Đôi bạn Nguyễn Thành Trung (41 tuổi) và Nguyễn Thiện Khiêm (38 tuổi) ở Đà Nẵng mày mò nghiên cứu trồng đông trùng hạ thảo đại trà để ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng loại dược liệu quý này.

Dược liệu quý dành cho người bình dân

“Việc nghiên cứu về quy trình nuôi đông trùng hạ thảo do anh Trung chịu trách nhiệm, còn tôi lo việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Cứ thế nhiều năm qua, chúng tôi luôn cố gắng nghiên cứu và cho ra đời những dòng sản phẩm mới để phục vụ người tiêu dùng”, anh Khiêm cho hay.

Cách đây 4 năm, nhận thấy sản phẩm về đông trùng hạ thảo chỉ mới được biết đến nhiều ở các tỉnh miền Bắc và miền Nam, Trung và Khiêm ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp với loại dược liệu quý này.


Đông trùng hạ thảo được trồng cấy trong môi trường giá thể là gạo lứt, nhộng tằm… (Ảnh: Nguyễn Tri).

Thời điểm ấy, đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu có giá thành cao, không phải đa phần người dân đều có thể tiếp cận. Bởi vậy, đôi bạn bắt tay nghiên cứu để phát triển, nuôi cấy đông trùng hạ thảo ở Đà Nẵng với khát vọng tạo ra những sản phẩm có giá trị cao và giá thành phải chăng để nhiều người dân có thể sử dụng.

“Ngoài ra, chúng tôi muốn góp phần xây dựng mảng công nghệ sinh học cho Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Vì so với 2 đầu đất nước, miền Trung vẫn còn yếu về lĩnh vực này”, anh Khiêm kể.


Mất 6 tháng để đôi bạn hoàn thiện quy trình nuôi đông trùng hạ thảo (Ảnh: Nguyễn Tri).

Ban đầu, 2 người cùng mày mò trồng nấm ngay trong căn phòng khoảng 30m2 của nhà anh Khiêm. Quy trình nuôi trồng được 2 anh thử nghiệm, nghiên cứu mất 6 tháng để hoàn thiện. Nguồn giống đông trùng hạ thảo được nhập về từ nước ngoài.

“Mẻ đầu tiên, chúng tôi thất bại, phải đổ bỏ. Nhưng từ đó, chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm để điều chỉnh và hoàn thiện quy trình. Sau khi hoàn thiện, quy trình từ lúc cấy giống đến khi thu hoạch đông trùng hạ thảo kéo dài hơn 2 tháng”, anh Khiêm nói.


Đông trùng hạ thảo từ lúc cấy giống đến khi thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng (Ảnh: Nguyễn Tri).

Đông trùng hạ thảo được nuôi trong môi trường khép kín, được đảm bảo nhiệt độ khoảng 21 độ C và độ ẩm 90% – điều kiện lý tưởng để loại dược liệu này phát triển tốt và cho giá trị cao nhất.

“Thuận lợi từ việc nuôi trồng khép kín đó là không phụ thuộc vào thời tiết. Tuy nhiên, do Đà Nẵng có nhiệt độ cao nên các phòng kín phải liên tục bật điều hòa và có thiết bị tạo độ ẩm để đảm bảo môi trường phát triển cho đông trùng hạ thảo”, anh Khiêm chia sẻ.


Những hộp đông trùng hạ thảo được ghi rõ ngày tháng theo dõi quá trình phát triển (Ảnh: Nguyễn Tri).

Mới đây, anh Khiêm đã mở rộng xưởng nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Nhà xưởng mới gồm có phòng cấy giống, phòng tối, 2 phòng nuôi và khu vực sản xuất, sấy thăng hoa. Thời gian cao điểm, nhà xưởng có thể nuôi tối đa 20 nghìn hộp đông trùng hạ thảo.

Hỗ trợ chuyển giao công nghệ

Về chất lượng sản phẩm, đông trùng hạ thảo được nuôi khép kín ở Đà Nẵng có chất lượng tốt, tương đương với các sản phẩm nhập khẩu của nước ngoài nhưng giá thành lại rẻ hơn.

“Đông trùng hạ thảo được trồng cấy trong môi trường giá thể là gạo lứt, nhộng tằm…, sau khi trưởng thành có thể sử dụng từ gốc đến ngọn. Việc nuôi đông trùng hạ thảo đảm bảo sạch, không có chất thải ra môi trường”, anh Khiêm nói.


Đông trùng hạ thảo được nuôi trong môi trường khép kín, được đảm bảo nhiệt độ khoảng 21 độ C và độ ẩm 90% (Ảnh: Nguyễn Tri).

Hiện tại, 2 anh đang phát triển chủ lực dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa. Bên cạnh đó, các sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, bột đông trùng hạ thảo…. được đa dạng hóa để phục vụ người tiêu dùng.

Ngoài ra, anh Trung còn nghiên cứu sử dụng tảo xoắn để thay thế nguồn nguyên liệu từ nhộng tằm. Trong quá trình nghiên cứu và thực tế sản xuất đông trùng hạ thảo, anh Trung nhận thấy việc sử dụng nhộng tằm có thể gây dị ứng ở một số người sử dụng sản phẩm.


Thời gian cao điểm, nhà xưởng có thể nuôi tối đa khoảng 20 nghìn hộp đông trùng hạ thảo (Ảnh: Nguyễn Tri).

Chưa hết, có một lượng lớn khách hàng ăn chay trường muốn sử dụng đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên họ lại rất e ngại khi biết trong giá thể nuôi nấm có chứa thành phần nhộng tằm sống, nên cần có một công thức nuôi thuần chay để khách hàng có thể thoải mái sử dụng sản phẩm.

“Quá trình nuôi, tôi phải liên tục thử nghiệm các công thức để vừa đảm bảo nấm sinh trưởng cũng như cho năng suất và chất lượng cao nhất nên mất khoảng một năm để tối ưu quy trình. Sản phẩm nuôi bằng tảo xoắn đáp ứng được tiêu chí của thực phẩm hữu cơ, thuần chay và giàu giá trị dinh dưỡng”, anh Trung chia sẻ.


Sau khi trưởng thành đông trùng hạ thảo có thể sử dụng từ gốc đến ngọn (Ảnh: Nguyễn Tri).

Cơ sở của Trung và Khiêm đang tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, sản phẩm luôn duy trì đầu ra theo mức tăng dần, với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài việc phát triển các dòng sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, 2 anh còn cung cấp phôi giống cho các tỉnh lân cận Đà Nẵng, đồng thời tư vấn, chuyển giao công nghệ cho những người có nhu cầu.

Để thuận lợi cho các hộ gia đình muốn nuôi đông trùng hạ thảo, 2 anh sáng chế tủ mát thành phòng nuôi quy mô nhỏ và thương mại hóa.


Dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa (Ảnh: Nguyễn Tri).

“Tủ này do chúng tôi tự chế ra từ tủ mát bình thường và được bán với giá hơn 10 triệu đồng/chiếc. Sản phẩm này được rất nhiều người đặt mua. Hiện đã có hàng chục hộ dân ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận đặt mua giống và tủ về nuôi”, anh Khiêm cho hay.

Khi du lịch Đà Nẵng được phục hồi sau dịch Covid-19, anh Khiêm dự kiến sẽ đưa các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo vào các cửa hàng đặc sản lớn, giới thiệu sản phẩm đặc trưng này đến bạn bè và du khách trong, ngoài nước.

THEO NGUYỄN TRI
(Báo Dân trí)