Các chuyên gia nhận định, Hatto ra đời vào thời điểm dịch bệnh nhạy cảm song lại nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng bởi lợi thế “thuần Việt” và mới mẻ.  

Trong một giờ đồng hồ thảo luận xung quanh chủ đề “Cơ hội cho startup về ẩm thực trong bối cảnh hậu dịch bệnh” chiều ngày 16/5 trực tiếp trên VnExpress, các chuyên gia đều đồng quan điểm Covid-19 không những không cản trở mà còn là đòn bẩy tốt giúp các startup về ẩm thực thu hút người dùng. Việc Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh và chuẩn bị mở cửa lại du lịch đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp sở hữu mô hình mới, trong đó có Hatto.

Ông Nguyễn Anh Nguyên, sáng lập kiêm Chủ tịch Hatto cho biết mạng xã hội ẩm thực Hatto ra đời tháng 1/2020, đúng thời điểm Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc khiến đội ngũ vận hành có phần lo lắng. Tuy nhiên tốc độ lan toả của Hatto đến cộng đồng mạng nhanh cho thấy dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều.

Ông Nguyễn Anh Nguyên, sáng lập kiêm Chủ tịch Hatto tại sự kiện.

Ông Nguyễn Anh Nguyên, sáng lập kiêm Chủ tịch Hatto tại sự kiện. Ảnh: An Bình

“Hatto là một thế giới riêng, chỉ có ẩm thực, mang đặc điểm của hệ sinh thái gồm mạng xã hội, nền tảng chia sẻ thông tin và ứng dụng đặt món nên dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn. Dịch bệnh khiến họ ở nhà, ít ra hàng quán thì Hatto đáp ứng nhu cầu tìm món ăn và đặt món dễ dàng”, ông Nguyên nói.

Khi bắt tay khởi nghiệp, ông Nguyên nói muốn tạo ra một nơi để mọi người chia sẻ về chuyện ăn uống, dành cho người sành ăn. Tuy nhiên trong một thế giới của vô vàn những mạng xã hội ra đời mỗi ngày thì Hatto phải đi tìm những dấu ấn riêng, làm sao giữ chân người dùng.

“Hatto có tính tự nhiên, ở chỗ là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đi tìm người ăn, người bán và món ăn. Khi khách hàng chọn một món thì AI tự động tìm kiếm những món ăn tương tự giống như mô hình của Amazon”, ông Nguyễn Anh Nguyên chia sẻ ở phần đầu toạ đàm.

Ở góc độ người làm chuyên môn về ẩm thực, ông Nguyễn Thường Quân – Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam đánh giá ranh giới giữa ẩm thực giữa các quốc gia dần bị xoá bỏ. Những thuật ngữ như nem, chả của Việt Nam bây giờ đã đi vào thực đơn của nhiều nhà hàng phương Tây. Khi có một phương thức để thúc đẩy giá trị ẩm thực Việt như mạng xã hội người Việt nên ủng hộ. Đây còn là cách góp phần phát huy những tinh hoa ẩm thực Việt.

Ông Nguyễn Thường Quân - Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam.

Ông Nguyễn Thường Quân – Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam. Ảnh: An Bình

“Lần đầu sử dụng Hatto là tôi đăng tải công thức món phở Hà Nội. Lúc đó tôi chợt nhận ra đây có thể là nơi mình chia sẻ rộng rãi công thức các món ăn nổi tiếng của Việt Nam. Có rất nhiều người đã tương tác với bài đăng đó, hỏi xin thêm các công thức khác”, ông Quân nói.

Có cơ hội tiếp cận với nhiều mạng xã hội và những người làm công nghệ, ông Trần Hoàng Giang, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ AkaChain tại FPT Software đánh giá cao Hatto ở khía cạnh ứng dụng AI. Hiện nay nhiều nền tảng đang sử dụng AI nhưng chủ yếu làm nhiệm vụ bảo mật thông tin, hạn chế những nội dung tiêu cực. AI trong Hatto khai thác tốt khía cạnh đánh giá hành vi người dùng. Dựa trên nhu cầu tìm kiếm mỗi lần, Hatto tự động giới thiệu những món ăn, nhà hàng liên quan để người dùng có thêm lựa chọn.

“Mạng xã hội càng thông minh càng hấp dẫn người dùng. Hiện nay người dùng trẻ thường sử dụng khá nhiều mạng xã hội khác nhau. Hatto tạo được sự tươi mới và hiểu ý khách hàng sẽ là ưu điểm”, ông Trần Hoàng Giang nói.

Ông Trần Hoàng Giang.

Ông Trần Hoàng Giang. Ảnh: An Bình

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cả 3 khách mời đồng ý rằng nhu cầu ăn uống của người dẫn đã thay đổi. Giữa thời điểm cách ly xã hội, nhà hàng, quán xã đóng cửa thì giao đồ ăn trực tuyến trở thành cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp F&B. Một mạng xã hội ẩm thực cũng đem lại nhiều lựa chọn như đi đâu, ăn gì hiện nay là cần thiết.

Cùng Hatto trải qua thời gian khó khăn khi Covid-19 bùng nổ, ông Nguyễn Anh Nguyên nhận ra những doanh nghiệp càng lớn thì sụp đổ càng nhanh. Không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực để duy trì sự tồn tại suốt nhiều tháng trời. Bên cạnh đó, những nền tảng trung gian cung cấp dịch đặt món, giao hàng đang chiếm một phần lớn chi phí, lên đến 20 hay 30%.

Các khách mời trò chuyện tại toạ đàm. Ảnh: An Bình

Các khách mời trò chuyện tại toạ đàm. Ảnh: An Bình

“Chúng tôi quyết định là trước mắt Hatto là mạng xã hội miễn phí, chúng tôi sẽ không lấy một đồng của ai để mọi người đều có cơ hội thể hiện mình là người sành ăn. Nhà hàng, quán ăn có thêm một đất diễn, tìm kiếm khách hàng”, ông nói.

Theo ông nguyên, hiện Hatto có hơn 1.000 nhà hàng tham gia, chưa kể người dùng tìm kiếm món ăn, hoặc nguyên liệu. Từ nay đến 2021 sẽ là thời gian phát triển và điều chỉnh của Hatto. Hatto đang chuẩn bị cho ra mắt phiên bản tiếng Anh, Hàn và Nhật để đón nguồn khách du lịch từ những thị trường tiềm năng trên.

Với những nhà hàng đặt vấn đề hợp tác trên Hatto đều nhận được hỗ trợ. Hatto dành ra 100 lần quảng cáo miễn phí giúp đối tác thử nghiệm các phương thức tiếp cận khách hàng tốt nhất.

Thành Dương

Nguồn