Khi nghe từ ‘cyborg’ chắc hẳn bạn nghĩ ngay đến những bộ phim RoboCop hay Kẻ hủy diệt trong thập niên 1980. Các nhân vật tương lai trong những bộ phim nổi tiếng đó giờ không còn là chuyện viễn tưởng, khi mà công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng tiến sâu vào lĩnh vực sinh học. Người ta giờ đã có thể điều khiển một cánh tay robot bằng tâm trí. Những con người – cyborg có kỹ năng và khả năng vượt trội nhờ các thành phần điện tử hoặc cơ khí tích hợp trong cơ thể đã hiện diện quanh chúng ta.

 

Không chỉ các chi giả được gắn với hệ thống thần kinh của con người, tương lai còn có thể có sự hoà quyện hơn nữa  giữa sinh học và công nghệ khi máy tính được nối với não của chúng ta.

Sự phát triển của công nghệ giúp nâng cao năng lực thể chất – “phần cứng” của chúng ta, và có thể nói sẽ định hình lại thế giới xã hội loài người. Liệu những thay đổi này sẽ mang lại hình thức thống trị mới? Những người không được biến đổi sẽ trở thành tầng lớp thấp kém hoặc bị loại bỏ? Và định nghĩa con người sẽ thay đổi, sẽ có một số người trở nên vượt trội?

Tương lai có thể gần hơn chúng ta nghĩ

Xem xét những tiến bộ gần đây của AI và công nghệ thông qua lăng kính tiến hóa, Max Tegmark, giáo sư vật lý của MIT và chủ tịch của Viện nghiên cứu Future of Life đưa ra phác hoạ về “con người vượt trội”. Tegmark phân loại tất cả dạng sống theo ba cấp độ. Theo quan điểm của ông, phần lớn dạng sống – từ vi khuẩn đến chuột, tôm hùm – thuộc cấp độ mà ông gọi là 1.0. Những sinh vật này có khả năng nhân bản, nhưng chúng không thể tự thiết kế trong lại suốt cuộc đời của mình. Chúng phát triển và ‘học hỏi’ qua nhiều thế hệ.

Cao hơn, đâu đó giữa cấp 1.0 và 2.0, Tegmark phân loại các loài động vật như một số loài linh trưởng có khả năng hoà quyện sinh học và văn hóa. Những động vật này có thể học các kỹ năng mới phức tạp, như cách sử dụng các công cụ. Con người thực hiện việc này ở mức cao nhất, và Tegmark phân con người ở cấp 2.0.

Khả năng học một ngôn ngữ mới trong cuộc đời giống như việc thêm gói phần mềm vào máy tính. Chúng ta có thể thêm vô hạn các bản “tự” nâng cấp trong suốt cuộc đời và truyền kiến thức cho các thế hệ tương lai. Chúng ta cũng có thể điều khiển các dạng sống khác theo mục đích của mình trên quy mô lớn – từ chăn nuôi gia súc đến khai thác vi khuẩn trong chế biến thực phẩm lên men như phô mai.

Với những bước nhảy vọt trong lĩnh vực AI, khoa học thần kinh và công nghệ sinh học, khái niệm về “động vật” và “con người” hoàn toàn có thể cạnh tranh với các bộ phim Hollywood giàu trí tưởng tượng nhất. Dạng sống 3.0 chưa tồn tại trên Trái đất, nhưng Tegmark cho rằng trong tương lai chúng ta sẽ thấy một dạng sống công nghệ có thể thiết kế cả phần cứng (điều mà cả dạng sống 1.0 và 2.0 đều không làm được) và phần mềm của nó (hiện chỉ có dạng sống 2.0 làm được).

Ngay ở tương lai gần con người có thể ở đâu đó giữa dạng sống 2.0 và 3.0. Năm 2016, Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX, đã đồng sáng lập công ty Neuralink nhằm phát triển công nghệ giao tiếp máy tính và não. Musk cho biết mục tiêu nhằm giúp con người tích hợp với phần mềm và những tiến bộ trong lĩnh vực AI.

Không biết người ta có tình nguyện để robot cấy chíp vào não mình hay không. Nhưng ở đâu giờ người ta cũng áp dụng đủ loại công nghệ một cách đáng ngạc nhiên.

Hơn 5 tỷ người hiện nay sử dụng điện thoại di động. Dự đoán đến năm 2025 khoảng 71% dân số thế giới được kết nối. Việc hầu như mọi hoạt động hàng ngày của một người có thể bị ảnh hưởng bởi điện thoại thông minh hoặc thứ gì đó tương tự từng giống như chuyện viễn tưởng. Khi “dân số kỹ thuật số” tăng lên thì mối quan hệ của chúng ta với công nghệ cũng tăng lên.

Việc nhân cách hóa và đặt tên cho các ứng dụng và thiết bị như Siri hoặc Alexa dễ dàng được chấp nhận. Chúng ta nói chuyện với chúng, cho phép chúng kiểm soát môi trường xung quanh, tình hình tài chính, mua sắm và lịch trình của chúng ta. Thế nhưng nhiều người lại ngần ngại khi nghĩ đến việc nhúng công nghệ vào trong cơ thể nếu không có vấn đề về thể chất.

Phản ứng của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi “yếu tố kinh tởm” về công nghệ mới hoặc khác biệt văn hóa. Nhưng theo thời gian, những gì chúng ta cho là kinh tởm hoặc gây khó chịu có thể trở thành bình thường. Chẳng hạn thịt được làm trong phòng thí nghiệm từ một ảo mộng khoa học và kinh tế trở thành một thứ có thể có trong các cửa hàng vào năm 2022. Tương tự, việc ăn côn trùng vốn không quen ở phương Tây đã được chấp nhận như một nguồn protein bền vững.

Nhưng khi công nghệ tích hợp được nhìn nhận như một thành phần của xã hội thì có một vấn đề gai góc đặt ra: xuất hiện một sự thống trị mới – có thể là sự phân hoá giữa những người có thể và những người không thể giao tiếp với công nghệ. Trong thế giới mới đó, con người 2.0 không có cải tiến sẽ bị rớt xuống tầng lớp đầy tớ?

P.Uyên