Ấn Độ luôn tự hào với hệ sinh thái sinh khởi nghiệp lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Anh quốc. Thế nhưng với những kỹ sư ở đất nước này, đây không hề là môi trường làm việc họ mong đợi.

Theo báo cáo việc làm của Aspiring Minds – một hãng đánh giá tuyển dụng tại Mumbai – có không đến 10% kỹ sư Ấn Độ mong muốn làm việc ở các startup. Báo cáo này được lấy dữ liệu từ cuộc khảo sát hơn 170.000 kỹ sư tốt nghiệp năm 2018 ở hơn 750 trường đại học, cao đẳng tại Ấn Độ.

Lý giải nguyên nhân của khảo sát này, Sumit Kumar – phó chủ tịch Đại học TeamLease Skills (Gujarat) – chia sẻ rằng các tập đoàn lớn thường có sức thu hút hơn bởi giá trị thương hiệu và những danh mục dự án. Chính vì vậy, các sinh viên, cử nhân thường đấu tranh để được vào những nơi như vậy.

Còn theo Neha Kaul, chủ nhiệm thương hiệu và phát triển quảng cáo của trang thông tin tuyển dụng Shine.com, ở các tập đoàn, công ty lớn, công việc được xác định rõ ràng, nhân viên thường được hưởng mức lương và các khoản trợ cấp cao hơn.

Mặc dù các công ty khởi nghiệp Ấn Độ thường đặc biệt đưa ra những mức lương rất cạnh tranh trong những năm gần đây, tuy nhiên xu hướng này chỉ nhắm đến những cá nhân tài giỏi nhiều kinh nghiệm. Với những nhân viên mới, mức lương mà các công ty này đưa ra thường không cao.

Chính vì vậy, gần hai phần ba kỹ sư Ấn Độ muốn làm việc ở các tập đoàn lớn, trong khi đa số phần còn lại thường tìm kiếm cơ hội ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xu hướng này giống nhau ở tất cả chuyên ngành kỹ sư, bất kể giới tính hay loại hình trường cao đẳng – đại học.

Hầu hết những sinh viên kỹ thuật ở Ấn Độ đều không có kinh nghiệm thực tế lúc tốt nghiệp. Trong khi đó, startup là môi trường đòi hỏi người làm cần học hỏi kỹ năng nhanh chóng và có thể đảm đương nhiều vai trò cùng một lúc.

Vidhya Shankar – giám đốc điều hành công ty tư vấn Grant Thornton – chia sẻ: “Chỉ những cá nhân nổi trội, tự tin, có thể học tập nhanh chóng mới có thể tồn tại trong thế giới khởi nghiệp. Đây không phải là nơi người ta tập cho bạn từng đường đi nước bước.”

Không chỉ vậy, nền khởi nghiệp ở Ấn Độ hiện nay không bền vững, với 9/10 công ty bị thất bại trong năm năm đầu. Yugal Joshi – phó chủ tịch Tập đoàn Everest – nhận định:

“Khi giá trị bị thổi phồng của các startup dần đi xuống, khi những doanh nghiệp có thể tồn tại được dần sáng tỏ hơn – đặc biệt trong lĩnh vực B2C, và khi các công ty B2B có sức hút hơn, thì lúc ấy có lẽ các kỹ sư sẽ mong muốn làm việc ở các startup.”

Trên thực tế, ranh giới giữa các công ty lớn và nhỏ đang dần mờ đi khi công nghệ kỹ thuật số bắt đầu tham gia cuộc chơi. Khi ấy, những công ty lớn hơn sẽ phải sớm điều chỉnh công việc để bắt kịp thời đại.

Điều đó có nghĩa họ sẽ phải tuyển dụng những cá nhân có khả năng đa nhiệm, có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm khác ngoài vai trò nguyên thủy ban đầu mà họ ứng tuyển.

Hải Vy (Theo Quartz)