Một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến thành bại của một startup lại là yếu tố mà bạn ít có khả năng kiểm soát nhất: Thời gian.

Mỗi startup khi thâm nhập thị trường sẽ thuộc một trong 04 viễn cảnh sau đây:

Tương lai startup của bạn phụ thuộc vào thị trường mà bạn nhắm tới có tăng trưởng hay không, và nếu có, thì khi nào sẽ tăng trưởng. Vậy, 4 viễn cảnh này khác nhau thế nào và bạn cần phải lưu ý những gì, hãy cùng ThinkZone phân tích từng viễn cảnh nhé.

1. THỊ TRƯỜNG NHỎ, KHÔNG TĂNG TRƯỞNG

Nếu bạn nhận thấy doanh nghiệp của mình đang phục vụ một thị trường nhỏ với rất ít, hoặc không có, tiềm năng trưởng, thì nỗ lực của bạn rồi cũng sẽ chẳng thu lại được bao nhiêu. Có kha khá startup vẫn đang nhắm đến phục vụ những thị trường nhỏ, đã bão hòa, và hầu như không còn tăng trưởng như: bán đồ chụp ảnh, dịch vụ cho hội họa,… Về căn bản là thị trường không tăng trưởng, nên doanh nghiệp của bạn cũng không thể tăng trưởng đạt được ngưỡng mà bạn mong muốn, và tất nhiên là các nhà đầu tư cũng sẽ nói không với những thương vụ như vậy.

2. THỊ TRƯỜNG LỚN, TĂNG TRƯỞNG TRONG QUÁ KHỨ

Giả sử bạn muốn sản xuất và bán điện thoại thông minh, hãy tưởng tượng xem mình sẽ phải đối mặt với những đối thủ nào: Apple, SAMSUNG, Xiaomi, Sony,… Bạn sẽ phải mất cả đống tiền để nghiên cứu và xây dựng được một chiếc điện thoại có chất lượng ngang với những chiếc cùng phân khúc (bạn mới bắt đầu, còn các hãng khác đã có nền tảng cả chục năm kinh nghiệm và công nghệ rồi), và bạn cũng sẽ mất cả đống tiền khác chỉ để đưa được điện thoại của mình xuất hiện trên các kệ bán hàng. Những tên tuổi lớn có thể vung rất nhiều tiền cho R&D để luôn nắm thế dẫn đầu về công nghệ, trong khi bạn còn đang phải chật vật trả từng khoản lợi nhuận cho các cổ đông.

Đặc điểm của loại thị trường này là nó tuy lớn, tăng trưởng mạnh trong quá khứ, nhưng rất nhiều bên đã nhảy vào, và hiện đã được lấp bởi rất nhiều các ông lớn rồi. Những ông lớn này có thừa tài nguyên và kinh nghiệm để “đá bay” bất kỳ “lính mới” nào muốn tham gia cuộc chơi. Và với nguồn lực hạn chế của một startup, bạn tốt nhất là nên tránh những ông lớn này ra.

Tuy nhiên, ngoại lệ vẫn có thể xảy ra. Có những thị trường tưởng chừng như đã ‘kín chỗ’, nhưng vẫn tồn tại cơ hội phát triển cho những sản phẩm đủ khác biệt và đột phá. Trường hợp của các mạng xã hội vào năm 2011 là một ví dụ.

Khi Pinterest, Instagram, và Snapchat xuất hiện vào những năm 2010 và 2011, có vẻ như thị trường cho các mạng xã hội đã hoàn toàn được chiếm lĩnh bởi Facebook và Twitter. Nhưng cả 3 mạng xã hội kia đều cho phép những tính năng mà hồi đó Facebook và Twitter chưa có: Gắn thẻ các bài viết trên web, chia sẻ ảnh với nhiều hiệu ứng chỉnh ảnh khác nhau, và những tin nhắn “ma” tự động xóa sau khi gửi. Đó đều là những tính năng mới lạ, và hợp với thị hiếu của người dùng, bởi vậy mà những mạng xã hội này vẫn có thể phát triển trong một cuộc chơi đầy những “người khổng lồ”.

→ Những ngoại lệ này cho thấy rằng, đôi khi việc đầu tư cho các startup trong một thị trường kiểu này vẫn có thể mang lại lợi nhuận.

3. THỊ TRƯỜNG NHỎ, QUÁ SỚM ĐỂ TĂNG TRƯỞNG

Có thể bạn nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời, nhưng rồi dần dần bạn nhận ra tiền trong quỹ sắp cạn, mà thị trường vẫn chưa đến được thời điểm tăng trưởng. Nguyên nhân dẫn đến viễn cảnh này có thể là do thị hiếu/lối sống của khách hàng chưa thay đổi đến mức họ nhận thấy họ cần sản phẩm của bạn. Ví dụ: Sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường đang là chủ đề được thảo luận rất nhiều ngày nay, nhưng nếu quay lại 50 năm trở về trước, liệu người tiêu dùng có quan tâm doanh nghiệp của bạn bán cốc nhựa hay cốc giấy?

Nguy cơ đối với startup khi bước vào thị trường kiểu này là việc hết tiền trước khi thị trường tăng trưởng đủ lớn để doanh nghiệp của bạn bắt đầu hòa vốn. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:

➤ WebVan là một nền tảng mua sắm online, một mô hình chẳng lạ lẫm gì ngày nay, nhưng lí do bạn chưa từng nghe đến WebVan, là bởi vì dù đã đốt đến 400 triệu USD tiền đầu tư, doanh nghiệp này vẫn phá sản vào cuối thập niên 1990.

