11 lí do khiến các startup không thể gọi vốn thành công
Thiếu minh bạch, không có lợi thế cạnh tranh, doanh thu chưa phát sinh là những lí do mà nhà đầu tư lắc đầu trước nỗ lực gọi vốn của các startup.
Phil Nadel, nhà sáng lập Quĩ Forefront Ventures
“Giống như các quĩ đầu tư mạo hiểm khác, chúng tôi phải cân nhắc hàng chục thương vụ mỗi tuần. Vì vậy chúng tôi quyết định tạo một kênh các tiêu chí để loại bỏ các công ty không phù hợp để đầu tư”, Phil Nadel, nhà sáng lập Quĩ Forefront Ventures viết bài trên TechCrunch.
Mỗi khi từ chối một công ty, Phil Nadel và các đồng sự thường giải thích cho công ty đó lí do không đầu tư. Bài viết của Nadel chỉ ra 11 lí do thường mà quĩ của ông nói không với công ty gọi vốn.
Thiếu minh bạch
Nếu các nhà sáng lập không thẳng thắn, chúng tôi lập tức mất hứng thú. Đầu tư mạo hiểm dựa nhiều trên các mối quan hệ. Do đó sự thiếu minh bạch ngay từ những giây phút đầu tiên sẽ làm mối quan hệ rạn nứt ngay từ đầu.
Không có lợi thế cạnh tranh
Nếu một công ty không có gì đặc biệt để cạnh tranh và bảo vệ chính mình trước các đối thủ tiềm năng, thì chính thành công của họ sẽ dẫn tới một kết cục thất bại.
Một công ty càng thành công, thì đối thủ tiềm năng càng nhiều. Họ có thể bắt chước lại mô hình hoạt động. Chính vì thế cần phải nắm được một công thức, hoặc lợi thế cạnh tranh mà người khác không có.
Không có một kênh marketing trả phí với tiềm năng phát triển
Chúng tôi muốn đầu tư vào một công ty mà vốn được dùng để phát triển doanh thu. Nếu một công ty chưa có kênh marketing hiệu quả thì họ sẽ đốt tiền vốn gọi được để tìm kiếm, thử nghiệm.
Quĩ đầu tư muốn rót vốn vào công ty đã vượt qua được giai đoạn thử nghiệm ban đầu để dùng số tiền đầu tư một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra chúng tôi cũng ưu tiên việc chọn lựa các nhà sáng lập hiểu rõ việc đầu tư thế nào để tạo ra một cách tăng trưởng tốt.
Không biết những chỉ số đo lường độ hiệu quả (KPI)
Chúng tôi hiểu rằng thành công của công ty phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức của các nhà sáng lập vè các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động.
Các nhà sáng lập cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của các chỉ số KPI với công ty của họ. Tiếp đến, họ phải chứng minh được bộ KPI đó thật sự hiệu quả. Cuối cùng, họ cần nắm được các nhân tố tác động đến KPI, bộ KPI nào cần điều chỉnh để doanh nghiệp thành công.
Đường băng ngắn
Khái niệm “đường băng” chỉ thời gian từ lúc gọi vốn tới thời điểm công ty hết vốn hoạt động. Khi đầu tư, Nadel và các đồng sự muốn lựa chọn doanh nghiệp có đường băng dài ít nhất một năm. Gọi vốn là một việc tốn công sức, và không nhà đầu tư nào muốn các nhà sáng lập phải vất vả tìm vốn thay cho việc phát triển kinh doanh.
Để tính toán chính xác “đường băng”, những người điều hành phải có kế hoạch rõ ràng việc việc sử dụng chi phí và số tiền sẽ “đốt” mỗi tháng. Mức tính toán phải dựa theo một số giả định: Không có doanh thu, doanh thu không tăng trưởng hoặc doanh thu tăng trưởng phù hợp với tốc độ trong quá khứ.
Thị trường mục tiêu nhỏ
Chúng tôi từng gặp những startup đem lại giải pháp xuất sắc, nhưng lại chỉ giải quyết được vấn đề của một nhóm nhỏ người dùng. Để tính tới trường hợp thoái vốn trong tương lai, chúng tôi quan tâm tới độ lớn của thị trường, qua đó việc tăng trưởng doanh thu thật sự có ý nghĩa.
Với Nadel, ông thường chỉ quan tâm tới các thị trường có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên. Các startup có thể giải quyết được vấn đề một cách hợp lí trong thị trường này sẽ có cơ hội nhận đầu tư cao hơn.
Doanh thu chưa ghi nhận
Giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh tới việc tạo ra doanh thu là một chặng đường dài. Do đó việc bán được những sản phẩm/dịch vụ đầu tiên và thu tiền về làm giảm thiểu đáng kể rủi ro của các nhà đầu tư. Chính vì thế chúng tôi thương đầu tư vào các công ty đã có sản phẩm bán ra thị trường và được thị trường chứng minh.
Không có tầm nhìn
Chúng tôi muốn đầu tư vào các công ty mà các nhà sáng lập có tầm nhìn phát triển lên gấp 100 lần so với hiện tại. Việc có đạt được tầm nhìn như vậy hay không là một chuyện. Nhưng nếu không có tầm nhìn thì sẽ chẳng bao giờ làm được. Tầm nhìn như sao Bắc Đẩu giúp công ty nhìn ra phương hướng trong lúc giông bão.
Hiểu biết về đối thủ
Nhiều công ty tuyên bố rằng họ không có đối thủ cạnh tranh. Điều này thật khó tin và tôi sẽ hỏi lại rằng: “Vậy thị trường mục tiêu của bạn đang đối mặt với các vấn đề mà bạn muốn giải quyết thế nào? Đó chính là đối thủ của bạn”.
Các nhà sáng lập cũng nên tìm hiểu các giải pháp của đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường của họ. Một khách hàng tiềm năng sẽ cân nhắc lựa chọn giữa các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ trước khi đưa ra quyết định.
Nếu các nhà sáng lập không am hiểu thị trường và làm cho sản phẩm mình có sự khác biệt, startup đó sẽ thất bại.
Đội ngũ sáng lập không bổ khuyết cho nhau
Để thành công, một công ty cần phải đảm bảo việc “làm sản phẩm” và “bán sản phẩm”. Mỗi công việc này cần có những bộ kĩ năng khác nhau để hoàn thành và khó tập trung trong một con người. Do đó chúng tôi cần một đội ngũ mạnh, từ kĩ thuật, marketing tới bán hàng.
Đương nhiên, các startup có thể tuyển thêm người để bổ khuyết các vấn đề mình còn thiếu. Tuy nhiên như vậy thì những yếu tố đó không còn là “máu” của startup nữa. Hơn nữa, để tuyển nhân sự trong một mảng nhất định, người tuyển cũng cần có kiến thức nhất định.
Không toàn tâm toàn ý
Chúng tôi muốn các nhà sáng lập dành hết tâm huyết cho startup mà quĩ đầu tư. Ở mức tối thiểu, họ phải làm việc toàn thời gian cho doanh nghiệp, và lí tưởng nhất là các nhà sáng lập cũng có cổ phần trong startup.
Tiểu Phượng (Kinh tế tiêu dùng)