Khi nào và tại sao những người sáng lập nên ngừng quản lý công ty?
Mặc dù việc ngưng vai trò quản lý công ty là điều không mấy dễ dàng, nhưng ở một số thời điểm khi nhận thấy việc rời khỏi vị trí này đem lại lợi ích lớn hơn cho công ty, thì bạn nên cần một sự thay đổi.
Nếu bạn là những doanh nhân thành công, khi bạn tìm thấy hướng đi cho công việc kinh doanh và bắt đầu điên cuồng lao vào nó để đạt được thành tựu, bạn sẽ trở nên tràn đầy năng lượng và có một động lực vô hình nào đó thúc đẩy tiến về phía trước.
Cuộc sống cá nhân lúc này dường như bị mờ nhạt, và công việc kinh doanh chính là cuộc sống của bạn.
Nhưng khi đã đạt được một số thành công nhất định, bạn vẫn muốn tiếp tục duy trì sự tăng trưởng cho công ty nhưng những động lực ban đầu đã không còn nhiều.
Vào một thời điểm nào đó, khi nhận thấy việc ngưng vai trò quản lý sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho công ty, bạn cần thay đổi – bạn có thể không còn là người lèo lái chính cho công ty của mình nữa.
Sau 20 năm giữ vị trí đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Seven Corners, ông Jim Krampen giờ đã chuyển sang vị trí giám đốc một bộ phận rồi sau là ở mảng phát triển kinh doanh.
Những thay đổi về vai trò của mình trong công ty, theo ông là một sự tự giải thoát, ông vẫn làm việc ở công ty mình nhưng không tham gia trực tiếp vào hoạt động quản trị của công ty, và ông làm điều này chỉ để muốn công ty phát triển hơn.
Ở vị trí mới, ông có thể phát triển cơ hội kinh doanh cho công ty qua việc mở rộng các mối quan hệ.
Vì thế, việc một người sáng lập công ty ngừng quản lý công ty của mình nhưng vẫn với tinh thần kinh doanh là một điều cần thiết, đặc biệt là cho những doanh nghiệp mà họ đã dành rất nhiều thời gian để phát triển. Nhưng cụ thể là tại sao và khi nào những nhà đồng sáng lập sẽ phải tự thay đổi chính mình?
1. Bởi vì kỹ năng của bạn là có hạn
Khi phát triển công ty đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra kỹ năng và kinh nghiệm của mình chỉ có giới hạn đến đó và những thứ càng về sau sẽ vượt quá phạm vi có thể của mình.
Có thể bạn sẽ hiểu rõ về ngành nghề mình đang kinh doanh, nhưng còn nhiều bộ phận khác nữa trong công ty và mỗi người trong số họ đều phải có những kỹ năng riêng biệt.
Thực tế là ngay cả những người tài giỏi nhất cũng không thể nắm vững hết được một bộ phận chức năng nào đó, mà thay vào đó những nhân viên có chuyên môn riêng biệt sẽ am hiểu được việc này.
“Một điều cơ bản nhất mà tôi được học, là tôi cần thuê những nhân viên nắm vững những thứ mà tôi không biết, điều này đem lại sự cân bằng cho việc kinh doanh của công ty.
Tại sao chúng ta phải cố hoàn hảo hết các khía cạnh, trong khi có thể tìm được người giỏi để làm việc đó?,” doanh nhân Ashley Bodi chia sẻ.
2. Bạn không thể làm tốt được hết mọi thứ
Khi công ty của bạn phát triển đến một mức nào đó, bạn sẽ nhận ra mình không thể quản lý và chỉ đạo được tất cả hoạt động của công ty. Đơn giản là bởi bạn không thể quán xuyến được hết thảy mọi việc khi công ty trở nên lớn hơn.
Lúc này, bạn cần kiềm chế việc trình bày mọi thứ vì có khả năng nhiều thứ khác phát sinh sẽ nằm ngoài vùng hiểu biết của bản thân. Hãy tìm những người tài giỏi quản lý từng bộ phận riêng biệt của công ty.
3. Những gì giúp bạn thành công trong quá khứ, sẽ không còn đúng trong tương lai
Có thể trong quá khứ những chính sách kinh doanh đúng đắn đã giúp công ty phát triển lớn mạnh, nhưng những quy tắc trong kinh doanh luôn phải thay đổi để phù hợp với thực tế thị trường.
Những doanh nhân thành đạt có sẵn một bản năng tự nhiên để linh hoạt thay đổi cách thức hoạt động của công ty nhằm đáp ứng kịp thời thế.
Tuy vậy, điều này chưa đủ để đưa công ty bạn sang giai đoạn mới, mà chỉ khiến nó mở rộng quy mô. Bạn phải xem xét một cách tổng thể và sâu rộng mô hình công ty để đưa ra những nhận xét về cơ hội và giải pháp nếu có sai lầm. Thay đổi chính từ nội bộ công ty rồi đưa ra chiến lược mới để phát triển sang một tầm mới.
4. Tầm nhìn của người mới thật sự là mới mẻ
Hãy thuê những người ngoài ngành kinh doanh của công ty để họ mở rộng quy mô của doanh nghiệp. Từ vị trí bên ngoài, họ sẽ có những quan điểm khác biệt, từ kinh nghiệm của họ đối với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau và nhìn trước được kết quả.
“Những người ngoài ngành sẽ có một quan điểm khác biệt và mới lạ về ngành nghề kinh doanh của công ty. Hay thậm chí họ sẽ có mắt nhìn của người dùng cuối để đưa ra nhận xét về sản phẩm của công ty,” chuyên gia quản lý nhân sự Lee Hecht Harrison cho biết.
5. Tìm kiếm sự tập trung chuyên môn
Việc rời khỏi vị trí quản lý công ty cho phép bạn tự giải phóng mình và hướng bản thân đến những công việc mình yêu thích mà có lợi cho công ty.
Như ông Jim Krampen có kỹ năng mạnh mẽ nhất với chuyên ngành phát triển kinh doanh, sau khi rời khỏi ghế đồng sáng lập, ông đã lên đường tìm kiếm đối tác và xây dựng các mối quan hệ.
Mặc dù không dễ dàng để thoát khỏi vai trò quản lý trong doanh nghiệp của mình, nhưng nếu vượt qua được điều này, bạn sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho công ty.
Sự thay đổi sẽ không thấy rõ chỉ sau một vài ngày, nó cần một thời gian dài để chính bạn và tập thể công ty quen dần và học cách làm việc mới cùng nhau để đạt được những cột mốc mới.
Quang Niên (Theo entrepreneur)