Startup du lịch đang trên đà cất cánh
Sự phát triển mạnh mẽ của những công ty du lịch trong kỷ nguyên Internet đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm.
Trong 5 năm gần đây, các công ty du lịch đã gọi được hơn 1 tỷ đô từ các nguồn vốn mạo hiểm, bao gồm những startup ngắn hạn, các ứng dụng du lịch tham quan, các tính năng trải nghiệm, cùng những nền tảng công nghệ dịch vụ và du lịch khác. Một ví dụ tiêu biểu là Airbnb. Thương hiệu này đã gọi được đến 3 tỷ đô tiền vốn trong cùng một khoảng thời gian.
Chỉ trong vài tháng gần đây, công ty TripActions cùng nền tảng hoạt động du lịch Klook đã tiến vào nhóm “unicorn” (thuật ngữ chỉ các công ty có giá trị hơn 1 tỷ đô). Cùng lúc đó, Away – một công ty sản xuất túi đựng hành lý – cũng khá nổi bật khi gọi được 50 triệu đô tiền vốn.
Ariel Cohen, nhà đồng sáng lập TripActions, phát biểu rằng: “Dường như đang có một điều gì đó diễn ra mạnh mẽ trong nền công nghiệp này, một điều thậm chí còn lớn hơn cả công ty chúng tôi. Những startup khác nhau đã và đang định hình được cơ hội của họ trong lĩnh vực này. Dĩ nhiên, công ty nào cũng muốn thỏa mãn người lao động của mình khi công ty đang trên đà đi lên. Đó là lý do vì sao những nguồn vốn liên tục được đầu tư vào những công ty như TripActions”
Du lịch toàn cầu là một trong những ngành công nghiệp có giá trị nhất với khoảng 7 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trong đó, thị trường du lịch online ước tính tăng đến 817 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2020. Và dĩ nhiên, các nhà đầu tư đang sốt sắng tìm kiếm những startup có tiềm năng để thống trị “miếng bánh” ngon lành này.
Theo Neil Sequeira – giám đốc điều hành của General Catalyst, lĩnh vực này đang chứng kiến sự đổ bộ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Do đó, điều làm nên khác biệt mà các startup cần chú ý là sự hiệu quả, hệ thống chăm sóc khách hàng, hoặc quy mô và sự phát triển.
Ngược lại, vẫn có rất nhiều công ty du lịch hiện nay đang tìm kiếm các startup công nghệ nhằm trang bị cho bản thân những cải tiến để thích nghi với thời đại. Những công ty lớn sẽ là nguồn vốn đầu tư mạo hiểm dồi dào cho lĩnh vực này. Chẳng hạn như SAP Concur. Công ty này đã thâu tóm startup Hipmunk vào năm 2016 cùng với ứng dụng đặt vé của nó. Trước đó, SAP Concur cũng mua lại công ty Triplt với giá 120 triệu đô.
Có khá nhiều thương vụ thu mua diễn ra với số tiền khá ít. Điều này không mấy lý tưởng cho một công ty hoạt động dựa trên nguồn vốn mạo hiểm. Tuy nhiên, việc thành lập một công ty du lịch mới quả thật đầy rủi ro. Vậy nên để tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này, các công ty cần bắt tay và phối hợp với nhau.
Tuy nhiên, chẳng mấy sáng sủa khi những công ty dựa vào vốn đầu tư mạo hiểm lại đang được dự báo một cuộc chuyển mình trong thị trường. Du lịch là một ngành phụ thuộc vào xu hướng tiêu tiền dư dả của khách hàng. Do đó đây cũng là lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên bởi những điều kiện khó khăn của kinh tế.
Vậy nên tựu chung lại, các startup du lịch nên nắm lấy cơ hội ngay lúc thị trường còn đang sôi động. Bởi theo dự tính, các điều kiện thuận lợi sẽ không thể nào diễn ra lâu dài.
Hải Vy (Theo Tech Crunch)