi chặt một cây tre để dùng, công ty chị Bernice Dapaah lại trồng bù 10 cây khác.

Cứ mỗi cây tre bị chặt đi làm nguyên liệu, lại có 10 cây tre mới cam kết được trồng thay thế. Theo cách này, nữ doanh nhân Bernice Dapaah, 36 tuổi, không chỉ tạo ra những chiếc xe đạp thân thiện môi trường mà còn góp phần cải thiện đáng kể đời sống của một cộng đồng ở Ghana.

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, chị Dapaah trở về quê nhà Kumasi và khởi nghiệp với Công ty Sáng kiến xe đạp tre có trụ sở tại Kumasi, miền nam Ghana.

Ý tưởng chính của doanh nghiệp là khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên, trước hết là cây tre, để tạo ra phương thức di chuyển bền vững hơn cho mọi người trong hành trình đi học và đi làm, giảm bớt ùn tắc giao thông và khắc phục những yếu kém còn tồn tại của hạ tầng đường sá.

Năm 2010, vài tháng sau khi chế tạo ra được mẫu xe đạp tre đầu tiên, chị Dapaah và nhóm cộng sự đã giành được giải thưởng Seed, giải thưởng tôn vinh những doanh nhân có ý tưởng kinh doanh gắn liền với phát triển bền vững.

Chính ủy ban giải thưởng này đã giúp cho nhóm của chị nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để hiện thực hóa ý tưởng.

Với nguồn nguyên liệu tre phong phú sẵn có tại địa phương, công ty của chị Dapaah có thể khai thác để chế tạo hoàn toàn phần khung một chiếc xe đạp.

Một trong những đặc tính thú vị của cây tre mà không phải ai cũng biết, theo lời chị Dapaah, chính là loại vật liệu này “vững chắc gấp 5 lần so với thép”.

Để có nguồn nguyên liệu “không bao giờ cạn”, cứ mỗi khi chặt một cây tre để dùng, công ty chị lại trồng bù 10 cây khác. Việc dùng tre thay cho nhôm, thép làm xe đạp đã giảm thiểu đáng kể việc phát thải khí nhà kính.

Những rặng tre nguyên liệu được trồng thêm cũng giúp giảm bớt xói mòn đất đai, từ đó những chiếc xe đạp thực sự là vật dụng thân thiện và “xanh” đúng nghĩa với mọi người, mọi chốn.

Ở quê nhà của chị Dapaah, vẫn còn quá nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Chúng thường xuyên đi học muộn vì phải lội bộ vượt những quãng đường rất xa tới trường. Tặng những chiếc xe đạp tre cho các em, chị đã giúp rút ngắn thời gian đến trường cho chúng, giúp các em có nhiều thời gian hơn cho việc học.

Có một điều không phải ai cũng biết, thuở nhỏ chị Dapaah cũng thường phải cuốc bộ tới trường, đôi khi từ 3-5 cây số mỗi ngày. Và đó là niềm cảm hứng thôi thúc để chị làm điều gì đó giúp các em.

Chị nói: “Những em nhỏ nhận được xe đạp vô cùng hạnh phúc. Một bé gái đã hỏi tôi là có thật cái xe đó là của em không? Nó sẽ là của em mãi mãi ư, và tôi đã nói, nó là của em mãi mãi”.

Mặc dù đã được nhiều tổ chức tôn vinh, song chị Dapaah luôn nhớ lý do vì sao chị đã thành lập Sáng kiến xe đạp tre Ghana.

“Tôi nhìn lại và nhận ra tỉ lệ thất nghiệp ở Ghana quá cao, nhất là phụ nữ” – chị nói với báo Philly. Những chiếc xe đạp tre của chị Bernice còn giúp tạo ra công ăn việc làm ở mọi khâu, từ nhân lực trồng, khai thác tre tới các công đoạn chế tạo, lắp ráp cho tới bán sản phẩm cuối cùng.

Những chiếc xe đạp tre ngay từ đầu đã là sản phẩm thủ công do bàn tay những người phụ nữ châu Phi chịu thương chịu khó làm ra.

Ít nhất đã có 35 phụ nữ trở thành nhân viên có thu nhập ổn định của công ty sản xuất xe đạp tre của chị Dapaah. Không những thế, công ty của chị còn sắp xếp để hỗ trợ đào tạo thêm cho những người phụ nữ không có điều kiện đi học.

Họ được trang bị kiến thức cần thiết liên quan tới việc lắp ráp các bộ phận của xe đạp. Nhiều nhân viên của công ty cũng được khuyến khích để tự mở ra những cơ sở riêng của họ tại nhiều khu vực khác để nhân lên quy mô hoạt động của dự án xe đạp tre.

Cuộc sống của nhiều người dân địa phương cũng đã thay đổi nhờ sáng kiến xe đạp tre của chị Bernice vì họ đã có phương tiện đi lại có giá bán hợp túi tiền.

Cuối năm ngoái, chị Bernice đã tới Philadelphia, New York và Washington (Mỹ) để vận động gây quỹ cho mục tiêu 2.500 chiếc xe đạp tre mà những người nghèo thực sự cần nó tại châu Phi.

D. Kim Thoa – Báo Tuổi trẻ

Bài gốc