Một công ty khởi nghiệp ở Canada đang thực hiện sứ mệnh hồi sinh lại những chiếc đũa đã qua sử dụng. Không chỉ tạo ra sản phẩm mới, mà nó còn giúp bảo vệ môi trường.

Công ty ChopValue thu gom những chiếc đũa đã qua sử dụng từ các nhà hàng tại thành phố Vancouver, tỉnh British Columbia của Canada, và biến chúng thành tất cả những gì có thể, từ kệ đựng sách, đồ lót máy tính, miếng lót ly,… Và quan trọng hơn cả, ý tưởng này giúp tái sử dụng lại những chiếc đũa thay vì vứt bỏ vào thùng rác chỉ sau một bữa ăn.

Ông Felix Böck, nhà sáng lập công ty cho biết: “Ý tưởng này kể về một câu chuyện tái sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong các đô thị. Chúng tôi không phải là một nghệ nhân hay một nhà môi trường học, mà đơn giản đây là cách chúng tôi tiếp cận một mô hình kinh doanh dễ dàng.”

ChopValue nhận đũa bỏ đi từ 65 nhà hàng trong khu vực, phân loại vào những thùng lớn trước khi đưa đến xưởng chế tạo. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 7 năm ngoái, công ty đã tái chế được khoảng 2,5 triệu chiếc đũa, và hiện đang thu mua 250.000 chiếc mỗi tuần.

Đũa là một ví dụ cho những sản phẩm dùng một lần có thể tái sử dụng khác, như ống hút hay cốc nhựa, chúng cũng là những sản phẩm gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của ChopValue, có khoảng 100.000 chiếc đũa bị vứt vào thùng rác mỗi ngày chỉ tính riêng tại Vancouver.

Có rất ít trong số hàng trăm ngàn chiếc đũa kia được đưa vào các cơ sở tái chế, phần lớn chúng được đưa thẳng vào bãi rác – nơi sẽ phân hủy rồi thải ra các chất khí góp phần gây nên ô nhiễm khí hậu và hiệu ứng nhà kính.

Mặc dù hầu hết các loại đũa gỗ đều phân hủy rất nhanh, chỉ mất từ một đến ba năm để có thể tự phân hủy trong tự nhiên. Nhưng việc vứt đi chỉ sau một lần sử dụng thật sự gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên.

Ông Böck cho biết thêm: “Chỉ vì đũa được làm từ gỗ tre dễ phân hủy, không có nghĩa là bạn có thể vứt bỏ nó một cách dễ dàng. Một chiếc đũa được tạo ra từng những cây tre ở rừng tre Trung Quốc, qua rất nhiều công đoạn rồi vận chuyển gần nửa vòng Trái Đất để đến được Vancouver cũng như nhiều đô thị ở Bắc Mỹ khác, và người ta chỉ dùng rồi ném chúng đi sau 30 phút.”

Các nhân viên của ChopValue sử dụng những quy trình sản xuất chuyên biệt để biến những chiếc đũa cũ thành bàn ghế, kệ tủ và những mặt hàng đồ gỗ khác. Đầu tiên, đũa đi vào một thùng keo pha loãng, sau đó đưa vào một đường ống làm khô với độ ẩm cao rồi chuyển sang một máy ép thủy lực nóng, làm ngưng tụ những hạt keo lại ở nhiệt độ và áp suất cao. Cuối cùng, những bó đũa sẽ kết dính lại như một miếng gỗ được sản xuất trực tiếp từ thân cây.

Những sản phẩm của ChopValue được bán ra với giá dao động từ 35 USD đến 265 USD. Sau khi lập công ty được hai tháng, trang web bán hàng của công ty mới được mở và tính đến nay đã bán được hơn 1.000 sản phẩm. Hiện nay, phần lớn doanh thu của công ty có được là từ những chiếc đũa thu gom ở các nhà hàng, một phần ba là từ những sản phẩm tạo ra từ các loại gỗ khác.

Mục tiêu của Böck là mở rộng công ty ra các thành phố lớn khác, trước mắt là New York của Mỹ, và công ty cũng sẽ thu gom để tái sử dụng những nguyên liệu khác, như ly giấy hay cốc nhựa.

“Nếu chúng ta có thể tạo ra một doanh nghiệp chỉ từ việc tái chế những chiếc đũa, thì ngoài kia còn rất nhiều thứ khác để bạn làm và tạo ra sản phẩm. Mở một công ty mới thật dễ dàng, chỉ cần chúng ta tỉnh táo và nhìn thấy những tiềm năng,” ông Böck cho biết.

Quang Niên (Theo huffingtonpost)