Kỳ nghỉ gần nhất của người lao động là nghỉ Tết Dương lịch 2019. Trong ngày này, người sử dụng lao động buộc người lao động đi làm sẽ bị xử lý như thế nào, theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2012 quy định, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

– Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01/01 dương lịch);

– Tết Âm lịch 05 ngày;

– Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30/4 dương lịch);

– Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01/5 dương lịch);

– Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02/9 dương lịch);

– Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10/3 âm lịch).

Như vậy, ngày Tết Dương lịch, người lao động được nghỉ làm việc và người sử dụng lao động không được buộc người lao động đi làm vào ngày này.

Trường hợp người sử dụng lao động muốn người lao động đi làm ngày Tết Dương lịch thì phải có sự đồng ý của người lao động.

Đi làm ngày Tết Dương lịch người lao động được hưởng ít nhất bằng 300% lương, chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày (Theo điểm c khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012).

Buộc người lao động đi làm Tết Dương lịch bị xử lý thế nào?

Trường hợp người sử dụng lao động buộc người lao động đi làm vào ngày Tết Dương lịch mà không có sự đồng ý của người lao động là vi phạm pháp luật và  sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP chỉ rõ, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết thì bị phạt tiền theo các mức sau đây:

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng với vi phạm từ 01 – 10 người lao động;

– Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng với vi phạm từ 11 – 50 người lao động;

– Phạt tiền từ 03 – 07 triệu đồng với vi phạm từ 51 – 100 người lao động;

– Phạt tiền từ 07 – 10 triệu đồng với vi phạm từ 101 – 300 người lao động;

– Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên

Ban biên tập Diễn đàn Luật Việt Nam