Ngày 26/10/2017, tại TP.HCM, Bộ khoa học và công nghệ và UBND TP.HCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban KHCN vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIV với chủ đề “Thúc đẩy phát triển liên kết vùng”.

TP.HCM có nhiều đột phá

Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc cho rằng, Đông Nam Bộ là hu vực phát triển năng động nhất ở Việt Nam. Sau 31 năm đổi mới, Đông Nam Bộ đã có sự thay đổi rất lớn, luôn luôn là khu vực đầu tiên thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển dịch vụ, các ngành sản xuất hàng đầu ở Việt Nam. Đây cũng là khu vực tập trung lực lượng lao động có trình độ cao, trung tâm thu hút đầu tư của nước ngoài.

Đồng thời, là khu vực mà tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu rất lớn. Do vậy, Bộ KHCN đã có một số quyết sách cũng như đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và doanh nghiệp trong vùng. Ví dụ như Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) ở TP.HCM là đơn vị được đầu tư lớn về trang thiết bị, là minh chứng cụ thể về sự đồng hành của Bộ KHCN đối với sự phát triển của vùng.

Ông khẳng định, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một chủ trương sáng suốt của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Bộ KHCN cũng bắt đầu đẩy mạnh hoạt động này từ năm 2016. Sau Đề án 844, Việt Nam đang có những liên kết với các chuyên gia nước ngoài, với Việt kiều, Israel, và các quốc gia hàng đầu thế giới về khởi nghiệp. Chúng ta đang vừa làm, vừa học, vừa trao đổi, vừa tổng kết và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Thứ trưởng cũng cho biết thêm, hiện trong các nước ASEAN, duy nhất có Thái Lan có chương trình về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được Chính phủ phê duyệt vào năm 2016.

TP.HCM đã có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Quyết định 844 và là một trong những địa phương đã ban hành nhiều chính sách đột phá nhằm hình thành hệ sinh thái ĐMST, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Đặc biệt, TP.HCM đã tổ chức sự kiện Tuần lễ đổi mới sáng tạo với nhiều hoạt động phong phú.

Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc đánh giá vùng Đông Nam Bộ là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Nơi đây hội tụ đầy đủ các điều kiện, lợi thế nổi trội để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, điện tử – tin học, dầu khí, dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng, triển khai KHCN; đi đầu trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Nơi đây tập trung một số lượng lớn các trường đại học, viện nghiên cứu. Đây là môi trường có thể đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, và chỉ như thế thì khu vực Đông Nam Bộ, cũng như Việt Nam sẽ trở thành nơi sáng tạo từ nghiên cứu, triển khai và đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường.

Ở TP.HCM, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ĐMST, nâng cao nàng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 – 2020 sẽ hỗ trợ 2.000 dự án để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo. Đồng thời, hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất với việc quy hoạch và thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp với tổng quy mô 40.000 m2 trên toàn thành phố. Ngoài ra, UBND TP.HCM ban hành quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đồi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có sử dụng ngân sách sự nghiệp KHCN, mỗi dự án được hỗ trợ mức kinh phí tối đa 2 tỷ đồng.

Đặc biệt, TP.HCM đã hình thành mô hình Trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Saigon Innovation Hub – SIHUB, 2.000 m2) đủ điều kiện để hỗ trợ thành lập và hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start­up), doanh nghiệp KHCN; đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm mở (Openlab) tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (CASE) ưu tiên hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hóa và vi sinh; hợp tác với các mô hình Openlab khác của các doanh nghiệp như Microsoft, Bosch.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp khắp Đông Nam Bộ

Triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đối mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Sở KHCN Bà Rịa – Vũng Tàu đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016 – 2020. Thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp đối mới sáng tạo tỉnh BR-VT giai đoạn 2016 – 2020.

Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành thể lệ Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức hội nghị triển khai và phát động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT; tổ chức phát động tuyên truyền cuộc thi tại các tr­ờng ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh.

Sở cũng đang dự thảo quy chế hoạt động của ban chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp, lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan; dự thảo đề án thành lập trung tâm ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh; dự thảo chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT giai đoạn 2017 – 2020.

Trong thời gian qua, Sở KHCN Bình Dương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu khoa học và cải tiến công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu… để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương. Sở đã xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hằng năm và 5 năm đối với các nội dung có liên quan đến đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Sở KHCN Bình Dương cũng đã thực hiện đổi mới và tăng cường công tác hỗ trợ phát triển thị trường KHCN thông qua việc nghiên cứu triển khai mô hình ba nhà (nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp) gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và triển khai đề án thành phố thông minh Bình Dương.

Một số địa phương khác như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước,… cũng đã có các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai một cách hiệu quả.

Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIVcó hai nội dung chính là Hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng Đông Nam Bộ” và “Hội nghị giao ban KHCN vùng Đông Nam Bộ”.

Giai đoạn 2015 – 2017, hoạt động KHCN các tỉnh, thành phố Vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả ấn tượng. Từ năm 2015 – 2017, Vùng Đông Nam Bộ đã có 1.090 nhiệm vụ, dự án KHCN cấp tỉnh được triển khai (trong đó, 193 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2015). Trong đó, tỉ lệ các đề tài ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 32,3%; y – dược 20%; khoa học nông nghiệp 19%; khoa học xã hội 15,7%; khoa học nhân văn 6,6%; khoa học tự nhiên 6,4%. Các địa phương trong vùng đã dành khoảng 65-70% kinh phí dành cho hoạt động nghiên triển khai, phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tỉnh, thành phố đã chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương. Các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai từ tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp với 28,5% giai đoạn 2011 – 2015 giảm còn 19% giai đoạn 2015 – 2017, khoa học kỹ thuật và công nghệ từ 24,1% lên 32,3%.

Ngoài việc quan tâm tới việc đặt hàng nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu, tính ứng dụng thực tế, các địa phương đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương ở quy mô lớn (TP. HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đều xây dựng chuỗi phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương).

Anh Thư – Khoa học phổ thông