Mục tiêu 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Không quyết liệt, khó hoàn thành
Tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 3.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Mặc dù Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tuy nhiên để đạt được mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 5.000 DN khởi nghiệp ĐMST vẫn còn nhiều việc phải làm.
Xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844, năm 2016) của Chính phủ, Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành, địa phương đã dành nhiều cơ chế, nguồn lực hỗ trợ cho DN khởi nghiệp. Đến nay, khởi nghiệp ĐMST đã có xuất hiện trong nhiều lĩnh vực với các mô hình khởi nghiệp phong phú.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có mô hình trang trại thông minh Delco, nông nghiệp thông minh Hachi. Các mô hình này đều sử dụng hệ thống điều khiển tự động trong canh tác nông nghiệp, giúp giảm chi phí, nhân lực và đem lại sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Lĩnh vực du lịch có Triip.me, Chameleon City… giúp người dùng tìm hiểu sâu hơn về địa điểm, con người, kết nối với người dân địa phương trên toàn thế giới. Lĩnh vực giáo dục có Monkey Junior – ứng dụng dạy ngoại ngữ cho trẻ em từ 0 – 10 tuổi; Gotl! – ứng dụng giáo dục trên điện thoại. Khởi nghiệp ĐMST ở lĩnh vực tài chính có Ví điện tử Momo – ứng dụng giúp nhận và chuyển tiền, thanh toán các khoản cước phí ngay trên Smartphone; BankGO – dịch vụ cung cấp thông tin, lãi suất kết nối với hơn 40 ngân hàng.
Lĩnh vực giao thông vận tải có Sanvanchuyen.vn – kết nối các đơn vị vận tải và khách hàng có nhu cầu; Dichung.vn – sử dụng công nghệ để thúc đẩy hình thức đi chung xe, tiết kiệm chi phí…
Để hỗ trợ các DN ĐMST, các bộ ngành, địa phương, tổ chức, DN lớn đã dành nhiều nguồn lực và tạo môi trường phát triển.
Hiện cả nước có khoảng 30 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trong đó có một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ DN khởi nghiệp ĐMST như: Mạng lưới hỗ trợ DNNVV, Tổ chức SECO, Chương trình đối tác ĐMST Việt Nam – Phần Lan (IPP2)… Bên cạnh đó, có khoảng 40 không gian làm việc chung và không gian sáng tạo.
Ngoài ra, có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam tuy chưa nhiều nhưng bắt đầu có xu hướng tăng. Một số mạng lưới đầu tư thiên thần như VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel (mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam), Angel4us đã bắt đầu hình thành.
Cần chính sách để tăng tốc
Theo Bộ KH&CN, cả nước đã có hơn 30 tỉnh, TP ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 844. Trong đó, Hà Nội đã đưa vào vận hành Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp TP Hà Nội, hình thành những không gian làm việc chung lớn như Up Co-working Space, iHouse Cowoking Space, TheVuon – Coworking Space…, thành lập Trung tâm hỗ trợ DNNVV, Vườn ươm DN CNTT ĐMST Hà Nội.
Tại Đà Nẵng hình thành các tổ chức ươm tạo, tiêu biểu là Vườn ươm DN Đà Nẵng, Fablab Đà Nẵng, Trung tâm sáng tạo Đà Nẵng, Vườn ươm ĐMST, các CLB khởi nghiệp trong trường đại học, cao đẳng. Tại TP Hồ Chí Minh cũng liên tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST ngành du lịch…
Theo TS Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN), hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ tập trung ở các tỉnh, TP lớn mà còn phát triển ra các tỉnh như Vĩnh Long, Bến Tre, Quảng Bình… Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST như: Bộ KH&CN hỗ trợ tài chính cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; Bộ Ngoại giao tổ chức “Diễn đàn kết nối các DN khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Mỹ và Việt Nam” ở TP San Francisco…
Tuy nhiên, để có thể đạt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 1 triệu DN, trong đó 0,5% là DN khởi nghiệp ĐMST theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ vẫn cần có những chính sách và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành và địa phương.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần làm tốt 5 vấn đề chính, gồm: Thực thi chính sách và tạo lập môi trường pháp lý; Nâng cao năng lực các chủ thể; Tăng cường liên kết hoạt động của các cơ quan T.Ư và địa phương; Phát triển các hoạt động truyền thông; Thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng phát triển hệ sinh thái.
Nam Bắc – Báo Kinh tế đô thị