Không có bữa ăn nào miễn phí. Kể cả một dịch vụ email được cho là “miễn phí” cũng đang kiếm tiền từ dữ liệu của bạn. Đó là lúc bạn nên cân nhắc một dịch vụ bảo mật hơn, ví dụ như sản phẩm mang tên Helm mà chúng tôi sắp giới thiệu dưới đây.

Quyền riêng tư của người dùng mạng đang trở thành đề tài “nóng hổi” gần đây, nhất là sau hàng loạt vụ bê bối đọc trộm, bán dữ liệu của các công ty lớn. Có một nhóm công ty đang nắm phần lớn quyền kiểm soát Internet bằng cách cung cấp các dịch vụ miễn phí trong khi thu thập dữ liệu người dùng.

Đứng trước vấn đề này, một nhóm kĩ sư quyết định rời bỏ công việc hiện tại của mình tại công ty bảo mật để nghiên cứu giải pháp bảo đảm quyền riêng tư. Sản phẩm của họ được ra mắt ba năm sau đó với tên gọi Helm. Đó là một máy chủ email riêng tư mà bạn có thể sử dụng để thay thế cho các dịch vụ đám mây miễn phí hiện nay như Gmail.

“Đại đa số mọi người ngày càng dành nhiều thời gian trên mạng – vốn là nơi chúng ta không có nhiều sự tin tưởng” – trích lời Giri Sreenivas, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Helm. “Tất cả dữ liệu và hành vi trực tuyến đó đều được thu thập để tạo điều kiện cho các bên có thể kiểm soát người dân về sau.”

Helm có khả năng lưu trữ email, thời khoá biểu và danh sách liên hệ cũng như có thể được sử dụng như một ứng dụng email thông thường trên máy tính hoặc điện thoại. Dữ liệu được sao lưu ngoại vi và mã hóa để chỉ người chủ mới có thể giải mã được. Với mô hình này, nếu bất kì ai muốn đọc email của bạn, họ sẽ cần phải có sự cho phép của bạn. Ứng dụng mất khoảng ba phút để thiết lập và có thể tự cập nhật để luôn bảo đảm sự an toàn.

Máy chủ của Helm được thiết kế để bảo vệ người dùng không chỉ từ sự giám sát của chính phủ mà còn từ các công ty khai thác dữ liệu khác. Theo Sreenivas, các địa chỉ email thường liên kết với các hoạt động trực tuyến của người dùng, từ ngân hàng đến hẹn hò qua mạng; do đó nếu bạn kiểm soát được email của chính mình, các công ty thứ ba không thể theo dõi được các hoạt động đó.

Lấy ví dụ, Google cam kết không đọc email người dùng, nhưng email của bạn vẫn được liên kết với những nội dung bạn xem trên YouTube – vốn là “cánh cổng” cho các dịch vụ quảng cáo. Các dịch vụ khác như Yahoo hay AOL còn có thể ghi nhận thông tin chỉ từ hoạt động gửi email thông thường.

“Nếu bạn không muốn dữ liệu của mình rơi vào tay các công ty quảng cáo, bạn phải gia tăng sự kiểm soát của mình”, trích lời Justin Cappos, một chuyên gia về an ninh mạng tại Đại học New York. Helm cung cấp hộp thư 120GB, và nếu có bất kì sự cố nào xảy ra, nó sẽ tự động chuyển sang một máy chủ khác.

Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải cân nhắc bài toán chi phí: 499USD cho việc sở hữu một tài khoản trên Helm, và 99USD phí duy trì sau khi sử dụng một năm – tất cả để đổi lấy một dịch vụ bảo đảm sự an toàn tuyệt đối cho dữ liệu của bạn.

Sreenivas nói rằng dịch vụ ban đầu sẽ hướng đến các kỹ sư và những người ưu tiên an ninh mạng, đồng thời tin tưởng vào độ rộng của thị trường. “Chúng tôi tin rằng khi hành động vi phạm quyền riêng tư ngày càng nhiều, người dùng sẽ ngày cảng cảnh giác và mong muốn một mức độ bảo mật cao hơn cho các thông tin cá nhân của mình.”

Câu chuyện quảng cáo cũng sẽ thay đổi một khi người dùng quyết định “dọn nhà” ra khỏi các dịch vụ miễn phí mà họ đang sử dụng, mà sự khác biệt lớn nhất đến từ sự chủ động từ chính người dùng. Bạn vẫn có thể trả lời một số câu hỏi cá nhân hay tương tác với quảng cáo khi lướt web, nhưng giờ đây, bạn có quyền lựa chọn thông tin nào bạn đồng ý chia sẻ.

“Đó có thể là câu chuyện của ba, năm hay mười năm nữa,” Sreenivas nói. “Nhưng tôi tin rằng những gì chúng tôi đang xây dựng sẽ đóng vai trò nền tảng để chúng ta đạt được tương lai đó.”

Hiệp (theo Fastcompany)