Trung Quốc có một loại dịch vụ ‘ship cả thế giới’ từ cà phê đến mỹ phẩm chỉ trong 30 phút, giúp tạo ra thị trường béo bở trị giá 236 tỷ USD
Các dịch vụ sử dụng nền tảng ngoại tuyến và trực tuyến để liên kết người dùng với đơn vị giao hàng theo yêu cầu (gọi tắt là dịch vụ nội địa) đang bùng nổi tại Trung Quốc.
Theo công ty nghiên cứu Analysys, thị trường dịch vụ nội địa của Trung Quốc trị giá 236 tỷ USD vào năm ngoái, tăng khoảng 56,3% so với năm trước. Con số này cao hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng 23,9% của ngành thương mại điện tử đang có xu hướng phát triển nhanh tại đất nước tỷ dân.
Analysys cho biết họ chia dịch vụ nội địa ra làm hai loại hình kinh doanh kỹ thuật số. Loại đầu tiên là các nền tảng di động như Yelp và Groupon phục vụ nhu cầu như sửa nhà, đặt lịch làm đẹp, giặt khô, nhà hàng, phim ảnh và du lịch. Những nền tảng này chiếm khoảng 63,9% tổng thị trường. Loại thứ hai là các nền tảng di động cung cấp dịch vụ giao hàng theo yêu cầu như Meituan và Ele.me, chiếm 36,1% còn lại của thị trường.
Năm ngoái, Ele.me đã được tập đoàn Alibaba mua lại và hiện startup giao đồ ăn này có 167 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Trong khi đó, nền tảng thương mại điện tử Taobao đang đóng vai trò là người kết nối người dọn dẹp theo giờ và bảo mẫu với người dùng.
Một người chơi mới khác là chuỗi siêu thị bán lẻ của Alibaba mang tên Freshippo. Họ cung cấp dịch vụ giao đồ ăn còn nóng hổi và hàng tạp hóa chỉ trong vòng 30 phút cho cư dân sống trong phạm vi bán kính 3km từ cửa hàng và đặt hàng qua ứng dụng.
Dịch vụ nội địa và nền tảng thương mại ở Trung Quốc đang biến một lượng lớn các nhà hàng, hiệu thuốc, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trung tâm mua sắm thành trung tâm dịch vụ. Nhờ đó, việc gọi đồ ăn hay nhận hàng nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng.
Hai yếu tố quan trọng thúc đẩy các dịch vụ trên phát triển mạnh là cơ sở người tiêu dùng lớn và mật độ dày đặc các cơ sở bản lẻ tại nhiều thành phố Trung Quốc. Những điều này còn có tầm quan trọng lớn hơn trong bối cảnh mở rộng đô thị ở đất nước tỷ dân:
Trung Quốc hiện có sáu siêu đô thị (dân số hơn 10 triệu người) và hơn 50 thành phố có hơn 2 triệu dân. Thêm vào đó là việc người dùng trẻ ở Trung Quốc khá am hiểu công nghệ và có xu hướng thích trải nghiệm những điều mới mẻ qua các ứng dụng trên smartphone.
Trên thực tế, trải nghiệm người dùng của các ứng dụng tại Trung Quốc rất khác so với ứng dụng tương tự ở thị trường phương Tây. Trong khi hầu hết ứng dụng phương Tây chỉ dành riêng cho một sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định thì ứng dụng giao hàng theo yêu cầu như Ele.me lại cung cấp nhiều thứ hơn, từ cà phê Starbucks đến các loại thuốc không kê đơn trong vòng 30 phút (không riêng gì đồ ăn).
Sự hợp tác gần đây của Ele.me với Watsons, chuỗi bán lẻ dược – mỹ phẩm có trụ sở tại Hong Kong đã mở rộng việc cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân tới 230 thành phố Trung Quốc. Có thể nói, mô hình “giao tất cả mọi thứ” đang bùng nổ hơn bao giờ hết và trở thành một “miếng bánh” béo bở tại Trung Quốc.
Đối với dịch vụ offline, các ứng dụng Trung Quốc không chỉ tạo điều kiện cho việc đặt chỗ và đánh giá mà còn tiếp tục tương tác với người tiêu dùng khi họ ở trong cửa hàng thông qua trải nghiệm kỹ thuật số.
Ví dụ khách hàng có thể dùng ứng dụng Koubei của Alibaba để quét và duyệt menu, gọi món và thanh toán hóa đơn ngay tại nhà hàng. Thậm chí ở một số địa điểm, khách hàng còn được chơi trò chơi để kiếm ưu đãi giảm giá cho bữa ăn của mình.
Giáo sư Jeff Towson của Đại học Bắc Kinh nhận định “ông lớn” như Alibaba sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của dịch vụ nội địa tại Trung Quốc từ trực tuyến đến thế giới thực. Việc tích hợp thêm các cửa hàng bán lẻ vào mạng lưới giao hàng sẽ tăng cường sự đa dạng dịch vụ tại Trung quốc và cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng thị trường mạnh mẽ.
Gia Vũ – TTVN