Hai chàng kỹ sư công nghệ bỏ việc chế tạo robot tuần tra văn phòng
Travis Deyle và Erik Schluntz rời các công ty hàng đầu, gọi được 13 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên cho công ty sản xuất robot an ninh.
Travis Deyle (CEO) và Erik Schluntz (CTO) là hai nhà đồng sáng lập Cobal, công ty cung cấp robot an ninh có thể tuần tra văn phòng, phát hiện những kẻ xâm nhập và cảnh báo cho cơ quan chức năng trong trường hợp xảy ra sự cố.
Travis và Erik từng là kỹ sư làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Travis là người đã nghiên cứu, phát triển kính áp tròng thông minh tại GoogleX, trong khi đó Erik làm việc tại công ty sản xuất xe điện SpaceX của tỷ phú công nghệ Elon Musk.
Rời GoogleX, Travis muốn xây dựng một công ty phần mềm để giảm các chi phí sản xuất phần cứng. Nhưng anh lại có niềm đam mê với robot, từng học và nhận bằng tiến sĩ về robot y tế vào năm 2011 của Đại học Georgia Tech. Travis đã dành nhiều thời gian phát triển một số robot di động đầu tiên có khả năng hoạt động trong nhà và được kích hoạt bởi các thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) tầm xa nhờ công nghệ internet (IOT). Anh từng nghiên cứu và cho ra đời các loại robot có thể phân phối thuốc trong bệnh viện, giúp người lớn tuổi và những người bị suy giảm vận động.
Sau khi Travis gặp Erik – kỹ sư công nghệ có đam mê kinh doanh, cả hai đã cùng lên kế hoạch thành lập công ty Cobalt chuyên sản xuất robot phục vụ đời sống vào năm 2016.
Travis nhớ lại: “Chúng tôi cùng chung ý tưởng là để máy móc làm thay con người một số việc và mọi người có thể dành thời gian tập trung vào thứ họ giỏi nhất”.
Trước khi thành lập Cobalt, Travis và Erik dành nhiều tháng tham khảo ý kiến của các kỹ sư công nghệ khác và khảo sát nhu cầu người dùng. Cuối cùng, cả hai tìm thấy nhu cầu về robot thay thế các nhân viên bảo vệ, giúp công ty tiết kiệm được chi phí đáng kể.
Theo báo cáo của tờ Grand View Research, thị trường ngành an ninh toàn cầu ước tính đạt 67,89 tỷ USD trong năm 2016 và dự kiến đạt 126,56 tỷ USD năm 2022. Đây là một trong những ngành phát triển mạnh trong tương lai bởi nhu cầu ngày càng cao. Cobalt đã đi đầu trong ngành an ninh tự động hóa và nhanh chóng gây được tiếng vang trong cộng đồng startup tại thung lũng Silicon.
Phiên bản đầu tiên của robot Cobalt có các cảm biến được gắn vào một thùng gallon. Tuy nhiên chưa hài lòng với phiên bản này, Travis và Erik tiếp tục cải tiến các chip cảm biến thông minh và thiết kế đẹp mắt hơn. Phiên bản robot Cobalt hiện nay có màu xanh nhạt gồm 60 cảm biến, một máy ảnh tầm nhiệt và một máy dò carbon monoxide.
Không vội vã tiếp thị sản phẩm, Travis và Erik thử nghiệm các robot an ninh tại một bệnh viện ở San Francisco. Thành công của phiên bản thử nghiệm giúp Cobalt ký được nhiều hợp đồng với khách hàng trước khi công ty tung sản phẩm ra thị trường.
Travis chia sẻ: “Mô hình kinh doanh của Cobalt rất logic. Chúng tôi không tạo bước nhảy vọt trong kinh doanh như các startup công nghệ khác mà tính toán kỹ lưỡng 99% mô hình kinh doanh trước khi chào bán sản phẩm”.
13 triệu USD cho lần gọi vốn đầu tiên
Năm 2017, nhận thấy tiềm năng phát triển lớn của công ty và cần thêm sự hỗ trợ về tài chính, thương mại từ các nhà đầu tư, Travis Deyle và Erik Schluntz quyết định gọi vốn. Cả hai chỉ mất một đêm chuẩn bị hồ sơ để thuyết phục các nhà đầu tư.
“Mọi thứ diễn ra quá nhanh và chúng tôi không chuẩn bị gì nhiều cho vòng gọi vốn”, Travis Deyle nói.
Thực tế ngay khi thành lập công ty, hai nhà đồng sáng lập Travis và Erik đã đặt ra hai mục tiêu: Một là sản phẩm phải có tính ứng dụng rộng rãi, hai là khách hàng được lợi gì khi sử dụng nó và robot Cobalt phải đáp ứng được hai tiêu chí trên. Điều này đã gây ấn tượng mạnh đối với các nhà đầu tư. Họ nhìn thấy một tương lai rõ ràng khi quyết định đầu tư vào Cobalt và đồng ý rót đến 13 triệu USD ngay trong lần huy động vốn đầu tiên.
Tính đến đầu năm nay, công ty Cobalt đã nhận được tổng cộng 16,5 triệu USD vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital, Storm Ventures và Founders Fund. Hiện tại, robot Cobalt đã có mặt ở nhiều văn phòng, nhà kho và nhà máy ở Mỹ.
Bên cạnh đó, để nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của khách hàng, công ty Cobalt xây dựng hệ thống bảo trì ở mọi thành phố có khách hàng và sẵn sàng thay thế robot dự phòng nếu gặp sự cố.
Chia sẻ về bí quyết thành công trong thời gian ngắn, Travis nói: “Thế giới thực là thách thức lớn nhất, vì vậy muốn thành công hãy đưa các sản phẩm ra khỏi phòng thí nghiệm và dấn thân vào môi trường thực”.
Sơn Nam – Ngoisao.net