5 điều đáng mong đợi trong năm 2019 của Kinh tế số Việt Nam
Bản án Grab được xử lại như nào, Facebook, Google sẽ hợp tác với chính phủ Việt Nam thực hiện Luật An Ninh Mạng ra sao, Amazon có vào Việt Nam không, Vấn đề nhân sự và khung pháp lý cho 4.0 và Startup Việt có trưởng thành hay không là những điều đáng trông đợi trong năm 2019.
1. Khung pháp lý cho nền kinh tế chia sẻ
Tưởng như sau quyết định của Toà án vào những ngày cuối năm 2018, trong đó có coi Grab như 1 đơn vị kinh doanh vận tải, thì chính phủ Việt Nam sẽ quản lý taxi công nghệ giống như taxi truyền thống.
Nhưng vào những ngày đầu năm Kỷ Hợi, Viện Kiểm Soát Cấp cao đã yêu cầu Toà án xử lại bản án, mở ra 1 tương lai chưa rõ ràng trong quan điểm của nhà nước về Grab và taxi công nghệ.
Vụ việc giữa Grab và Vinasun không phải chỉ là vấn đề giữa 2 công ty, mà còn ảnh hưởng đến 1 vấn đề rộng lớn và mang tính thời đại hơn, mang tên ‘Khung pháp lý đối với các nền tảng Kinh tế chia sẻ’. Trực tiếp điều chỉnh hoạt động những cái tên nóng nhất trong thời đại 4.0 – AirBnb, Kindle, Facebook, Youtube, v.v..
Hiện nay, có không ít những mâu thuẫn trong quá trình quản lý cần được giải quyết. Như làm sao để quản lý công bằng mô hình mới và mô hình cũ, làm sao để thu thuế, làm sao để bảo vệ quyền tác giả, v.v..
Trên Thế Giới, các nước khác nhau đã có những quan điểm khác nhau về loại hình kinh tế mới này. Châu Âu thì có góc nhìn bảo thủ, đưa những đạo luật mới để quản lý những mô hình mới theo cách mô hình cũ, Singapore thì lại đưa ra những giải pháp trung hoà.
Trong năm 2019, hy vọng Việt Nam ta sẽ đưa ra được 1 góc nhìn thống nhất, và khung pháp lý cụ thể để không bỏ lỡ thời cơ chuyển tiếp của cuộc cách mạng này.
2. Facebook, Google và các cuộc chiến pháp lý về dữ liệu và thông tin
2018 là năm mà các vấn đề về dữ liệu người dùng được quan tâm đặc biệt. Facebook và Google là 2 cái tên bị chú ý nhiều nhất, đã phải ra Quốc hội Mỹ điều trần.
Nội dụng của các cuộc điều trần tập trung vào cách những công ty này thu thập và sử dụng thông tin người dùng, có đảm bảo quyền riêng tư không, cũng như làm rõ xem họ có cố tình điều hướng thông tin hay không.
Các cuộc điều trần vẫn còn tiếp diễn trong năm 2019 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dùng trên toàn Thế Giới.
Không chỉ thế, tại Việt Nam khi Luật An Ninh mạng đã đi vào hoạt động đầu năm nay. Facebook và Google vẫn chưa tỏ ra hợp tác với chính phủ để thực hiện luật, cũng như chưa đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam.
Các cuộc chiến pháp lý với Facebook và Google sẽ còn rất rắc rối trong năm 2019, diễn biến và kết quả ra sao đang được cả Thế Giới quan tâm.
3. Amazon vào Việt Nam?
Trong năm 2018, Amazon đã đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tiếp cận và bán hàng trên thị trường của mình. Đây được đánh giá là bước đệm để gã khổng lồ công nghệ gia nhập thị trường và bán hàng tại Việt Nam – như cái cách họ đã từng làm với Úc.
Tuy nhiên Amazon đã phủ nhập tin đồn này, cho rằng đây chưa phải thời điểm để nhảy vào Việt Nam. Họ muốn chờ đợi thị trường nội địa phát triển hơn nữa và chờ 1 khung pháp lý ổn định từ chính phủ.
Tuy nhiên, không thể nói trước điều gì, rất có thể ngay trong năm 2019 hoặc 2,3 năm tiếp theo, Amazon sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Đến lúc đó, không chỉ các công ty thương mại điện tử Việt Nam như Tiki, Lazado, Shopee, Sendo, Thegioididong sẽ gặp cạnh tranh khủng khiếp. Mà các siêu thị truyền thống cũng sẽ bị thách thức không nhỏ, khi Amazon chính là 1 trong những nguyên nhân khiến những chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất Thế Giới nộp đơn phá sản.
