Làm thế nào để xây dựng startup “Uber vận tải” trị giá hơn 2 triệu đô?
Mặc dù có công việc tốt, lương cao tại Tập đoàn Goldman Sachs (London), cô nàng du học sinh 9x Phạm Khánh Linh vẫn quyết định bỏ việc về Việt Nam khởi nghiệp với mô hình “Uber vận tải” Logivan. Mới đây, startup này đã nhận được 1,75 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ 3 quỹ ngoại Ethos Partners, Insignia Venture Partners và VinaCapital Ventures.
Năm 2017, cô gái nhỏ Phạm Khánh Linh khi đó đang làm việc trong nhà máy sản xuất máy tính HP. Trong thời gian làm việc ở đây, Linh nhận thấy xe tải của nhà máy đi chiều về 100% trong tình trạng rỗng hàng, từ đó, một ý tưởng khởi nghiệp về logistics đã nảy ra.
Phạm Khánh Linh – Sáng lập, “CEO của Uber vận tải” Logivan
Tìm hiểu sâu hơn về thị trường, Linh nhận thấy, ngành vận tải hàng hóa bằng xe tải tại Việt Nam có trị giá tới 23 tỷ USD/năm, trung bình tăng trưởng 14% mỗi năm, nhưng 90% doanh nghiệp vận tải đều là những doanh nghiệp nhỏ, có ít hơn 5 chiếc xe tải. Trong khi đó, 70% xe tải chạy chiều về không chở hàng. Đây là lãng phí lớn khiến chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 23% GDP, cao hơn nhiều so với Singapore (8%), Trung Quốc (15%)…
Để ý tưởng khởi nghiệp có cơ sở chính xác hơn, Linh đã khảo sát các công ty vận tải. Với các tuyến ngắn, lượng xe tải rỗng chiều về lên tới 90%. Với các tuyến xa hơn, việc các bác tài tìm được hàng chiều về cũng rất khó khăn, có khi phải chờ tới hai tuần mới có hàng để về. Sau quá trình tìm hiểu, ý tưởng khởi nghiệp bắt đầu được Linh thực hiện.
“Bằng cách đi đến biên giới Việt Nam – Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán, tôi đã bắt gặp cảnh hàng trăm xe tải bị kẹt kéo dài 10 km. Khi đó, tôi đã có cơ hội để hỏi về cuộc sống và công việc của các tài xế. Thông qua câu chuyện thực tế của họ giúp tôi tinh chỉnh sản phẩm đáp ứng nhu cầu”, Linh cho biết.
Cùng với việc khảo sát thực tế, Linh Phạm cũng gặp nhiều chuyên gia trong ngành vận tải để tham vấn ý kiến và họ cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng của ý tưởng. Cô tìm hiểu những mô hình tương tự, nhưng đã sụp đổ để xác định những nguyên nhân khiến họ thất bại. Cuối cùng, cô tìm hiểu thực tế trên thế giới và nhận thấy nhiều mô hình như vậy đã thành công ở Brazil, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Tới lúc ấy, Linh mới cảm thấy có đủ căn cứ để khởi nghiệp.
Tháng 9/2017, Linh và đội ngũ đã cho ra đời ứng dụng công nghệ Logivan, giúp doanh nghiệp tìm kiếm và quản lý xe tải online. Nền tảng còn kết nối mạng lưới hàng ngàn xe tải tin cậy, giúp đáp ứng nhu cầu xe mọi lúc, mọi nơi với giá cạnh tranh.
Logivan tập trung vào phân khúc first & middle mile delivery, là các bước trên cùng của chuỗi cung ứng, khi mà hàng hoá được luân chuyển giữa các nhà sản xuất, phân phối tới nhà bán lẻ. Vì vậy, mô hình của Logivan là B2B (Business to Business) và khách hàng của LOGIVAN là các công ty.
