Khi nhà sáng lập làm CEO – Bài 3: Giai đoạn IPO sụt giảm tầm quan trọng
Thay đổi diễn ra vào năm 1995, và công ty dịch vụ máy tính Netscape là tác nhân khởi xướng.
Vào thời điểm lên sàn IPO, hãng dịch vụ tìm kiếm trên mạng này chỉ mới thành lập được hơn một năm và vẫn chưa có lãi. Các nhà đồng sáng lập Netscape là Marc Andreesen (khi đó 24 tuổi) và Jim Clark đã bổ nhiệm một Tổng Giám đốc nhiều kinh nghiệm là James Barkdale, nhưng họ cũng không quan tâm đến việc phải tạo dựng tăng trưởng lợi nhuận ổn định như mong muốn cố hữu của các chủ ngân hàng đầu tư.
Đợt IPO của Netscape đã mở đầu cho đợt gia tăng giá trị cổ phiếu với tên gọi Bong bóng Dot-com, đồng thời mở ra một thời kì mới khi mà giá trị của các tập đoàn công nghệ phụ thuộc vào những gì chúng sẽ mang lại thay vì những gì chúng đã làm.
Khi không phải trải qua những rào cản truyền thống để lên sàn IPO, các công ty khởi nghiệp không cần phải kiên trì phát triển trong một thời gian dài để trở thành công ty làm ăn có lãi. Thay vào đó, các công ty này có thể phát hành cổ phiếu ngay, và nhà sáng lập vẫn tại vị.
Từ năm 1980 đến năm 1998, một công ty nhận vốn đầu tư mạo hiểm mất trung bình bảy năm để phát hành cổ phiếu; trong giai đoạn 1999 – 2000 – lúc đỉnh điểm của Bong bóng Dot-com, khoảng thời gian này chỉ còn là bốn năm rưỡi.
Không chỉ vậy, dù các nhà sáng lập vẫn còn thiếu kinh nghiệm và năng lực quản lí, giờ đây họ có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin mới để trau dồi năng lực đó. Trong thế kỉ 20, các trang diễn đàn khởi nghiệp hay những cuốn sách hướng dẫn thành lập và duy trì công ty vẫn chưa xuất hiện, trong khi các trường kinh doanh lại tập trung dạy soạn kế hoạch kinh doanh – một công việc nghe có vẻ hữu ích nhưng lại hầu như chẳng tác dụng gì khi bạn thực sự trình làng sản phẩm ra thị trường (các công ty khởi nghiệp hiện đại còn nhận ra rằng chẳng có kế hoạch kinh doanh nào tồn tại sau lần tiếp xúc khách hàng đầu tiên).
Cách duy nhất để các nhà sáng lập đầy đam mê khởi nghiệp có thêm kinh nghiệm là tham gia thực tập ở các công ty khởi nghiệp khác, và đó là một quá trình rất tốn thời gian đến nỗi không nhiều người thực hiện nó.
Ngược lại, các nhà sáng lập của thế kỉ 21 có thể thu thập kiến thức khởi nghiệp dễ dàng hơn nhiều. Bất kì ai cũng có thể tham khảo trên mạng tất cả những điều cần biết để điều hành công ty khởi nghiệp.
Các công ty đầu tư và hướng dẫn khởi nghiệp như Y Combinator đã hệ thống hóa các khóa huấn luyện trau dồi kinh nghiệm về các công việc như xác định sản phẩm phù hợp thị trường, xác định thời điểm và cách thức chuyển hướng chiến lược, thực hiện phát triển linh hoạt, và làm việc với giới đầu tư mạo hiểm. Những cố vấn dày dạn kinh nghiệm thì nhan nhản ở Thung lũng Silicon hay bất kì nơi nào khác.
Cùng với đó, hai sự thay đổi về khía cạnh tài chính cũng đã góp phần giúp các nhà sáng lập tiếp tục nắm quyền. Đầu tiên là sự xuất hiện của thị trường thứ cấp, nơi mà các nhà sáng lập và nhân viên có thể thanh toán một phần cổ phiếu trước khi lên sàn IPO, qua đó duy trì trạng thái nội bộ của công ty thêm một thời gian nữa.
Trước khi thị trường thứ cấp trở nên phổ biến, các nhà sáng lập luôn muốn lên sàn IPO (qua đó đáp ứng yêu cầu của các chủ ngân hàng đầu tư), vì họ không có cách nào khác để thu lợi và phân bổ tài sản. Thị trường thứ cấp không chỉ làm giảm đi tầm quan trọng của đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu, mà còn củng cố quyền lực trong tay các nhà sáng lập.
Thay đổi thứ hai là sự tăng lên về số lượng các thương vụ mua lại công ty. Theo hãng cung cấp dịch vụ phân tích, tổng hợp và báo cáo dữ liệu CB Insights, có đến 3.260 thương vụ mua lại các công ty công nghệ so với chỉ 98 công ty phát hành cổ phiếu lần đầu trong năm 2016.
Nếu tỉ lệ này được duy trì, một công ty khởi nghiệp sẽ có xác suất được mua lại cao gấp 30 lần khả năng lên sàn IPO. Thương vụ một công ty lớn mua lại công ty nhỏ hơn sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu nhà sáng lập của công ty nhỏ vẫn giữ vai trò lãnh đạo. Giới đầu tư mạo hiểm đã nhận ra điều này, vì thế giờ đây họ có xu hướng để các nhà sáng lập nắm quyền.
Theo Steve Blank (Quốc Huy dịch)