Mỹ dẫn đầu về số kỳ lân khởi nghiệp AI, dữ liệu lớn
Mỹ hiện đang dẫn đầu về số kỳ lân khởi nghiệp (công ty khởi nghiệp được định giá một tỉ đô trở lên) trong các lĩnh vực quan trọng bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, phần mềm và robot, theo một báo cáo của Ngân hàng đầu tư Credit Suisse (Thụy Sĩ).
Mỹ vượt xa Trung Quốc về số kỳ lân khởi nghiệp trong các lĩnh vực đòi công nghệ tân tiến như AI, dữ liệu lớn, phần mềm, robot. Ảnh techstartups.com
Tại Mỹ, con số này chiếm đến 40%. Xét về mức định giá, Trung Quốc chiếm 30% trong tổng mức định giá 1.080 tỉ đô la của tất cả các kỳ lân khởi nghiệp trên toàn cầu.
Bản báo cáo được công bố hôm 26-3 cho biết dù Trung Quốc chiếm gần 1/3 trong số 326 kỳ lân khởi nghiệp trên toàn cầu, số các kỳ lân trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ khoa học tân tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, phần mềm và robot chỉ chiếm 14% trong số 92 kỳ lân khởi nghiệp của Trung Quốc.
Báo cáo của Credit Suisse cho biết gần 50% kỳ lân khởi nghiệp Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hàng hóa tiêu dùng. Các kỳ lân này được thúc đẩy nhờ mô hình kinh doanh sáng tạo, tận dụng lợi thế thị trường người tiêu dùng khổng lồ, tăng trưởng nhanh nhưng bị phân mảnh của Trung Quốc.
Có thể nêu ra một số kỳ lân tiêu biểu như BeiBei, một nền tảng thương mại điện tử chuyên bán các sản phẩm chăm sóc bà mẹ và trẻ em; 17zuoye, một nền tảng giáo dục đang cung cấp các giải pháp bài tập tại nhà thông minh; Didi Chuxing, ứng dụng gọi xe đang được định giá 56 tỉ đô và Toutiao, ứng dụng tổng hợp tin tức được định giá 75 tỉ đô la.
Trong khi đó, hầu hết các kỳ lân khởi nghiệp của Mỹ được thúc đẩy bởi sáng tạo nhờ các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Báo cáo cho biết: “Mặc dù có quy mô thị trường khổng lồ, Trung Quốc là đối thủ tương đối mới trong cuộc đua nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như sáng tạo, vì vậy, nước này cần nhiều thời gian để các đầu tư chi tiêu cho R&D dẫn dến các sản phẩm và dịch vụ thương mại”.
Tuy nhiên, Vincent Chan, Giám đốc nghiên cứu phụ trách các thị trường châu Á – Thái Bình Dương của Credit Suisse nhận định mức chênh lệch giữa số kỳ lân khởi nghiệp AI của Mỹ và Trung Quốc sẽ thu hẹp trong 3-5 năm tới.
Vincent Chan cho rằng việc triển khai mạng lưới 5G ở Trung Quốc sẽ tạo ra tiềm năng thị trường giúp các công ty khởi nghiệp AI ở Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Trung Quốc sẽ là một trong những nước đầu tiên trên toàn cầu triển khai mạng 5G vào năm 2020.
Serena Shao, Giám đốc nghiên cứu mảng chăm sóc y tế của Trung Quốc ở Credit Suisse, kỳ vọng 10 năm tới sẽ là kỷ nguyên vàng cho các công ty y tế của Trung Quốc.
Bà nói: “Trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ có thêm 100 triệu người từ 65 tuổi trở lên. Có rất nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng trong lĩnh vực y tế của Trung Quốc chẳng hạn các loại thuốc, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn”.
Đầu tư R&D của Trung Quốc tính theo mức % GDP của nước này đang tăng nhanh trong những năm gần đây, đạt mức 2,1% vào năm 2017 so với mức trung bình chỉ 1,2% trong giai đoạn 2000 – 2009.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế nhỏ hơn như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Báo cáo của Credit Suisse cho rằng hầu hết chi tiêu R&D của Trung Quốc chỉ giành cho hoạt động phát triển thử nghiệm, chứ không phải nghiên cứu cơ bản. Điều này giải thích tại sao hầu hết các kỳ lân khởi nghiệp của Trung Quốc chủ yếu dựa vào mô hình kinh doanh sáng tạo hơn là các sản phẩm công nghệ mới.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu xu hướng công nghệ CB Insights (Mỹ) tính đến tháng 3-2019, có tổng cộng 326 kỳ lân khởi nghiệp trên toàn cầu với tổng mức định giá 1.080 tỉ đô la. Báo cáo cho biết Mỹ chiếm vị trí số một, đóng góp đến 48% kỳ lân khởi nghiệp, còn con số này của Trung Quốc là 28% với 92 kỳ lân khởi nghiệp.
Tuy nhiên, hồi tháng 1-2019, báo cáo tạp chí Hồ Nhuận của Trung Quốc cho biết nền kinh tế lớn thứ hai có đến 186 kỳ lân khởi nghiệp với tổng mức định giá 736 tỉ đô la, trong đó, có 97 kỳ lân mới xuất hiện trong năm 2018, tức trung bình 3,8 ngày có một kỳ lân khởi nghiệp ra đời.
Rõ ràng, có mức chênh lệch quá lớn về số kỳ lân khởi nghiệp của Trung Quốc trong các báo cáo CB Insights và Hồ Nhuận. Điều này có thể là do các khác biệt trong các tiêu chí đánh giá hoặc dữ liệu cập nhật.
Chánh Tài – Thesaigontimes