➤ WebTV là đơn vị tiên phong với mô hình TV kết nối Internet vào những năm 1990, nhưng rồi thất bại về khía cạnh sản phẩm (do người dùng không có nhu cầu với một loại TV như vậy) – trong khi đó hầu hết các TV hiện nay đều có thể kết nối với Internet.

➤ Dodgeball đi tiên phong trong việc chia sẻ vị trí thời gian thực của người dùng thông qua tin nhắn. Công ty này sau đó được mua lại, và sản phẩm thì bị dừng phát hành sau đó. Tuy nhiên ngày nay, việc chia sẻ vị trí người dùng một trong những tính năng phổ biến của Facebook và các mạng xã hội khác.

Quá sớm cũng đồng nghĩa với sai lầm: Nếu thị trường mà bạn đang phục vụ không tăng trưởng trong một khoảng thời gian và tiêu chuẩn nhất định mà nhà đầu tư đặt ra, bạn sẽ bị từ chối.

Tuy nhiên, nếu bạn là một founder đã có thành tích được công nhận trong quá khứ, bạn có thể tạo được lòng tin nơi nhà đầu tư, và họ sẽ rót tiền, và cho bạn thêm thời gian đến khi thị trường bắt đầu tăng trưởng để họ thu lại lợi nhuận. Tesla và SpaceX của Elon Musk là một ví dụ. Đây đều là những công ty cần rất nhiều thời gian trước khi có thể chứng minh rằng chúng có thể đạt product-market fit, và các quỹ đầu tư đã rất kiên nhẫn với hai công ty này, với niềm tin dựa trên thành công trong quá khứ của Elon Musk với PayPal.

Để tránh rơi vào viễn cảnh này, hãy tự hỏi bạn và team một câu để phân biệt giữa xu hướng thật và xu hướng ảo: Hãy hỏi rằng những người “cuồng” loại công nghệ này nhất có thực sự dùng nó liên tục không? Ví dụ, VR (Virtual Reality – Thực tế ảo) khá là hay ho, nhưng kể cả những người cuồng VR nhất cũng không sử dụng nó như một nhu cầu hàng ngày.

4. THỊ TRƯỜNG NHỎ, TĂNG TRƯỞNG NHANH

Đây chính là viễn cảnh lí tưởng cho mọi startup, rằng bạn gia nhập thị trường vừa đúng lúc. Vì thị trường vẫn nhỏ, nên các ông lớn, dù có nhận thấy được cơ hội, nhưng vẫn là quá nhỏ để đầu tư nghiêm túc vào đó. Và như đã phân tích trong bài viết 06 sự khác biệt về văn hóa giữa startup và doanh nghiệp lớn, việc chuyển hướng chiến lược trong các doanh nghiệp lớn là khá chậm chạp so với startup.

Nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng trong các thị trường này là do sự chuyển dịch về hành vi khách hàng, hoặc sự chuyển dịch về công nghệ, hoặc cả hai. Ví dụ:

➤ Chuyển dịch về hành vi khách hàng: Một nền tảng như Facebook hoàn toàn là khả thi về mặt kĩ thuật từ rất nhiều năm trước khi Facebook ra đời, nhưng Facebook phát triển và tăng trưởng trong bối cảnh người dùng đang chuyển dần các tương tác của mình sang kênh online.

➤ Chuyển dịch về công nghệ: Công nghệ nhận diện hình ảnh gần đây mới được phát triển đến mức đủ tốt để có thể được sử dụng cho các mục đích bảo mật và an toàn như xe tự lái, khóa cửa,… Tuy nhiên công nghệ nhận diện hình ảnh không thể ứng dụng được như ngày nay nếu như không có sự phát triển của rất nhiều công nghệ khác liên quan.

Mỗi sự chuyển dịch như vậy đều tạo cơ hội cho sự ra đời của những công ty tỉ đô. Nhưng bạn cần phải có mặt ở thị trường vào ngay lúc xu hướng đó bắt đầu. Để nắm bắt được những cơ hội như vậy, bạn cần phải là một early adopter năng động, cập nhật và liên tục thử những công nghệ mới, và không quá gắn mình với một dự án nào, để có thể chớp lấy cơ hội ngay khi nó xuất hiện.

TÓM LẠI

Việc nắm bắt đúng thời điểm gia nhập thị trường là rất quan trọng, và ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành bại của startup. Hãy cân nhắc xem thị trường mà bạn đang nhắm đến có quy mô thế nào, và đang trong giai đoạn nào của quá trình tăng trưởng:

1. Đừng tốn thời gian của bạn với một thị trường nhỏ mà không có tăng trưởng.

2. Thị trường lớn với lịch sử tăng trưởng mạnh cũng rất khó để tham gia – các ông lớn đã chiếm lĩnh thị trường có lợi thế về phân phối, sản phẩm, và vốn. Đôi khi những sản phẩm khác biệt và độc đáo vẫn có thể phát triển trong thị trường này, nhưng số trường hợp đó không nhiều.

3. Bạn có thể gia nhập một thị trường nhỏ mà bạn cho rằng sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, quá sớm đồng nghĩa với sai lầm. Trong những thị trường kiểu này, sẽ tiết kiệm các khoản chi của bạn để có thể sống sót đến khi thị trường đủ lớn để startup tăng trưởng.

4. Hãy cố gắng tìm kiếm một thị trường nhỏ với tốc độ tăng trưởng cao, thường là được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch trong hành vi người dùng hoặc công nghệ. Những thị trường kiểu này là viễn cảnh trong mơ với mọi startup để có thể tăng trưởng và phát triển.