Lập trình viên blockchain: ngành hot được săn tìm nhất 2019
Theo báo cáo về thị trường tuyển dụng và lao động của VietnamWorks, đứng đầu danh sách top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 bao gồm tài chính/đầu tư – bán hàng – hành chính/thư ký – kế toán.
Tiếp đó mới là IT/phần mềm – marketing – chăm sóc khách hàng – kiểm toán – internet/online media và xây dựng.
Blockchain tăng 140%
Như vậy ngành tài chính, bán hàng, hành chính/thư ký vẫn đang đứng đầu xu hướng tuyển dụng.
Tuy nhiên, nhiều ngành sẽ xuất hiện khả năng sẽ dư thừa nguồn nhân lực trong tương lai gần khi dự đoán các ngành nghề này sẽ giảm sút về nhu cầu tuyển dụng như: bán sỉ/bán lẻ; hoạch định/dự án; thu mua/vật tư/cung vận; quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại.
Các ngành này không nằm trong danh sách top 10 các ngành tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng, nhưng lại trong danh sách top 10 ngành nghề có nguồn lao động tăng trưởng mạnh nhất.
Theo thống kê trên trang tuyển dụng online của VietnamWorks, một số công việc mới đang là xu hướng, mới xuất hiện gần đây như lập trình viên blockchain có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ.
So với cùng kỳ năm 2017 với năm 2018, nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến blockchain đã tăng trưởng đến 140%.
Bà Nguyễn Phương Mai – giám đốc điều hành của Navigos Search, công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao, thuộc tập đoàn Navigos Group Việt Nam – cho biết theo thực tế làm việc với khách hàng trong mảng này của Navigos Search, hiện nay thị trường lao động rất thiếu các nhân sự có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực blockchain.
Do vậy, các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển các kỹ sư công nghệ thông tin nói chung. Họ thường được dành cho 3 tháng để nghiên cứu về công nghệ này trước khi được thực hiện phát triển sản phẩm thực tế.
Mặc dù đội ngũ kỹ sư của Việt Nam còn trẻ và có nhiều hứng thú với công nghệ mới, họ vẫn còn tương đối e dè khi quyết định chuyển sang lĩnh vực này để làm việc.
Trong khi đó, do tuyển rất khó kỹ sư IT Việt, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này phải tuyển các chuyên gia từ nước ngoài (chủ yếu ứng viên đến từ Nga, Ukraine và Mỹ), mặc dù mức lương trả cho ứng viên người Việt và người nước ngoài tương đương nhau (khoảng từ 2.000 USD/tháng đến 3.000 USD/tháng).
Thiếu nhân lực công nghệ cao
Cũng theo bà Nguyễn Phương Mai, trong bối cảnh chuyển đổi sang ngành công nghiệp 4.0, không chỉ ngành công nghệ thông tin mà ngành sản xuất cũng xuất hiện dấu hiệu khan hiếm nhân lực để phục vụ cho cuộc cách mạnh chuyển đổi này.
Đáng kể đến như xuất hiện nhiều vị trí công việc trí liên quan đến công nghệ cao như: kỹ sư phục vụ cho việc chuyển đổi sang tự động hóa, hoặc kỹ sư có kỹ năng áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain vào dịch vụ của doanh nghiệp, hoặc vào những hoạt động vận hành của công ty.
Tuy nhiên, những ngành nghề mới này trước đây vẫn chưa được đào tạo chính quy và bài bản tại Việt Nam, dẫn đến khan hiếm nhân tài về số lượng lẫn chất lượng trong những lĩnh vực này tại Việt Nam.
Về ngắn hạn, các doanh nghiệp hầu như phải chấp nhận tuyển dụng các ứng viên từ nước ngoài đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, hoặc điều chuyển nhân sự cấp cao từ vùng về để làm việc tại Việt Nam.
Về dài hạn, các doanh nghiệp hiện nay đã liên kết với các cơ sở giáo dục nhằm đào tạo lực lượng nhân sự trẻ đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng.
Đồng thời, các doanh nghiệp hiện nay cũng chấp nhận tuyển các nhân sự chưa có kinh nghiệm trong những mảng công nghệ mới để đào tạo bằng các hình thức như đưa sang nước ngoài học, hoặc thuê chuyên gia từ nước ngoài về để đào tạo cho đội ngũ nhân viên.
Vũ Thủy – Báo Tuổi trẻ