4 cách thúc đẩy sự đổi mới trong startup
Murray Newlands – doanh nhân, diễn giả, nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn, nhà sáng lập Công ty cung cấp công cụ xây dựng chatbot Chattypeople – cho rằng, cơ sở của sự đổi mới là “không gian”.
Theo Murray Newlands, để thúc đẩy hiệu quả sự sáng tạo, startup nên trao cho nhân viên càng nhiều “không gian” càng tốt.
“Tôi không cần và không muốn “cầm tay chỉ việc” khi họ thực hiện nhiệm vụ. Quản lý vi mô thường “giết chết” sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm.
Sự chấp nhận rủi ro và đổi mới chỉ đến khi nhân viên được trao quyền, được tin tưởng và cảm thấy hào hứng, nhưng cũng là khi họ được trao cho những mục tiêu, ranh giới và thời hạn rõ ràng”, Newlands cho biết trong một bài viết trên Entrepreneur.
Dưới đây là một vài bài học từ ChattyPeople nhằm thúc đẩy sự đổi mới bằng cách trao “không gian” và thiết lập mục tiêu, theo Murray Newlands:
1. Tương tác hằng ngày
Vì đội ngũ nhân viên ở nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi phải thường xuyên thực hiện các cuộc gọi video cho nhau mỗi khi có vấn đề xảy ra, dù đôi khi đó chỉ là những cuộc gọi ngắn.
Nếu không có yếu tố con người hoặc trao đổi mặt đối mặt, sự tương tác và kết nối sẽ mất đi, và năng suất chung sẽ bị ảnh hưởng.
Các startup hoạt động gói gọn trong một văn phòng cũng có thể áp dụng cách làm này. Duy trì những cuộc họp theo dõi tiến độ công việc sẽ giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn với tốc độ nhanh hơn, vì biết rằng họ sẽ được yêu cầu phải cập nhật tình hình công việc liên tục.
Không những vậy, việc này còn khuyến khích họ thực hiện thêm những điều mới mẻ vốn không nằm trong nhiệm vụ của mình, nghĩa là họ sẽ biết cách chấp nhận rủi ro hơn, đổi mới sáng tạo nhiều hơn.
2. Phản hồi hằng ngày
Tại ChattyPeople, chúng tôi muốn mọi người đều có ý thức cải tiến sản phẩm chung. Nếu có ai đó nhận phản hồi nổi bật của khách hàng về một vấn đề cụ thể, chúng tôi muốn họ giải thích lại vấn đề đó cho tất cả mọi người trong công ty, nhằm tập trung vào mục tiêu tạo ra sản phẩm thực sự tốt cho người dùng.
Chúng tôi cũng khuyến khích nhóm phát triển phần mềm đưa ra phản hồi về tiến độ thực hiện, giúp mọi người hiểu được vì sao một phần việc nào đó cần tốn nhiều thời gian. Khi tất cả mọi người đều biết về kế hoạch chung, nó sẽ giảm đi áp lực khi họ làm việc lại với khách hàng.
Giúp tất cả mọi người trong đội ngũ hiểu kế hoạch phát triển và đưa ra phản hồi sẽ thúc đẩy họ cùng suy nghĩ về một vấn đề cụ thể, dù nó là phần việc ngoài chuyên môn.
Đôi khi họ có thể đưa ra một giải pháp tuyệt vời hoặc giúp cải thiện vấn đề chỉ với một bước tinh chỉnh đơn giản.
3. Đa dạng hóa môi trường làm việc
Đội ngũ ChattyPeople đến từ nhiều nơi trên thế giới nên chúng tôi có được nhiều góc nhìn đa dạng hơn về một vấn đề. Tuy nhiên, với một đội ngũ chỉ ở cùng một khu vực cũng vậy, điều quan trọng là tạo cơ hội cho nhân viên làm việc với hiệu quả cao nhất trong những điều kiện phù hợp nhất với họ.
Chẳng hạn, có người làm việc với năng suất cao nhất khi ở nhà, có người lại thích ở cùng với đồng nghiệp, hoặc làm việc lúc sáng sớm hay tối muộn…
Nhờ đó, họ có thể hoàn thành nhiệm vụ trong trạng thái năng suất nhất và hạnh phúc nhất, và do vậy, chất lượng sản phẩm/dịch vụ của công ty sẽ đạt mức cao nhất.
Với các công cụ công nghệ sẵn có hiện nay, thực sự không có lý do gì để không cho phép hoặc không khuyến khích nhân viên làm việc từ xa.
4. Thay đổi những khuôn mẫu
Trong những ngày đầu, startup đừng nên để bị giới hạn bởi những khuôn mẫu cũ. Khi khởi đầu ChattyPeople, chúng tôi thường xuyên làm việc từ 18 – 20 tiếng mỗi ngày, chứ không phải từ 9h sáng đến 5h chiều như các công ty thông thường khác.
Chúng tôi làm việc tại nhà riêng, quán cà phê, không gian làm việc chung… Không có “giờ làm việc”, chỉ có “hoàn thành công việc” hay “không hoàn thành công việc”.
Đối với nhiều dự án, cách làm việc mỗi ngày 8 tiếng trong giờ hành chính sẽ thực sự là một cản trở, và mọi người cần có một mức độ linh hoạt nhất định để đạt đến hiệu suất cao nhất với những ý tưởng đột phá nhất.
Bích Trâm – Doanh nhân Sài Gòn