Chỉ sau 4 tháng kể từ lần mua tên miền đầu tiên, Logivan đã nhận được khoản đầu tư 600.000 USD hạt giống từ quỹ đầu tư Insignia Ventures Partners đặt tại Singapore. Vào tháng 11/2017, công ty đã chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp UberEXCHANGE, giành tấm vé đến thung lũng Silicon gặp các chuyên gia, nhà cố vấn cấp cao cùng các quỹ đầu tư uy tín.
Nhờ những tư vấn về công nghệ của những nhà công nghệ xuất sắc nhất Thung lũng Silicon, Linh có thêm những hiểu biết về thách thức của cả hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, từ đó đúc kết nên những chiến lược và kế hoạch phát triển riêng biệt cho Logivan tại Việt Nam và Đông Nam Á.
May mắn khi được tiếp xúc, học hỏi từ các chuyên gia thế giới, nhận được sự cố vấn trực tiếp từ Tổng giám đốc công nghệ toàn cầu UBER Thuận Phạm – một doanh nhân gốc Việt thành công tại Thung lũng Silicon, cùng với sản phẩm đúng thời điểm, đúng thị trường là những thuận lợi ban đầu cho Logivan. Nhưng trong quá trình phát triển, cũng như những công ty khởi nghiệp khác, Logivan đã gặp khó khăn không nhỏ trong việc tuyển dụng.
“Khi tuyển dụng, Logivan gặp những thành viên phù hợp về chuyên môn, nhưng không có cùng đam mê và lý tưởng. Cũng có những thành viên chưa thực sự phù hợp về chuyên môn nhưng lại rất thích khởi nghiệp về ngành này cùng Logivan”, CEO Linh Phạm cho biết.
Vượt qua các trở ngại ban đầu, hiện Logivan đã có 2 trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM, liên kết hơn 12.000 tài xế xe tải ở miền Bắc và miền Nam, cùng nhiều đối tác lâu dài.
Tháng 8/2018, vông ty vừa gọi thành công 1,75 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ 3 quỹ ngoại Ethos Partners, Insignia Venture Partners và VinaCapital Ventures.
Đại diện quỹ đầu tư, ông Kuok Meng Xiong, Giám đốc điều hành quỹ Ethos Partners cho biết, Logivan đang ở một vị trí đặc biệt và sẵn sàng tạo đột phá cho ngành công nghiệp vận tải Việt Nam.
“Chúng tôi thấy những đặc điểm rất giống nhau khiến các nền tảng khác thành công: thị trường phân mảnh ở cả hai bên cung và cầu, tỷ lệ sở hữu xe và công suất dư thừa cao trong hệ thống. Chúng tôi tin rằng Logivan hưởng lợi từ phương pháp thực hành của Ethos đối với các công ty của quỹ”, ông Kuok Meng Xiong đánh giá.
Tiếp nhận những ý kiến của đối tác để hoàn thiện và phát triển sản phẩm, Linh Phạm cho biết, với số vốn 1,75 triệu đô này, Logivan sẽ tiếp tục mang đến cho doanh nghiệp những dịch vụ chất lượng và uy tín nhất. Công ty sẽ mở rộng dịch vụ tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng; đồng thời nâng cấp các sản phẩm để phục vụ các công ty logistics lớn và tạo sự minh bạch trong việc theo dõi và quản lý xe tải. Logivan đặt mục tiêu sẽ giảm 20% lượng xe tải rỗng vào năm 2020.
Cùng với sự phát triển của Logivan, nữ CEO 9x cũng kỳ vọng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sẽ có thêm những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư cho các start-up giai đoạn hạt giống (seed) và series A nhiều hơn. Các mạng lưới khởi nghiệp cũng cần có những chương trình thực sự phát triển được kỹ năng của start-up, từ kỹ năng nghiên cứu, phát triển thị trường, cho đến kỹ năng gọi vốn, pitching (giới thiệu start-up để kêu gọi vốn đầu tư), kỹ năng tuyển dụng nhân sự vào đúng thời điểm.
Oanh Phạm