Sinh viên khó khởi nghiệp và những cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư
Chưa lường hết mọi việc
Bắt đầu khởi nghiệp khi còn là sinh viên, sau 2 năm chèo lái dự án Color ME – Trường học thiết kế, CEO của Color ME Nguyễn Việt Hùng đã chỉ ra những lý do khiến sinh viên khó khởi nghiệp.
Theo đó, Nguyễn Việt Hùng cho rằng rất đông sinh viên khởi nghiệp nhưng lại không có chút kiến thức nào về kinh doanh và đó là một trong những điểm yếu chết người của sinh viên Việt.
“Nhiều lúc tôi chỉ ước họ được học một ít kiến thức về tài chính, về kinh doanh, về kinh tế thay vì học quá nhiều toán. Không cần quá sâu, chỉ cần đủ để họ tỉnh táo về việc doanh nghiệp của họ sẽ vận hành như thế nào trước khi họ khởi nghiệp, tỷ lệ sống còn của họ sẽ cao hơn rất nhiều”, Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, CEO Color ME còn lo ngại: “Khởi nghiệp không như một đề thi, nó không đến 1 lần, không có định dạng chuẩn, không có người chấm điểm và càng không có thi lại. Kiên trì là thứ mà tôi thấy rất ít ở các bạn trẻ khởi nghiệp, mỗi khi gặp thất bại, họ nghĩ đến việc vứt bỏ hết mọi thứ, một cách rất nhanh chóng”.
Cũng theo Nguyễn Việt Hùng, các startup cần phải tập làm quen với cô đơn khi không có ai chịu đi cùng mình suốt chặng đường dài gian khổ bởi có thể nhân sự sẽ rời khỏi công ty bất cứ lúc nào.
Đồng thời, mỗi khi thấy nản, đi chậm lại, nằm xem một bộ phim truyền cảm hứng, đọc một cuốn sách hay… rồi đi tiếp. Tuyệt đối đừng bỏ cuộc. Và các bạn trẻ cũng nên tập cho mình một lối sống lành mạnh trước khi khởi nghiệp.
Chứng minh qua các cuộc thi
Hoạt động khởi nghiệp trong giới sinh viên đang phát triển mạnh ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Điển hình như cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai của Trường đại học Ngoại Thương, cuộc thi IC Master – Nhà truyền thông tài ba 2017 với chủ đề Truyền thông – Khởi nghiệp của khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại – Học viện Ngoại giao…
Gần đây, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cũng phát động cuộc thi “Sinh viên sáng tạo”. Sau tổng kết và trao giải, các ý tưởng và kế hoạch khả thi sẽ tiếp tục được tư vấn và phát triển thực tiễn cũng như có cơ hội tiếp cận các Vườn ươm tạo, quỹ đầu tư. Vòng chung kết dự kiến diễn ra vào ngày 11.11.2017.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư thiên thần lại chưa mặn mà với các startup Việt. Lý giải cho điều này dưới góc nhìn của các nhà đầu tư thiên thần, giai đoạn đầu chính là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình phát triển của startup và đa phần 90% số startup đều thất bại ở giai đoạn này.
Bởi vậy, những nhà đầu tư thiên thần đóng vai trò khá quan trọng trong giai đoạn này, là những người cố vấn nhiều hơn nhằm giúp startup đạt tìm ra những khách hàng đầu tiên của mình.
Ông Võ Việt Anh – Nhà sáng lập Dropdeck, một nền tảng kết nối startup với nhà đầu tư -cũng chỉ ra cái khó ở Việt Nam là do chất lượng còn thấp, đại đa số dự án có trình độ chưa cao, năng lực còn yếu, đội ngũ startup vẫn chưa có đủ thái độ và phẩm chất cần thiết.
Bởi theo anh Trịnh Anh Đức – Giám đốc điều hành của VIC Partners, khi các nhà đầu tư thiên thần đầu tư vào startup đã là mạo hiểm so với các kênh đầu tư khác nên yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất để xác định đầu tư cho startup ở giai đoạn đầu. Đặc biệt, các quỹ luôn có quy trình để thẩm định giá trị startup, qua đó kiểm soát rủi ro, nhưng việc đó rất khó trong những giai đoạn đầu.
Thu Anh – Một thế giới