Cô gái người Anh kiếm 400.000 USD nhờ đặt tên cho trẻ em Trung Quốc
15 tuổi, Beau Jessup vay 2.000 USD để bắt đầu kinh doanh. 19 tuổi, cô đã kiếm được hơn 400.000 USD. Tất cả nhờ vào một website giúp phụ huynh Trung Quốc đặt tên tiếng Anh cho con.
Beau Jessup giống với bất kỳ cô cậu tuổi teen nào ở Anh, ngoài việc cô đang kiếm được hàng trăm nghìn USD nhờ vào việc đặt tên cho những đứa trẻ Trung Quốc.
Cô gái 19 tuổi này là nhà sáng lập và CEO của Special Name, một website giúp các bậc phụ huynh người Trung Quốc tìm được những cái tên tiếng Anh phù hợp cho con mình.
Jessup được truyền cảm hứng để bắt đầu kinh doanh vào năm 2015 khi mới chỉ 15 tuổi. 6 tháng sau, cô đặt tên cho khoảng 200.000 đứa trẻ và kiếm được hơn 60.000 USD. Kể từ đó, Jessup đã đặt tên cho gần 678 nghìn trẻ em Trung Quốc vào có doanh thu ước tính vượt 400.000 USD.
Nói về câu chuyện của mình, Jessup cho rằng tất cả chỉ là kết quả của một “cơ may tình cờ”.
Cô gái tuổi teen thay đổi cách đặt tên của người Trung Quốc
Một lần, Jesssup đi cùng cha mình đến Trung Quốc. Bà Wang, một đối tác làm ăn của cha cô, đề nghị Jessup giúp đỡ trong việc đặt tên đứa con gái 3 tuổi của mình.
“Tôi cảm thấy vinh dự và bất ngờ. Có vẻ như đó là một việc thật sự trọng đại”, Jessup nhớ lại.
Để chọn được một cái tên phù hợp, Jessup đề nghị bà Wang chia sẻ hy vọng của bà với đứa con gái bé bỏng của mình. Bà Wang nói rằng điều quan trọng nhất là bà muốn mọi người sẽ bất ngờ về những thành tựu mà con mình có thể đạt được.
Sau khi suy nghĩ cẩn thận, Jessup nghĩ ra cái tên “Eliza”, lấy cảm hứng từ nhân vật nữ chính Eliza Doolittle trong bộ phim kinh điển “My Fair Lady”.
Jessup kể lại rằng bà Wang rất vui mừng và giải thích với cô sự quan trọng của người Trung Quốc về việc có một cái tên tiếng Anh.
Tại Trung Quốc, mọi đứa bé đều có tên tiếng Trung với ý nghĩa được xem xét cẩn thận. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc cảm thấy tương tác dễ hơn với người bản địa nói tiếng Anh nếu họ có thêm một cái tên phương Tây.
Thông thường, những cái tên tiếng Anh này sẽ được tự đặt hoặc do thầy cô giáo gọi. Nhưng vì rào cản ngôn ngữ và việc kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc, khả năng nghiên cứu kỹ càng ý nghĩa tên tiếng Anh bị hạn chế. Kết quả là một số người chọn những cái tên không mấy hợp lý và hài hước như “Rolex Wang” hay “Gandalf Wu”, Jessup lấy ví dụ.
“Lúc đó tôi nghĩ rằng nếu bà Wang cần dịch vụ này thì có thể nhiều phụ huynh Trung Quốc cũng sẽ cần đến”, Jessup chia sẻ.
Năm 2015 đánh dấu sự kết thúc của chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ tại Trung Quốc. Năm 2016, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc tăng 7,9% lên 17,86 triệu, theo Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình của nước này.
“Tôi nghĩ sự giúp đỡ này có thể tạo ra lợi nhuận”, Jessup kể lại. Và thế là Special Name ra đời.
Từ 2.000 USD vay của cha đến 400.000 USD doanh thu
Để đi từ ý tưởng đến hiện thực, Jessup quyết định mở một website bằng tiếng Trung Quốc để nhiều khách hàng có thể sử dụng dịch vụ của mình cùng lúc.
Vì vậy, khi trở về Anh bắt đầu chương trình A-levels, Jessup mượn bố mình gần 2.000 USD và thuê một người lập trình tự do để hiện thực hóa ý tưởng.
Trong thời đang đợi website hoàn thiện, Jessup dùng thời gian rảnh để hoàn thiện dữ liệu với hơn 4.000 cái tên cho cả bé trai và gái. Với mỗi cái tên, cô miêu tả 5 đặc điểm mà mình cảm thấy đại diện tốt nhất cho ý nghĩa của nó, chẳng hạn như trung thực và lạc quan.
Jessup chia sẻ quy trình này lúc đầu tốn rất nhiều công sức nhưng sau đó các thuật toán giúp tiết kiệm hầu hết thời gian của việc đặt tên em bé.
“Nhiều người hỏi làm sao tôi có thời gian để đặt tên cho tất cả đứa trẻ đó. Giống như Google có thời gian để tìm ra mọi thứ cho mọi người cùng lúc, tôi cũng dùng thuật toán”, Jessup nói với CNBC.
Website Special Name của Jessup hoạt động bằng cách hỏi người dùng chọn 5 trong số 12 đặc điểm được liệt kê mà họ mong muốn với con mình. Thuật toán sau đó sẽ chọn 3 cái tên phù hợp với 5 đặc điểm này cũng như giới tính của đứa bé.
Người dùng được khuyến khích chia sẻ 3 lựa chọn trên với bạn bè, gia đình để họ có thể giúp chọn tên và tránh không phạm sai lầm đáng tiếc nào. Special Name cũng có sẵn đường link trực tiếp liên kết với ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc là WeChat. Quy trình này chỉ mất 3 phút.
“Tôi cung cấp cho các phụ huynh 3 cái tên phù hợp để lựa chọn và khuyến khích họ mời thêm bạn bè, người thân tham gia hỗ trợ”, Jessup chia sẻ.
Lúc đầu, Jessup miễn phí dịch vụ của mình. Sau khi đặt tên cho 162.000 đứa trẻ, cô bắt đầu tính phí 79 cents. Lúc này, Special Name của Jessup đã đặt tên cho gần 678.000 đứa trẻ. Theo tính toán của CNBC, doanh thu Jessup nhận được lên tới 407.000 USD.
Jessup từng trả lời phỏng vấn với news.com.au rằng số tiền kiếm được giúp cô trả tiền học đại học, đầu tư bất động sản và tất nhiên là cả trả nợ cho cha mình kèm theo lãi suất.
Còn về Special Name, nó có thể tự chạy và chỉ cần một nhóm nhỏ ở Trung Quốc để quản lý về vấn đề kỹ thuật.
“Tôi vẫn cập nhật kho dữ liệu tên mỗi tháng. Nhưng hoạt động kinh doanh hoàn toàn tự động hóa và cho phép tôi tập trung hoàn toàn vào việc học của mình”, cô sinh viên ngành nhân chủng học xã hội tại trường Kinh doanh London cho biết.
Jessup nói rằng cô đang đàm phán với một công ty “cùng chia sẻ tầm nhìn với Special Name” và muốn mua lại website của cô. Trong khi đó, Jessup có kế hoạch dùng những kinh nghiệm thu được cho việc kinh doanh trong tương lai.
“Tôi hy vọng có thể sử dụng những gì học được từ Special Name để gia tăng giá trị cho những hoạt động kinh khác”, Jessup cho hay.
Xuân Hải – Zing