Chọn khởi nghiệp với món cơm tấm, Trần Lê Tuấn Anh (sinh năm 1992, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) vừa được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh trao vốn khởi nghiệp 50 triệu đồng. Đây là động lực để chàng thanh niên trẻ vững bước trên con đường khởi nghiệp.

Chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp cùng món cơm tấm quen thuộc trên quê hương Long Xuyên, Tuấn Anh cho biết mình lớn lên từ nghề bán cơm tấm của mẹ. Với kinh nghiệm bán cơm tấm lâu năm của mẹ, anh được “truyền nghề” không ít. Song, trước khi gắn bó với nghề, Tuấn Anh là thợ trang điểm tự do.

Đợt cao điểm dịch COVID-19, nghề trang điểm cũng như nhiều nghề khác gặp khó khăn. Rồi, ý định bán cơm tấm được Tuấn Anh nghĩ ra và triển khai với sự ủng hộ của mẹ. Năm 2021, Tuấn Anh mở bán cơm tấm, dưới hình thức online, thông qua các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo…

Những thực khách ban đầu là bạn bè, người thân. Rất nhanh, thông qua mạng xã hội, cơm tấm Long Xuyên của chàng thanh niên trẻ được nhiều khách hàng biết đến. Ban đầu chỉ là dùng thử và nhiều khách hàng trở thành “mối” thân thiết.

Điểm đặc biệt, cơm tấm Tuấn Anh được đựng trong hộp giấy, dùng muỗng gỗ, hoàn toàn không dùng đến vật dụng nhựa. Ý tưởng này được Tuấn Anh chia sẻ, vì muốn góp phần bảo vệ môi trường, giảm tác hại của rác thải nhựa ra môi trường.

Đồng thời, góp phần bảo vệ sức khỏe thực khách. Theo đó, từ hộp giấy đến muỗng ăn, Tuấn Anh đều đặt hàng của công ty và có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.

Tuấn Anh dành nhiều tâm huyết cho việc dùng hộp giấy đựng cơm tấm thay vì hộp xốp.

Là khách phương xa, dừng chân ở quán cơm tấm Long Xuyên, thực khách sẽ hiểu được vì sao món ăn này mang hương vị đặc sắc riêng không thể trộn lẫn, đồng thời gắn liền với địa danh nổi tiếng của du lịch An Giang.

Theo Tuấn Anh, đây là món ăn quen mà lạ với nhiều thực khách. Bởi, cơm tấm thì ở đâu cũng có, nhưng độc đáo nằm ở nguyên liệu, cách chế biến và trình bày của món ăn. Cơm tấm Long Xuyên thường dùng loại tấm nhuyễn. Khi chín, hạt gạo nở vừa phải, đảm bảo đủ nhuyễn, thơm nhưng không bị quá khô.

Thưởng thức, sẽ cảm nhận được trọn vẹn vị thơm ngọt, bùi bùi của hạt gạo quê hương. Đặc biệt, nói đến cơm tấm Long Xuyên phải nhắc đến thịt khìa. Dĩa cơm tấm Long Xuyên chính hiệu, gồm: Thịt khìa, trứng khìa, bì, dưa chua. Nguyên liệu đơn giản nhưng sự cầu kỳ trong cách chế biến đã làm nên thương hiệu cho món ăn cơm tấm Long Xuyên.

“Thịt sau khi sơ chế, được khìa với lửa liu riu. Để miếng thịt thơm ngon, tôi chọn khìa hoàn toàn với nước dừa, thịt sẽ lên màu vàng tự nhiên hơn. Trứng sau khi luộc cũng được khìa với nước khìa thịt và để lửa nhỏ đến khi cạn nước, trứng chuyển màu cánh gián thì tắt bếp.

Trứng khìa và thịt đều được cắt nhỏ và sắp đều trên mặt dĩa cơm, thêm chút dưa chua và mỡ hành trở nên món ăn khó cưỡng. Một dĩa cơm tấm Long Xuyên hoàn chỉnh cần đến nước mắm chua ngọt đậm vị.

Điểm khác biệt rõ nhất ở cơm tấm Long Xuyên nằm ở độ sánh kẹo của nước mắm ăn cùng. Chính vì có hương vị đậm hơn và sánh hơn mà khi ăn, thực khách chỉ cần chan một lượng nhỏ vào cơm đã cảm thấy vừa miệng” – Tuấn Anh hào hứng nói về sức hút của món ăn.

Những người lần đầu đặt cơm tấm Long Xuyên online của Tuấn Anh đều rất bỡ ngỡ vì cách người bán trang trí, trình bày hộp giấy rất bắt mắt. Hộp đựng cơm bằng giấy, nhưng kiểu dán bên ngoài hao hao một chiếc bìa thư, được gói cẩn thận bằng sợi dây nhỏ xinh. Theo Tuấn Anh, chọn kểu dáng hộp đựng cơm như bìa thư nhằm thể hiện sự trân trọng với khách hàng.

“Tôi mong muốn, mỗi thực khách khi nhận được hộp cơm đều cảm nhận được tình cảm và tâm huyết của mình. Qua đó, mong muốn thực khách đặt sự lựa chọn ưu ái nhất dành cho mình, mỗi khi muốn ăn cơm tấm Long Xuyên” – Tuấn Anh bày tỏ.

Mỗi ngày, Tuấn Anh bán được từ 30 – 60 hộp cơm tấm qua hàng online. Khách hàng chủ yếu là giới văn phòng. Mỗi phần cơm tấm Long Xuyên, Tuấn Anh bán có giá 25.000 đồng. Trừ hết chi phí, Tuấn Anh còn lợi nhuận khoảng 400.000 đồng/ngày.

Với giá bán này, so thị trường hiện tại là không cao vì việc đầu tư hộp giấy, muỗng gỗ tốn không ít chi phí. “Tôi dự định thuê mặt bằng vừa đủ để phục vụ cơm tấm Long Xuyên tại chỗ và bán mang đi, đồng thời duy trì, mở rộng kênh bán hàng online để tăng doanh thu” – Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang Trương Thanh Thúy cho biết: “Mô hình kinh doanh ăn uống “Cơm tấm Anh” được trung tâm đánh giá rất thiết thực, vừa góp phần tăng doanh thu, nâng cao thu nhập cho thanh niên có khát vọng khởi nghiệp chính đáng, vừa bảo vệ môi trường. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá món ăn đặc sản của địa phương”.

Song Minh – Báo An Giang