Châu Á là nhà của nhiều hãng khởi nghiệp sáng tạo và có giá trị cao thế giới. Không ít thành phố của khu vực này hiện cạnh tranh để thu hút các startup với ưu đãi.

Theo South China Morning Post, các nhà đầu tư liên tiếp rót vốn vào startup công nghệ, một phần nhờ chính sách thân thiện với doanh nghiệp nhằm giúp nuôi dưỡng các hãng khởi nghiệp tại các thành phố lớn châu Á. Năm 2018, 9 trong số 10 thương vụ vốn mạo hiểm công lớn nhất liên quan đến các startup châu Á. Bảy trong số này có trụ sở ở Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu thị trường vốn Preqin.

Các thành phố châu Á thành công trong việc thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm và startup nhờ nền kinh tế tương đối ổn định, dân số có trình độ cao và là nơi tọa lạc của nhiều tổ chức học thuật cùng cơ sở hạ tầng tiên tiến. Để duy trì tính cạnh tranh, các đô thị cũng cung cấp một loạt ưu đãi về thuế, trợ cấp và các chương trình có liên quan để hỗ trợ doanh nhân. Dưới đây là một số thành phố phổ biến nhất để startup công nghệ đặt trụ sở và hoạt động.

Bắc Kinh

Thủ đô Trung Quốc có trung tâm công nghệ nổi bật nhất nước này là Zhongguancun, được thành lập cách đây 30 năm với sứ mệnh “học hỏi từ Thung lũng Silicon, sao chép Thung lũng Silicon”. Khoảng 9.000 hãng công nghệ có mặt tại vùng rộng 488 km vuông ở phía tây bắc quận Haidian thuộc Bắc Kinh. Trong số này có các hãng công nghệ cao lớn nhất Trung Quốc như Lenevo Group, Baidu và JD.com.

Nhờ gần 40 trường đại học, trong đó có một số trường lớn như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, và gần 200 viện nghiên cứu cùng phòng thí nghiệm cấp quốc gia, Zhongguancun hưởng lợi thế trong việc tiếp cận nhân tài. Vùng này là sản phẩm từ việc thúc đẩy công nghệ cao của chính phủ Trung Quốc từ năm 1998. Nước này giảm thuế, tài trợ và dành nhiều ưu đãi cho các hãng chuyển đến Zhongguancun.

Bắc Kinh là thành phố hàng đầu cho vốn mạo hiểm ở Trung Quốc năm ngoái, nhận về 66,3 tỉ nhân dân tệ, tương đương 9,8 tỉ USD. Đô thị có 79 startup công nghệ định giá từ 1 tỉ USD trở lên, theo Hurun Greater China Unicorn Index 2018. Trong số này có Didi Chuxing và ByteDance, startup có giá nhất thế giới.

Singapore

Đất nước Đông Nam Á nhỏ bé là điểm đến của trụ sở nhiều doanh nghiệp toàn cầu lớn. Nhờ tài trợ và ưu đãi thuế hào phóng cho doanh nghiệp, các startup công nghệ lớn như Grab, Circles.Life, Singapore “bay cao” những năm gần đây. Mới đây, nước này công bố chương trình EntryPass, tạo điều kiện cho doanh nhân nước ngoài có thời hạn ban đầu hai năm để thành lập doanh nghiệp. Chương trình cũng cung ứng khoản tài trợ tối thiểu 35.800 đô la Singapore cho công ty mới thành lập.

Ngoài ra, chính phủ Singapore còn có kế hoạch bơm 2,86 triệu đô la Singapore vào các hãng nghiên cứu, phát triển công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo. Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Singapore đầu tư 10 triệu đô la Singapore, tương đương 7,4 triệu USD vào nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm doanh nghiệp khởi nghiệp. Nước này có đến 50 tổ chức, phòng ban hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài nước.

Seoul

Vài năm qua, chính phủ Hàn Quốc theo đuổi chương trình giúp biến Seoul thành trung tâm startup chính. Forbes công nhận Hàn Quốc là nơi có tỷ lệ hỗ trợ của chính phủ cho mỗi startup cao nhất thế giới. Chính phủ thành lập quỹ 9 tỉ USD với vốn tư nhân và vốn công năm 2017 để hỗ trợ startup, cùng năm họ thành lập cơ quan hỗ trợ startup cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều này thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ quốc tế đến thành lập văn phòng, trụ sở ở Seoul, trong đó có Google và SparkLabs Global Ventures. Tự thân Hàn Quốc cũng có một số hãng lớn như Kakao, Coupang và Yello Mobile, dù không nhiều startup tỉ đô. Thêm vào đó, chính phủ còn mở chương trình visa thân thiện với doanh nghiệp tên OASIS nhằm thu hút doanh nhân ngoại. Người tham gia chương trình này phải tham dự các khóa học về sở hữu trí tuệ, luật kinh doanh và văn hóa Hàn Quốc.

Hàng Châu

Thủ phủ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) nổi tiếng là nơi đặt trụ sở Alibaba Group, nơi hãng thương mại điện tử số một Trung Quốc khởi đầu phát triển hệ sinh thái rộng lớn gồm nhiều đối tác, nhà cung ứng và nhà hoạt động công nghệ cao. Năm ngoái, Hàng Châu ghi nhận 18 startup tỉ đô, tuyên bố rằng startup nước ngoài có khả năng phát triển dự án theo tầm nhìn công nghiệp của thành phố có thể hưởng trợ cấp đến 100 triệu nhân dân tệ. Người nước ngoài có bằng thạc sĩ có thể làm việc tại Hàng Châu và nhận trợ cấp tiền thuê nhà một lần là 20.000 nhân dân tệ.

Thành phố Trung Quốc còn thành lập quỹ hỗ trợ sinh viên đại học khởi động doanh nghiệp riêng trị giá 100 triệu nhân dân tệ. Cách Thượng Hải 175 km, Hàng Châu cũng là nhà của trụ sở Ant Financial Services và Canaan Creative, nhà sản xuất máy đào tiền mã hóa lớn thứ nhì thế giới.

Thượng Hải

Đây là thành phố phổ biến thứ nhì ở Trung Quốc để các startup thành lập. Năm ngoái, vốn mạo hiểm đổ về đây đạt 42,7 tỉ nhân dân tệ. Đô thị có 42 startup tỉ đô, nỗ lực cung cấp nhiều ưu đãi hơn để cạnh tranh với Bắc Kinh. Nhà đầu tư ở Thượng Hải có thể được hỗ trợ đến 60% vốn đầu tư ban đầu, tùy thuộc vào quy mô công ty và số lượng nhân viên.

Thượng Hải cũng nới lỏng chính sách thị thực kinh doanh để thu hút thêm doanh nhân ngoại đến sống và làm ăn. Tháng 5.2018, thành phố thử chương trình thí điểm “visa startup doanh nhân” tại một số quận. Visa có thời hạn một năm nhưng có thể được gia hạn nếu doanh nhân chứng minh mình làm ăn thành công. Pinduoduo, Red, Hellobike và Liulishuo là vài trong số các hãng công nghệ có trụ sở tại đây.

Theo Thu Thảo – Báo Thanh niên

Bài gốc