CEO Peter Szulczewski khởi nghiệp thành công nhờ tạo ra thứ khách hàng muốn
Hầu hết khách hàng của Wish là người Mỹ thuộc tầng lớp lao động, những người cho rằng thẻ thành viên hàng năm Amazon Prime trị giá 120 USD là quá đắt đỏ so với thu nhập của họ.
Theo ước tính của Cục Dự trữ Liên bang, 41% hộ gia đình Mỹ thậm chí không có thanh khoản trị giá 400 USD. Và đây chính là điều khiến cựu kỹ sư Google 37 tuổi người Ba Lan Peter Szulczewski quyết định tạo ra thị trường thương mại điện tử dành riêng cho đối tượng này với lượng hàng hóa phong phú được vận chuyển trực tiếp từ các nhà cung cấp Trung Quốc.
Wish là ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới trong năm 2018 và hiện là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 ở Mỹ tính theo doanh số. Trên toàn cầu, có khoảng 90 triệu người sử dụng Wish ít nhất 1 lần/tháng.
Với việc giúp giảm 15% số tiền mua hàng của người dùng, Wish đã tăng gấp đôi doanh thu năm ngoái lên 1,9 tỷ USD. Trong vòng gây quỹ cuối cùng, công ty được định giá hơn 8,7 tỷ USD và Peter đã trở thành tỷ phú khi sở hữu 18% cổ phần công ty. Trong khi đó, người đồng sáng lập Danny Zhang chỉ sở hữu 4.2%. Peter cho biết nhiều khả năng họ sẽ IPO trong một vài năm tới.
Wish đang cạnh tranh với cả AliExpress của Alibaba và Amazon trong việc cung cấp cho người mua những sản phẩm Trung Quốc đa dạng từ các bên thứ ba. Trong khi Amazon liên tục bổ sung tính năng như phát trực tuyến hay giao hàng trong vòng 2 giờ để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ thành viên Prime của mình thì Peter lại không mấy lo lắng về giao hàng nhanh.
Người mua sẽ nhận được sản phẩm đặt trên Wish sau vài tuần và khoảng 80% khách hàng lần đầu sẽ quay lại mua hàng lần tiếp theo. Chi phí vận chuyển của Wish khá thấp một phần nhờ thỏa thuận giữa hãng Bưu chính Trung Quốc với Mỹ cho phép hàng hóa nặng từ 1,9 kg trở xuống sẽ được vận chuyển với mức giá rẻ. Khoảng 15% lô hàng của Wish đạt điều kiện đó.
Mỗi năm, Wish chi 190 triệu USD cho marketing và công ty tuyên bố họ có thể có lời khi ngừng đầu tư quá nhiều cho lĩnh vực này. Được biết Wish đã chạy các chiến dịch lớn trên Snapchat, Pandora và là một trong những nhà quảng cáo lớn nhất trên Facebook.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm hơn là rất nhiều hàng hóa trên Wish là sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là lừa đảo và công ty đã nhận được nhiều phản hồi không tốt từ khách hàng. Vì vậy, Peter đã thuê Connie Chang, một cựu quản lý cộng đồng tại Facebook để khắc phục. Connie đã giúp công ty loại bỏ những người bán không uy tín và bồi thường cho người mua bằng chương trình giảm giá.
Peter sinh ra tại Ba Lan, năm 11 tuổi gia đình anh chuyển đến Waterloo, Canada. Lớn lên, anh theo học Đại học Waterloo, một trường nghiên cứu xuất sắc. Tại đây, Peter gặp một người bạn nhập cư khác tên là Danny Zhang và hai người đã trở thành bạn bè kể từ đó.
Năm 2004, trước khi tốt nghiệp, Peter bắt đầu thực tập bốn tháng tại Google, thời điểm công ty có khoảng 1.000 nhân viên và chuẩn bị IPO. Khi trở thành nhân viên chính thức tại đây, anh đã viết các thuật toán giúp mở rộng từ khóa, một tính năng mà Google bán cho những người có nhu cầu quảng cáo. Tính năng này đã đem về khoảng 100 triệu USD doanh thu hàng năm cho gã khổng lồ tìm kiếm.
Năm 2007, Peter chuyển đến văn phòng mới của Google ở Hàn Quốc và đã nhận ra được một bài học giúp anh định hình chiến lược cho Wish sau này: Tập trung xây dựng thứ mà người dùng muốn hơn là những gì Thung lũng Silicon cần.
Năm 2009, Peter rời Google với số tiền tiết kiệm đủ để trang trải trong vòng hai năm. Anh đã ở nhà sáu tháng để viết mã cho phần mềm ContextLogic có thể dự đoán sở thích của một người dựa trên hành vi lướt web của họ và “bắt cặp” với một sản phẩm hay quảng cáo tiềm năng. Tháng 9/2010, các nhà đầu tư đã rót 1,7 triệu USD vào ContextLogic.
Đến tháng 5/2011, Peter mời Danny tham gia với tư cách là người đồng sáng lập. Thời điểm đó, thương mại điện tử và điện thoại di động đang có xu hướng phát triển. Tuy nhiều người đã sử dụng smartphone nhưng khá ít trong số đó mua sắm thông qua kênh này.
Sau đó năm 2011, Facebook đã biết về công cụ dự đoán của Peter và trả giá 20 triệu USD để tích hợp ContextLogic vào hệ thống quảng cáo của mình. Khi Peter từ chối đề nghị của Facebook, một nhà đầu tư đã nổi giận với anh. Thay vì bán ContextLogic, Peter tiếp tục mày mò và đến cuối năm, anh cùng Danny ra mắt “người tiền nhiệm” của Wish là Wishwall.me.
Năm 2016, Peter đã từ chối một thương vụ khác, lần này đến từ thần tượng của mình: Tỷ phú Jeff Bezos. Anh được mời đến gặp người sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon. Trước cuộc họp, Peter viết thư cho trợ lý điều hành của Jeff Bezos thể hiện rõ quan điểm sẽ không bán lại doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, anh vẫn tham dự cuộc gặp mặt tại trụ sở của Amazon.
Peter đã từ chối các “ông lớn” và gây dựng nên Wish với thành tích như ngày hôm nay. Hiện Danny đang giám sát hoạt động của Wish tại ba thành phố ở Trung Quốc với hơn 150 nhân viên còn Peter chủ yếu quản lý tại Mỹ.
Chính sách cởi mở của Wish tuy giúp tăng doanh số nhưng cũng gây ra vấn đề liên quan đến kiểm soát chất lượng, một điều không thể tránh khỏi khi họ có một triệu người bán đăng ký (trong đó có 125.000 người hoạt động thường xuyên mỗi tháng).
Để giải quyết, mỗi tuần Wish sẽ tự động loại bỏ khoảng 8 triệu sản phẩm hoặc gần 3% tổng số sản phẩm có sẵn trên trang web. Đa số bị loại bỏ vì khách truy cập đã lướt qua món hàng đó ít nhất 1.000 lần mà không ai click vào để mua. Ngoài ra, Wish cũng loại bỏ sản phẩm từ những người bán nhận được đánh giá không tốt.
Nhìn chung, Wish có khoảng 60 quy tắc để những người bán tuân thủ. Nếu vi phạm, họ sẽ bị phạt 500 USD. Ước tính mỗi tháng Wish thu được khoảng 3 triệu USD tiền phạt. Người bán có thể bị loại ra khỏi nền tảng của Wish nếu có uy tín thấp và ngược lại, đánh giá tốt của khách hàng sẽ giúp thanh toán nhanh hơn hoặc xếp hạng cao hơn trong mục tìm kiếm.
Theo Tri thức trẻ