Tốt nghiệp Học viện hành chính quốc gia TPHCM nhưng vì mê sen, chàng trai “xứ nẫu” quyết định trồng hồ sen ở quê nhà để khởi nghiệp.

Hương sen ngấm vào máu

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Học viện hành chính quốc gia TPHCM, anh Nguyễn Xong (30 tuổi, ở phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như làm nhân viên Ban quản lý dự án phát triển quỹ đất thị xã, chủ thầu xây dựng nhà ở dân dụng…

Công việc nào cũng khá “thuận buồm xuôi gió” nhưng anh lại không chọn gắn bó lâu dài. Lý do, từ thuở ấu thơ, hình ảnh và hương thơm của hoa sen như ngấm vào máu thịt, nên anh quyết định chọn cây sen quê nhà để khởi nghiệp.

Một góc hồ sen của anh Xong.

Tiếp chúng tôi trong một ki ốt xinh xắn được thiết kế nổi bềnh bồng giữa hồ nước, ken dày hàng nghìn đóa sen hồng rực rỡ, thơm ngát, anh Xong chia sẻ: “Trước đây, hồ sen này là “đặc ân” thiên nhiên ban tặng cho người dân Hoài Thanh nói chung và Lâm Trúc nói riêng. Hồ có diện tích hơn 10ha, nằm giữa khu dân cư, rất thuận lợi để phát triển vào mục đích kinh doanh dịch vụ ngoạn cảnh, thư giãn. Tuy nhiên, do gần như bị bỏ hoang nên hồ khá nhếch nhác, môi trường ô nhiễm là nguyên nhân khiến sen tự nhiên ở hồ tàn lụi dần”.

Nhìn hồ sen quê nhà mãi bỏ hoang, lãng phí, anh Xong quyết tâm thực hiện khát vọng khởi nghiệp của mình, dù bản thân cũng khá lo lắng vì thấy diện tích rất lớn và có cả núi công việc phải làm. Thế rồi, được sự ủng hộ của gia đình, anh Xong nghiên cứu thực tế nhiều mô hình trồng sen làm dịch vụ tham quan du lịch ở một số tỉnh, thành trong cả nước, đối chiếu với đặc điểm, điều kiện của mình rồi lập dự án khởi nghiệp.

Anh Xong giới thiệu các sản được làm từ sen.

Anh Xong kể: “Năm 2019, sau khi được nhận khoán hồ sen Lâm Trúc chu kỳ 5 năm với tổng kinh phí thuê 55 triệu đồng, tôi đầu tư gần 100 triệu đồng trồng thêm sen, cải tạo mặt hồ, cảnh quang môi trường xung quanh. Khởi đầu công việc không khi nào là dễ dàng, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc vì nhiều yếu tố như sen bị cháy lá do thời tiết, ốc bươu vàng phá hoại, thiếu vốn, thiếu nhân lực…”.

Kết hợp phát triển du lịch sinh thái

Sau 3 năm gây dựng, hồ sen 10ha của anh Xong đã được phủ kín, tươi mới sắc lá, sắc hoa. Riêng khai thác hạt sen tươi, trung bình mỗi năm hồ cho thu hoạch trên 7 tấn, giá thị trường khoảng 180 triệu đồng cùng các sản phẩm phụ như: tim sen, hoa sen…

Mô hình du lịch hồ sen sinh thái là mô hình đầu tiên ở thị xã Hoài Nhơn.

“Vụ thu hoạch đầu tiên, tôi bán thô toàn bộ cho thương lái để trả dứt điểm tiền thuê khoán hồ, mướn nhân công, mua sen giống. Vẫn biết nếu chế biến để bán sản phẩm tinh chế, thu nhập sẽ gấp đôi nhưng như vậy cần có nhiều thời gian. Bù lại, sau khi thanh toán hết tất cả các khoản, tôi thấy thong thả, thoải mái hẳn. Đến giờ thì có thể khẳng định đó là quyết định đúng”, anh Xong chia sẻ thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Tần, Trưởng khu phố Lâm Trúc 2, phường Hoài Thanh, hồ sen này được phường giao cho khu phố quản lý. Năm 2012, để tạo nguồn thu cho các hội đoàn thể cơ sở có kinh phí hoạt động, Chi bộ và UBND khu phố thống nhất giao lại cho chi hội người cao tuổi khai thác nhưng không mang lại hiệu quả.

Mô hình của anh Xong được nhiều người tham quan đánh giá rất cao.

“Từ ngày giao khoán cho anh Xong, mọi việc tốt hơn hẳn. Anh ấy quản lý và khai thác tốt, tạo được nhiều việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, thu hút khách tham quan tìm về đây, gia đình anh ấy phát triển kinh tế, nhà nước cũng có thêm nguồn thu”, ông Tần cho hay.

Từ việc tiêu thụ các sản phẩm từ sen theo hình thức nhỏ lẻ, đến năm 2020, anh Xong đầu tư lắp đặt một số máy móc như máy xay bột, máy sấy, máy hút chân không để nâng cao chất lượng các sản phẩm từ sen và càng được khách hàng tín nhiệm. Hiện, các sản phẩm của anh Xong như bột sen khô rang chín dùng để pha sữa, bánh sen, sen khô nguyên hạt, hạt sen rang, tim sen sấy đã có mặt tại nhiều cửa hàng, đại lý và được tiêu thụ tốt.

Cuối năm 2020, anh Xong mở thêm dịch vụ ẩm thực tại nhà hàng làm trên mặt hồ với thực đơn nhiều món từ sen như gỏi ngó sen, chả cá thác lác chiên cuốn lá sen non, cá lóc nướng cuốn lá sen… Những món ăn có tính dược liệu cao, bồi bổ sức khỏe nên được nhiều khách tham quan đón nhận.

Chia sẻ về hướng phát triển trong tương lai, anh Xong rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho anh được nhận khoán mặt hồ lâu dài hơn. Được như vậy, anh sẽ đầu tư chiều sâu để tạo bước đột phá mới với cây sen Lâm Trúc – Hoài Thanh – Hoài Nhơn theo hướng xuất khẩu.

THEO BẢO SƯƠNG
(Báo Dân Trí)