Cũng không loại trừ khả năng, Amazon sẽ bắt tay với 1 nền tảng thương mại điện tử sẵn có ở Việt Nam để thực hiện tiếp cận gián tiếp, như cái cách Alibaba thông qua Lazada để tiếp cận Việt Nam. Nhưng khả năng này không cao, khi chiến lược thường thấy của Amazon là xâm nhập trực tiếp bằng khả năng nội địa hoá đạt đến mức hoàn hảo.
4. Tiếp tục phát triển nền tảng cho kinh tế số
Năm 2018, kinh tế số của Việt Nam có quy mô khoảng 9 tỷ USD, tăng trưởng 35% và chiếm 4% trên tổng số GDP quốc gia. Con số này cao nhất trong số các nền kinh tế ASEAN. Dự báo đến năm 2025, quy mô của kinh tế số Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD.
Những con số rất tích cực này đến từ sự năng động và học hỏi nhanh của người Việt, cùng với nền chính trị, xã hội, và vĩ mô ổn định. 72% người Việt sở hữu điện thoại thông minh, 70% có đăng ký 3G hoặc 4G, 68% xem video và nghe nhạc mỗi ngày.
Tuy nhiên, riêng 1 vấn đề vĩ mô mà Việt Nam làm chưa tốt đó là khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới vẫn còn rất chậm chạp.
Trong năm 2019, nhà nước sẽ tiếp tục đẩy tư nhân hoá, giúp các công ty đầu ngành trở nên linh hoạt hơn. Trong đó đặc biệt phải kể đến Viettel sẽ tiếp tục cổ phẩn hoá, và sẽ thử nghiệm công nghệ 5G trong năm nay.
Một nền tảng quan trọng khác để phát triển kinh tế số là vấn đề con người. Theo đánh giá của các công ty công nghệ lớn của Thế Giới tại Việt Nam, nguồn nhân lực 4.0 của Việt Nam vẫn còn rất thiếu. Đây sẽ là vấn đề quan trọng cần được giải quyết trong năm nay.
5. Sự trưởng thành của startup Việt
Lần đầu tiên trong 4 năm, số lượng doanh nghiệp mới thành lập, trong đó có số lượng không nhỏ những startup, có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm 2018 và tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, ngược lại với số lượng giảm là những tín hiệu đáng mừng là những thương vụ đầu tư chất lượng cho startup Việt và những quỹ đầu tư cam kết đổ hàng triệu USD cho các công ty khởi nghiệp.
Nổi bật nhất trong số đó là Topica với số tiền đầu tư kỷ lục 50 triệu USD. Topica là 1 startup giáo dục trực tuyến có trụ sở ở Hà Nội, và đã mở rộng sang Đông Nam Á và Mỹ, chuyên cung cấp các khoá học trực tuyến ngắn hạn và đào tạo đại học trực tuyến.
Sự thành công của Topica cho thấy Việt Nam là 1 trong những quốc gia Châu Á đã bắt kịp và phát triển mạnh trong thị trường 50 tỷ USD này. Cùng với Topica, hocmai, Viettel study, FUNiX, v.v.. sẽ là dẫn dắt của nước ta trong xu hướng tương lai này.
Bên cạnh đó, các ngành công nghệ B2B, công nghệ du lịch, và thanh toán điện tử cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều cái tên lớn được đầu tư và điều hành bài bản. Các cuộc chiến dai dẳng ở các lĩnh vực gọi đồ ăn, taxi công nghệ, và thương mại điện tử vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các startup nội và các startup ngoại vẫn đang trong cuộc đua đốt tiền giành những thị trường mới này.
Sau những năm hưởng ứng phong trào khởi nghiệp một cách ‘không suy nghĩ’ dẫn tới tình trạng chỉ được mặt số lượng. Thì năm 2019 là năm được kỳ vọng các startup sẽ trưởng thành hơn, kể cả những startup cũ lẫn startup mới, để đạt được những thành tựu thực tế và vươn ra Thế Giới.
Để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, có giá trị cao và không gây hại tới môi trường, kinh số phải là đầu tàu. Nằm trong giai đoạn chuyển giao 4.0, 2019 là 1 năm bản lề để kinh tế số Việt Nam phát triển và bứt tốc. Hãy chờ đón xem, Việt Nam ta sẽ giải quyết bài toán này như thế nào.
Hoàng Phi – Enternews