Ở Trà Vinh, ngày càng có nhiều thanh niên ở thành thị trở về nông thôn để khởi nghiệp. Với ý tưởng sáng tạo, tinh thần cần cù, tìm tòi những hướng đi khác biệt, đã giúp họ khởi nghiệp thành công.

Người làm nên thương hiệu gạo sạch “Hạt Ngọc Rồng”

Những mô hình sản xuất, kinh doanh lấy nông sản làm sản phẩm chủ lực, không chỉ giúp thay đổi cuộc sống của bản thân, giúp nông dân trong vùng sản xuất có thu nhập tốt hơn mà còn nâng cao giá trị nông sản của quê nhà.

Sinh ra trong trong gia đình thuần nông ở xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế, anh Trầm Minh Thuần chọn về quê khởi nghiệp mà không chút đắn đo. Anh Thuần cho biết, từ nhỏ anh luôn khát vọng kinh doanh từ hạt gạo quê nhà và giúp bà con nông dân cải thiện cuộc sống.

Từ suy nghĩ đó, Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp ra đời năm 2018 do chính anh làm Giám đốc, có 61 thành viên tham gia. Nông dân tham gia HTX, ngoài được bao tiêu với giá cao hơn thị trường 300 đồng/kg còn được cung ứng dịch vụ phân, giống lúa với giá thấp hơn thị trường 1.000 đồng/kg.

Anh Trầm Minh Thuần (giữa) và xã viên HTX Nông nghiệp Long Hiệp.

Anh Trầm Minh Thuần, Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Hiệp cho biết, để tạo được niềm tin trong khách hàng và được thị trường đón nhận, sản phẩm phải có hướng đi riêng, an toàn và chữ tín đặt lên đầu.

“HTX khi xây dựng thương hiệu gạo phải theo quy trình an toàn, sạch và hướng đến hữu cơ. Để làm được điều đó thì Ban quản trị HTX đưa ra quy trình canh tác để bà con xã viên làm theo, dần dần đưa từ an toàn, sạch rồi đến hữu cơ. Hiện các xã viên đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để vừa có sản phẩm gạo chất lượng mà còn thu được thêm nguồn lợi thủy sản”, anh Thuần chia sẻ.

Hiện tại thương hiệu gạo sạch “Hạt Ngọc Rồng” của Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp đạt doanh thu 2,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 544 triệu đồng/năm. Riêng các hộ liên kết với HTX ngoài bán được giá cao hơn còn có thu nhập đáng kể từ tôm càng xanh dưới chân ruộng.

Khởi nghiệp thành công từ mật hoa dừa

Tương tự như anh Trầm Minh Thuần, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ Thực phẩm và đi làm một thời gian để tích luỹ kinh nghiệm, chị Thạch Thị Chal Thi trở về quê để khởi nghiệp tại quê nhà thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần. Bằng sự nhạy bén, tư duy của một kỹ sư được đào tạo bài bản, chị Chal Thi nhận ra tiềm năng lớn từ cây dừa. Chị Chal Thi suy nghĩ, nếu làm sản phẩm từ trái dừa, giá trị cây dừa sẽ không tăng và không cạnh tranh được với những doanh nghiệp lớn, phải tạo được sản phẩm mới và khác biệt mới tồn tại được.

Tháng 7/2019, một doanh nghiệp có cái tên – Sokfarm (tiếng Khmer có nghĩa là nông nghiệp hạnh phúc) ra đời. Hiện tại sản phẩm do doanh nghiệp Sokfarm sản xuất được tiêu thụ trong nước và bán trên trang thương mại điện tử quốc tế của Mỹ.

Kỹ thuật lấy mật dừa của doanh nghiệp Sokfarm.

Thạc sĩ Thạch Thị Chal Thi cho biết: “Hiện sản phẩm rất được ưa chuộng. Vì mật dừa không chỉ ngon nó còn tốt cho sức khỏe. Kế hoạch sắp tới tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật thu mật cho một số nhà vườn, để bà con tự khai thác mật cung cấp cho công ty, bà con sẽ có thu nhập nhiều hơn và công ty cũng thu được mật nhiều hơn”.

Thạc Sỹ Thạch Thị Chal Thi – người khởi nghiệp từ mật hoa dừa.

Đến nay, mỗi tháng doanh nghiệp cho ra hơn 1,5 tấn mật thành phẩm. Doanh thu mỗi tháng 500 triệu đồng. Tạo công ăn việc làm cho gần 20 công nhân với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng và tạo thu nhập ổ định cho 10 hộ trồng dừa với thu nhập 250.000đ/cây dừa mỗi tháng. Ngoài ra, mô hình dừa lấy mật của chị Thạch Thị Chal Thi còn gây ấn tượng mạnh cho nhiều đoàn khách quốc tế khi được tham quan quy trình làm sản phẩm nông nghiệp sạch.

Làm giàu từ bột nưa

Tại Trà Vinh ngày càng có nhiều thanh niên chọn hướng khởi nghiệp từ nông sản. Điển hình như Dự án “Bột nưa nông sản vì sức khỏe – Klen Farm” do Sơn Thái Ngoan – sinh viên ngành Luật năm cuối, quê ở xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú làm trưởng nhóm.

Sơn Thai Ngoan (trái) với sản phẩm Bột nưa chuẩn bị đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Đây là dự án được cơ quan hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và nhà đầu tư đánh giá cao về ý tưởng và tính khả thi và là 1 trong 2 dự án sinh viên lọt vào top 50 vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Dự án được dựa trên sự thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân, từ đó hình thành ý tưởng nhằm nâng cao giá trị nông sản cây nưa. Có nhiều loại sản phẩm khác nhau được tạo ra từ bột nưa như: Bột nưa tinh chất nghệ mật ong, bột nưa hoa đậu biếc, bột nưa hương hoa lài…

Những sản phẩm này hoàn toàn không chất bảo quản, 100% tự nhiên đảm bảo nguồn gốc sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh Sơn Thái Ngoan cho biết: “Hiện nay tôi đang nghiên cứu phương án đưa sản phẩm tiêu thụ tại thị trường ĐBSCL và các thành phố lớn như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và Cần Thơ. Thứ hai tôi đang nghiên cứu thị hiếu và thị trường Campuchia, thị trường Nhật Bản và Trung Quốc để có sản phẩm phù hợp”.

Dự án “Bột nưa nông sản vì sức khỏe – Klen Farm” dự kiến đưa vào sản xuất, kinh doanh vào quý III năm nay.

Phong trào thanh niên khởi nghiệp ở tỉnh Trà Vinh đang phát huy hiệu quả, nhiều mô hình đang trở thành nguồn cảm hứng cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc. Phong trào không chỉ giúp thanh niên thay đổi cuộc sống, mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng ly hương của thanh niên nông thôn và phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.

THEO SA OANH
(VOV-ĐBSCL)