Những sai lầm lớn nhất thường gặp khi khởi nghiệp, và giải pháp để tránh mắc lỗi
Khởi nghiệp là một bài toán nhiều rủi ro, bất kể bạn ở ngành nào, ở vị thế nào, có kinh nghiệm đến đâu. Để tiếp thêm kinh nghiệm cho những nhà khởi nghiệp, hãy tham khảo những lời khuyên từ nhiều CEO khởi nghiệp thành công để biết đâu là những sai lầm nghiêm trọng nhất, và cần làm gì để tránh được những sai lầm ấy khi bắt tay gây dựng công ty.
Bỏ qua bước nghiên cứu thị trường
Chúng ta thường nhầm lẫn giữa ý tưởng tốt với kinh doanh tốt.
Thực ra ý tưởng tốt chỉ đáng giá vài đồng bạc cắc. Phải bắt tay vào triển khai mới biến được ý tưởng tốt thành kinh doanh tốt. Và nghiên cứu thị trường chính là giai đoạn nền tảng quyết định thành công của hoạt động triển khai.
Bỏ qua nghiên cứu thị trường, phớt lờ phân tích thông tin, hay dự báo dữ liệu không chính xác sẽ dẫn đến thất bại.
Khá nhiều startup mắc lỗi ở khâu này. Bạn có thể có ý tưởng tốt nhưng thị trường chưa sẵn sàng đón nhận. Hoặc là ý tưởng của bạn chưa sát thực như bạn nghĩ.
Dũng cảm xoay chuyển và phát triển ý tưởng bám theo tình hình thực tế thị trường mới là vấn đề mấu chốt. Đừng cho rằng ý tưởng là tất cả những gì bạn cần để thành công trong kinh doanh. Và nếu bạn vẫn tin như vậy, ít nhất hãy kiểm tra điều đó bằng các nghiên cứu bao quát và độc lập. Theo Ajay Patel, nhà sáng lập và CEO của HighQ.
Gò ép theo một khuôn mẫu
Đừng đua theo trào lưu. Hãy nghĩ lớn và khác biệt.
Một sai lầm lớn thường thấy là nhiều nhà khởi nghiệp chỉ chạy theo tính chất sản phẩm chứ không phải theo lý do và mục đích của sản phẩm.
Nói cách khác, những mô hình phù hợp cho phim ảnh sẽ không áp dụng được cho sách báo, hay tương tự như vậy, ứng dụng chia sẻ ảnh sẽ không phù hợp với ứng dụng chia sẻ video. Bạn không thể giả định rằng những mô hình kinh doanh đang thịnh hành sẽ có thể áp dụng được cho các ngành hay các lĩnh vực khác nhau.
Trước tiên, hãy xác định điều khách hàng thực sự cần là gì, sau đó tìm mọi cách tối ưu để đem đến cho họ điều đó.
Hãy đặt trọng tâm vào mục đích sử dụng sản phẩm và không cần phải gò theo một khuôn mẫu nào cả. Chỉ cần trước khi bạn bắt tay thực hiện, phải xác định được khách hàng có thực sự muốn sản phẩm hay dịch vụ đó hay không.
– Jeff Chen, nhà sáng lập và CEO của Joyride.
Đánh giá quá cao những phản hồi tích cực
Cảm giác thật là ngọt ngào khi giai đoạn đầu khởi nghiệp bạn đã nhận được nhiều lời phản hồi tích cực và đầy khích lệ từ khách hàng tiềm năng.
Nhưng thực ra, mọi người dễ dàng đưa những lời bình luận tuyệt vời về sản phẩm của bạn, và đó chỉ là những lời đẹp đẽ đầu môi. Việc họ có mua sản phẩm hay không mới thực sự là vấn đề.
Những người khởi nghiệp thường thích nghe mấy lời nhận xét tích cực này, nhưng thật không may là sự khích lệ này lại chẳng có nhiều ý nghĩa và thường dễ làm bạn đi sai đường.
Nếu một khách hàng tiềm năng mất nhiều thời gian tìm hiểu về sản phẩm của bạn nhưng lại chẳng đủ hào hứng để mua gì, có nghĩa là bạn đang cung cấp một thứ dù hấp dẫn đấy nhưng không hề thuyết phục.
Bạn hẳn cũng biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đã rải đầy xác chết của những startup rõ là lóng lánh nhưng rốt cuộc không có tiền trả lương nhân viên. Để giúp doanh nghiệp thành công trong giai đoạn đầu, bạn phải dồn tâm điểm giống như chiếu thẳng tia laze vào mục tiêu chính: tạo ra sản phẩm nhất-định-phải-mua.
Và giải pháp cho việc này là cần thanh lọc những lời khen ngợi của khách hàng tiềm năng, và tập trung tuyệt đối vào hành vi của họ. – Marius Moscovici, nhà sáng lập và CEO của Metric Insights.
Tuyển nhân sự kém
Việc tuyển dụng được đội ngũ nhân sự giỏi ngay khi công ty mới thành lập rõ ràng là chuyện không dễ dàng, bởi các startup thường khởi đầu từ qui mô nhỏ, thiếu vốn và thiếu nhiều điều kiện khác, hơn thế nhiều startup còn thiếu cả kinh nghiệm khi tuyển dụng và đánh giá các ứng viên.
Để tránh mắc sai lầm này, một giải pháp quan trọng mọi người thường khuyên đó là kiểm tra thêm với người xác nhận của ứng viên.
Người xác nhận đó có thể do chúng ta tự tìm hiểu hoặc do ứng viên đề xuất. Hãy xem xét kĩ để tránh bị mắc lừa khi ứng viên đưa ra danh sách bạn bè thay vì đồng nghiệp. Và chúng ta luôn có thể gạch dấu chéo khi ứng viên không thể cho thông tin liên lạc của lãnh đạo cũ, đặc biệt là sếp trực tiếp của họ.
Danh tiếng là tất cả những gì mỗi người mang theo, và nếu ai đó không thể cho phép kiểm tra với sếp cũ, rất có thể họ có vấn đề gì đó.
Ngược lại, nếu một sếp cũ nói ‘hãy tuyển cô/cậu ấy, tôi ước gì cô/cậu ấy còn làm việc ở đây’, bạn có thể thấy ngấp nghé bóng dáng người đáng được tuyển dụng rồi đó! – Matt Finneran, đồng sáng lập Sparkcentral.
Tăng qui mô quá nhanh
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất tôi thường thấy các startup mắc phải đó là cố tăng qui mô trước khi họ thực sự xử lý được vấn đề hay trước khi họ dung hòa được sản phẩm với thị trường.
Mọi người nói nhiều về ‘tăng trưởng đột phá’, nhưng sẽ không hề dễ dàng nếu một sản phẩm tăng trưởng đột phá khi nó chưa sẵn sàng, thậm chí có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu sản phẩm. Và giải pháp để kiểm soát việc tăng qui mô quá nhanh chính là KPIs – các chỉ số đánh giá thực hiện công việc.
Các KPIs phủ sóng quanh môi trường sản phẩm cho ta biết khi nào đã đạt được hay khi nào cần cải thiện sự hòa hợp giữa sản phẩm với thị trường.
KPIs giúp trả lời câu hỏi đơn giản: ‘Sản phẩm của chúng ta đã làm khách hàng hoàn toàn hài lòng chưa?’.
Có quá nhiều công ty ra sức tăng qui mô trước khi họ biết câu trả lời cho câu hỏi trên và điều đó đã khiến họ bị thiêu cháy. – Jordan Wright, đồng sáng lập và CEO của Comfy.
Hà (Theo Forbes)