Doanh nghiệp lớn ồ ạt rót vốn vào thị trường tiền mã hóa
Nhiều hãng tài chính và công nghệ lớn đang rót tiền vào các startup xây dựng công nghệ để phát triển thị trường tiền mã hóa, ngay cả khi bản thân họ tránh xa loại tài sản này.
Reuters dẫn dữ liệu từ hãng PitchBook cho biết đầu tư vốn mạo hiểm vào startup tiền mã hóa và blockchain, trong đó gồm tiền từ giới doanh nghiệp, đạt mốc 850 triệu USD từ đầu năm đến nay. 13 thỏa thuận đầu tư đưa dòng vốn chảy vào tiền mã hóa trên đà đến năm cao kỷ lục thứ nhì liên tiếp.
Tiền đầu tư đến từ nhiều hãng như Microsoft, London Stock Exchange Group. Tổng số tiền tăng gấp năm lần lên mức kỷ lục 2,4 tỉ USD trong 117 khoản đầu tư năm 2018. Điều này cho thấy các doanh nghiệp lớn nhận thấy tính hứa hẹn trong công nghệ non trẻ, ngay cả khi công nghệ này chật vật để được chấp nhận.
Tiền mã hóa, cụ thể là bitcoin, thường bị tránh đầu tư trực tiếp vì lo ngại giới chức các nước thắt chặt quy định, yếu tố an toàn, bảo mật và độ biến động cao. Vì không được nhiều hãng lớn ưu ái, tiền mã hóa bị nghi ngờ về khả năng phát triển từ một loại tài sản thuần đầu cơ sang phương tiện thanh toán có khả năng cạnh tranh với tiền tệ thật.
Giá bitcoin hạ 3/4 năm ngoái sau khi đạt kỷ lục 20.000 USD trong đợt bong bóng bơm căng cuối năm 2017. Bitcoin đến nay vẫn có biến động giá mạnh, mới đây tăng giá đến 20% khiến các nhà giao dịch và nhà phân tích bối rối. Công nghệ blockchain thì dù có ứng dụng trong một số lĩnh vực như tài chính, thương mại, đến nay phạm vi ứng dụng vẫn tương đối hẹp.
Nhiều công ty đang xem xét liệu làm thế nào và khả thi hay không nếu blockchain và các công nghệ liên quan được sử dụng theo cách có thể tạo ra nhiều thay đổi sâu sắc hơn, Richard Hay, người đứng đầu mảng công nghệ tài chính của hãng luật Linklaters ở Anh cho hay. “Có hai hướng chính. Chúng ta có thể có một thứ gì đó vận hành được và tiết kiệm chi phí, hoặc chúng ta có thể nhìn dài hạn hơn vào việc triển khai công nghệ theo vô số cách có tính biến đổi hơn”, ông Hay nhận định.
Ví dụ cho dòng tiền rót vào blockchain gần đây là số vốn 20 triệu USD có liên quan đến Sàn Giao dịch Chứng khoán London và Banco Santander rót cho một startup Anh với nền tảng có thể được dùng để phát hành nợ trên blockchain, công nghệ nền tảng của hầu hết các đồng mã hóa. Tiền đầu tư trải rộng từ các nhà sản xuất thiết bị khai thác tiền mã hóa đến sàn giao dịch.
Một động lực đầu tư chính là kỳ vọng ngày càng tăng rằng chuyện “token hóa” tài sản như chứng khoán, dầu mỏ. “Token hóa” về cơ bản là số hóa các loại tài sản này, cho phép chúng được giao dịch trên blockchain. Việc này sẽ thay đổi một phần thị trường và vì thế, nhiều tiền đang rót vào đây, theo giới luật sư và nhà tư vấn của các hãng công nghệ tài chính.
Đầu tư liên quan đến vốn đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp thường nhỏ. Các thỏa thuận trong năm nay trị giá trung bình 6,5 triệu USD, thấp hơn ngưỡng 8 triệu USD năm ngoái. Tuy nhiên, cũng có nhiều thương vụ lớn, đáng chú ý.
Đơn cử là Bakkt, nền tảng giao dịch tiền mã hóa được thành lập vào năm ngoái bởi hãng sở hữu Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) nhận vốn 180 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có M12, công ty đầu tư mạo hiểm của Microsoft.
Năm ngoái, các khoản đầu tư mạo hiểm truyền thống cũng chú ý đến mảng tiền mã hóa. 617 thương vụ đầu tư rót tổng cộng 5,6 tỉ USD vào ngành trên toàn cầu. Các nhà đầu tư mạo hiểm đến giờ vẫn cố gắng đánh giá tác động của công nghệ vào nền kinh tế trực tuyến. Một số khoản cược vào tiền mã hóa đến nay thất bại.
Ví dụ là dự án tiền mã hóa Basis. Dự án cho hay họ đóng cửa và trả lại tiền cho nhà đầu tư, trong đó có GV, công ty con chuyên đầu tư của Alphabet và Bain Capital Ventures, vì lo ngại về quy định. Các hãng chuyên đào hoặc giao dịch tiền mã hóa cũng gặp khó khăn. Bitmain Technologies, công ty định giá 12 tỉ USD, tháng trước bỏ kế hoạch niêm yết trên sàn Hồng Kông.
Song cũng có nhiều công ty vẫn ăn nên làm ra. Coinbase với định giá 8 tỉ USD là doanh nghiệp có lợi nhuận ngoài Mỹ tăng 20% trong năm 2018 lên 173 triệu USD. Công ty con của hãng ở Anh chiếm đến 1/3 tổng doanh thu tầm 520 triệu USD của doanh nghiệp.
Thu Thảo – Báo Thanh niên